Các nhà khoa học Mỹ đã chế tạo ra loại “vắc-xin cá nhân” giúp điều trị ung tư buồng trứng từ chính cơ thể bệnh nhân, theo Telegraph.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Science Translational Medicine, các nhà khoa học của Đại học Pennsylvania đã dùng chính tế bào đuôi gai (tế bào tua, một loại tế bào miễn dịch quan trọng ở người) chiết xuất từ huyết thanh của bệnh nhân ung thư, cho tiếp xúc với các vật liệu trích ra từ chính khối u rồi tiêm trở lại vào cơ thể bệnh nhân, theo CNN.
Chính quá trình tiếp xúc với các vật liệu từ khối u đã tôi luyện cho các tế bào đuôi gai trở thành những chiến binh thực sự để chống lại bệnh ung thư. Khi được đưa trở lại cơ thể bệnh nhân, chúng sẽ hoạt động như một loại vắc-xin, giúp hệ miễn dịch đủ mạnh mẽ để tự đánh bại khối u.
Sau bước thành công trong các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, nhóm nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên 10 tình nguyện viên đã ở giai đoạn nặng.
Cụ thể, 10 người này được dùng vắc xin 3 lần/tuần, kết hợp với hai loại thuốc cyclophosphamide và bevacizumab – phổ biến trong hóa trị liệu ung thư buồng trứng. Bên cạnh đó, 56 bệnh nhân khác cũng được mời vào nhóm đối chứng, sử dụng phương pháp hóa trị truyền thống chỉ bằng hai loại thuốc nêu trên, không có vắc-xin.
Sau 2 năm nghiên cứu, 8/10 các bệnh nhân ung thư buồng trứng được tiêm vắc-xin từ tế bào đuôi gai còn sống và cơ thể họ cho thấy có sự đáp ứng miễn dịch mạch mẽ. Với nhóm đối chứng 56 người, chỉ còn một nửa sống sót dù được dùng thuốc đúng phương pháp.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy khối u đã nhỏ lại, thậm chí mất đi ở một số bệnh nhân trong nhóm dùng vắc-xin kết hợp với 2 loại thuốc. Họ vẫn đang tiếp tục các thử nghiệm lâm sàng lớn hơn để sớm có thể đưa phương pháp trên vào các bệnh viện.
Dương Uyên