Làn gió mát lạnh từ chiếc điều hòa mang đến cho bạn cảm giác khoan khoái và văn minh giữa mùa hè khắc nghiệt. Tuy nhiên, nếu thường xuyên ở trong môi trường máy lạnh dễ làm giảm khả năng thích ứng, thu hẹp ngưỡng chịu đựng và sức đề kháng của cơ thể với sự biến đổi nhiệt độ của môi trường bên ngoài, làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh lý khác nhau.
Theo các nhà khoa học, không gian sống xung quanh chúng ta luôn tồn tại rất nhiều các hạt nhỏ và siêu nhỏ trôi nổi tự do. Các hạt này khi bản thân chúng mang điện tích được gọi là các ion. Các ion này còn được gọi với tên khoa học là các nguyên tử, phân tử hay cụm phân tử có thể phóng một điện năng nhỏ trong không khí. Chúng có thể đi vào trong cơ thể mỗi người và trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta. Ion được tồn tại dưới hai dạng điện là điện tích âm và điện tích dương.
Trong khi các ion dương gây hao tổn năng lượng và không có lợi cho cơ thể thì các ion âm (anion) là các hạt điện tích có lợi giúp tăng cường năng lượng sống nên chúng còn được gọi là “các vitamin trong không khí”. Nói một cách khác ion âm chính là các oxy nguyên tử mang điện tích âm. Ion âm sẽ bám vào khói, bụi, vi khuẩn mang điện tích dương. Quá trình này diễn ra liên tục cho đến khi khối tạp chất đủ nặng và rơi ra khỏi bầu không khí. Vì vậy, không khí với mật độ ion âm càng cao thì môi trường sẽ càng trong sạch, ít ô nhiễm.
Tuy nhiên ở phòng lạnh lâu, số ion âm của không khí gần như bằng không. Các ion này rất có ích cho sức khỏe. Thiếu nó, người ta dễ lâm vào trạng thái suy nhược thần kinh, suy nhược cơ thể, rối loạn thần kinh thực vật… Theo tính toán, mỗi mét khối không khí trong phòng có 50 ion âm, nhưng khi sử dụng máy lạnh thì chỉ còn chừng 10 ion.
Ngày nay, một số hãng máy điều hoà có tích hợp tính năng lọc không khí, nhưng theo các chuyên gia điện máy thì khả năng lọc thấp do bộ lọc đơn giản và chỉ là tính năng phụ. Do đó, việc sử dụng máy lạnh vẫn ảnh hưởng ít nhiều đến sức khoẻ của chúng ta.
Những vấn đề sức khỏe thường gặp do máy lạnh gây ra:
1. Hội chứng suy nhược thần kinh
Biểu hiện bằng nhiều trạng thái như mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, tức ngực, căng thẳng, dễ cáu gắt, mất ngủ, hiệu suất làm việc giảm sút. Đây là những yếu tố nguy cơ gây nên các bệnh lý nguy hiểm như tăng huyết áp, thiểu năng mạch vành tim, thiểu năng tuần hoàn não… thậm chí có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim, đột quỵ não, tâm thần phân liệt…
2. Sốc nhiệt
Sự chênh lệch nhiệt độ trong phòng gắn máy lạnh và bên ngoài quá cao khiến hệ thần kinh thực vật khó thích ứng. Nếu chênh 5-10 độ C đột ngột khi ra khỏi phòng có thể dễ xảy ra sốc nhiệt, nhất là những người vốn bị tăng huyết áp, huyết áp thấp hoặc thiểu năng tuần hoàn não và tuần hoàn tim.
3. Bệnh lý đường hô hấp
Da và niêm mạc đường hô hấp trở nên khô, giảm sức đề kháng với mầm bệnh và dễ bị kích ứng gây viêm mũi, viêm họng, viêm phế quản, viêm thanh quản, hen phế quản. Khi sử dụng máy lạnh, thường phải đóng kín cửa nên dễ thiếu dưỡng khí và thừa thán khí nên dễ gây cảm giác ngột ngạt, khó thở, tăng nguy cơ mắc các bệnh lý hô hấp.
4. Bệnh lý cơ xương khớp
Nhiệt độ lạnh kéo dài sẽ khiến cho các cơ bị co cứng, lượng máu đến nuôi dưỡng cơ khớp bị suy giảm do co thắt mạch máu dẫn đến tình trạng đau mỏi cơ khớp, đau cổ gáy, đau lưng, đặc biệt là khi ngồi làm việc ở vị trí mà luồng không khí lạnh từ máy điều hòa phả trực tiếp vào các vùng nhạy cảm của cơ thể như đầu, mặt, cổ, gáy…
5. Bệnh về da
Da bị mất nước, khô ráp, giảm sức đề kháng, dễ bị dị ứng, mẩn ngứa, mụn nhọt… .
Nên sử dụng máy lạnh thế nào cho an toàn?
Các chuyên gia khuyên bạn hãy lưu ý một số điều sau:
- Nhiệt độ trong phòng nên trong khoảng 26 – 27°C để cân bằng với nhiệt độ cơ thể.
- Khi sử dụng máy lạnh, cần chú ý vấn đề thông gió, mỗi ngày nên mở cửa sổ trong một khoảng thời gian nhất định để không khí trong phòng được lưu thông, thay cũ đổi mới. Trong khi chạy máy, thỉnh thoảng nên bật quạt thông gió. Làm sạch máy 2 tuần/lần.
- Giữ nhiệt độ trong phòng sao cho không chênh lệch với nhiệt độ bên ngoài quá 5°C. Làm việc trong phòng khoảng 1 giờ thì nên ra bên ngoài để thay đổi không khí. Trước khi ra khỏi phòng, cần vận động cơ thể trong 1 vài phút, khi cơ thể thích ứng mới ra hẳn bên ngoài. Nếu có việc phải ở lâu trong phòng thì chú ý uống nhiều nước ấm và trong phòng nên đặt một chậu nước để đảm bảo độ ẩm cần thiết.
- Hết sức tránh luồng không khí lạnh từ máy điều hòa thổi trực tiếp vào người, đặc biệt là vùng đầu và gáy. Tốt nhất là hướng cửa gió chếch sang phải hoặc trái hoặc lên phía trên, tốc độ gió nên để ở mức vừa phải.
- Sử dụng kem dưỡng ẩm, nếu có trang điểm thì hãy chọn các sản phẩm có hoạt chất giữ ẩm cho da mặt (chứa các chất như hyaluronic acid – HA, glycerin, urea…), gồm một số sản phẩm như BB cream, CC cream…
- Uống đủ nước, vì ở trong phòng máy lạnh, không cảm giác khát nước. Thông thường mỗi người cần bổ sung cho cơ thể từ 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày.
- Không hút thuốc lá trong phòng lạnh, chú ý vệ sinh thường xuyên, sắp xếp phòng̣ gọn sạch để ngăn ngừa sự phát triển của vi sinh vật.
- Ở công sở, phòng làm việc thường có nhiều người, sức chịu lạnh mỗi người khác nhau nên cần chú ý mặc ấm, giữ vùng cổ và hai bàn chân khỏi bị lạnh. Nên trọng dụng các loại đồ ăn thức uống có tính chất ôn ấm và dự phòng nhiễm lạnh như kẹo gừng, trà gừng, ô mai…
- Những lúc giải lao, nên tiến hành một số động tác như xoa nóng hai vành tai, dùng hai bàn tay đan vào nhau xát mạnh vùng gáy, xát hai bàn tay và hai bàn chân vào nhau cho ấm lên, tự hít thở thật sâu trong tư thế toàn thân thư giãn.
Ngoài ra, sau một thời gian sử dụng liên tục, các lưới lọc gió và hốc đẩy gió lạnh thường bị bẩn, thậm chí rêu mốc khiến máy lạnh hoạt động vừa tốn điện vừa có nguy cơ gây hại sức khỏe. Bạn nên lưu ý vệ sinh cho máy định kỳ sau mỗi 3 đến 5 tháng.
Mai Lan t/h