Cảm hàn hay còn gọi là ngoại cảm phong hàn. Bệnh hay gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt ở người mới ốm dậy, người làm công việc nặng nhọc, sau khi sinh đẻ. Nếu được chữa kịp thời hầu hết sẽ khỏi, còn không chữa hoặc chữa không đúng cách bệnh có thể chuyển nặng (nhập lý), kéo dài dai dẳng hoặc nguy hiểm đến tính mạng.
1. Nguyên nhân gây bệnh
Cảm hàn là do hàn tà (một tà khí trong lục khí) thường kết hợp với phong gây ra. Khi chính khí của cơ thể người bị suy yếu hàn tà sẽ xâm nhập làm tắc nghẽn kinh mạch gây ra bệnh. Hàn tà thường xuất hiện khi khí hậu chuyển mùa, người mới tắm lạnh, ra nhiều mồ hôi mà ngồi dưới quạt hoặc máy lạnh nhiệt độ thấp, người vừa bị mắc mưa. Hoặc hay gặp ở người ngồi trước máy lạnh ô tô trực tiếp vào nơi da thịt.
Ban đầu hàn xâm nhập vào phần biểu (phần kinh mạch nông) nếu chính khí của người còn mạnh và hàn tà yếu thì hàn sẽ bị đẩy ra. Ngược lại chính khí yếu tà khí mạnh sẽ gây bệnh và nếu không chữa trị kịp thời hàn tà sẽ xâm nhập vào bên trong nên bệnh trở lên nặng gọi là cảm hàn nhập lý rất khó khăn cho việc chữa trị.
2. Triệu chứng biểu hiện bệnh
- Mạch phù
- Đầu cổ đau cứng nhất là sau gáy
- Đau mỏi mình mẩy, sợ lạnh, mệt mỏi
- Có khi phát sốt, mồ hôi ít, ngạt mũi
- Chóng mặt, nặng đầu, ho húng hắng
3. Cách chữa trị
Cạo gió: Dưới đây là phương pháp dân gian khu vực miền nam, miền bắc thường đánh gió bằng lòng trắng trứng gà + khuyên bạc hoặc cám gạo nóng.
Cách cạo gió: Dùng dầu cao sao vàng hoặc các loại cao nóng sát 2 bên ngực sườn rồi dùng đồng bạc cạo nhẹ da sẽ nổi lên màu tím (nếu cảm hàn cạo nhẹ cũng ra) gọi là cạo gió. Cạo 2 bên cột sống từ gáy xuống thắt lưng, cạo 2 bên lòng bàn tay, 2 lòng bàn chân, sau đó ăn bát cháo giải cảm nóng. Cháo gồm gạo, kinh giới, tía tô, hành củ thái nhỏ + lòng đỏ trứng cho vào cháo cộng với ít muối và hạt tiêu ăn xong đắp chăn cho ra mồ hôi thường là sẽ khỏi. Nếu có sẵn rượu gừng thì cho uống 1 ly nhỏ.
Nếu không hết bệnh thì dùng 1 trong các bài thuốc sau:
Quế chi thang
Quế chi 15g, Bạch thược 12g, Cam thảo 6g, Gừng tươi 3 lát, Đại táo 4 quả.
Bài tiểu sài hồ thang gia giảm
Nhân sâm 12g, Sài hồ 12g, Hoàng cầm 12g, Xuyên khung 12g, Xuyên quy 15g, Bạch chỉ 12g, Cam thảo 12g, Bán hạ chế 12g, gừng tươi 3 lát, Đại táo 15g, Thiên niên kiện 15g, Khương hoạt 10g.
Nếu có đau quặn bụng, cầu lỏng (gọi là cảm tả) dùng bài trên gia thêm: Bạch biển đậu 15g, Bạch truật sao 15g, Hậu phác 9g, Hoắc hương 9g, Nhục đậu khấu 9g, Mộc hương 12g.
Nếu có ho, đau họng gia thêm: Cát cánh 12g, Bách bộ 12g,
Cách sắc thuốc: Mỗi ngày 1 thang sắc đi sắc lại 2 lần, mỗi lần cho 3 bát nước sắc còn 3/4 bát. Uống nóng sáng, chiều. Uống từ 3 đến 5 thang thì thường sẽ khỏi.
Có thể kết hợp xông ngày 1 lần bằng nồi xông các loại lá có tinh dầu như cây xả, lá bưởi, lá bạch đàn, tràm, kinh giới, bạc hà. Xông toàn thân theo phương pháp dân gian hoặc xông trong phòng xông hiện đại. Sau khi xông xong ra mồ hôi lấy nước xông lau người khô, không tắm.
Những bài thuốc trên dùng cho bệnh nhân có thể phải kéo dài từ 5 đến 10 than vì bệnh đã vào bán biểu bán lý. Còn hàn tà đã nhập lý phải tìm đến bác sĩ đông y có kinh nghiệm hoặc vào bệnh viện.
Đại tá BS. Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Thanh Xuân