Đại Kỷ Nguyên

Điều trị tiêu chảy không đúng cách có thể gây nguy hiểm tính mạng

Tiêu chảy cấp là căn bệnh phổ biến thường xuất hiện vào mùa nắng nóng. Căn bệnh này  làm cho cơ thể người bệnh mất nước, rối loạn điện giải gây nên tình trạng suy kiệt. Nếu không điều trị kịp thời hoặc đúng cách, người bệnh có thể tử vong.

Thời tiết nắng nóng tạo điều kiện thuận lợi cho ruồi, muỗi, chuột, gián, kiến… sinh sôi càng làm mầm bệnh dễ lây lan, đặc biệt là ở những khu vực dân cư đông người, sử dụng chung nguồn nước ăn uống, sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh.

Mặt khác, thói quen sử dụng các loại thực phẩm chưa nấu chín như tiết canh, nem chua, nem chạo hoặc ăn rau sống, giá sống, uống nước đá chưa tiệt khuẩn… cũng là lý do dẫn đến mắc bệnh tiêu chảy.

Khi các vi sinh vật gây bệnh xâm nhập vào đường ruột, chúng lấn át các vi khuẩn có lợi và tiết ra độc tố gây tiêu chảy cấp.

Dấu hiệu của bệnh tiêu chảy cấp:

1. Đi ngoài liên tục

Đối với những người bị tiêu chảy cấp thường bị đi ngoài liên tục, ít nhất 5 lần mỗi ngày. Nếu tình trạng phân lỏng đục nhiều, không kèm hiện tượng đau bụng và sốt thì có thể cơ thể bị nhiễm khuẩn tả.

2. Đi ngoài phân nát, có màu lạ

Hiện tượng phân nát, màu đen có thể bạn đã bị tiêu chảy cấp. Đôi khi tiêu chảy ra máu cũng là một triệu chứng khá nguy hiểm của bệnh này.

3. Đau bụng, buồn nôn

Những người mắc chứng tiêu chảy sẽ thường kèm theo cơn đau bụng dữ dội, giảm đau sau mỗi lần đi ngoài. Ngoài ra, hiện tượng buồn nôn hoặc nôn cũng chính là nguyên nhân gây ra tình trạng mất nước trầm trọng ở người bị tiêu chảy.

4. Sốt cao

Những bệnh nhân tiêu chảy cấp thường sốt 38-39 độ C. Thân nhiệt người bệnh cũng không ổn định, lúc nóng lúc lạnh. Nếu không được xử lý kịp thời, tình trạng này dễ dẫn đến biến chứng nguy hiểm như bất tỉnh, hôn mê sâu…

Điều trị tiêu chảy không đúng cách có thể gây nguy hiểm tính mạng

5. Mất nước nhiều

Người bị tiêu chảy cấp sẽ mất rất nhiều nước do hiện tượng đi ngoài và nôn. Khi đó, bệnh nhân có cảm giác khát nước, niêm mạc mắt bị khô, da bị mất sự đàn hồi, tụt huyết áp, hoặc đôi khi còn có tình trạng mệt, ngất.

6. Đau rát hậu môn

Bệnh nhân tiêu chảy phải đi ngoài nhiều lần, đôi khi còn bị tiêu chảy ra máu, dễ làm cho hậu môn bị đau rát. Ngoài ra, việc sử dụng giấy vệ sinh để làm sạch, cọ xát hậu môn cũng là nguyên nhân khiến hậu môn nóng rát.

Các xử lý khi bị tiêu chảy cấp

– Khi bị tiêu chảy cấp, phải đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

– Không để bệnh nhân ở nhà hoặc mua thuốc tự điều trị vì có thể nguy hiểm đến tính mạng và làm lây lan mầm bệnh gây dịch cho gia đình và cộng đồng.

– Có thể cho người bệnh uống dung dịch oresol (pha đúng tỷ lệ theo hướng dẫn) hoặc nước gạo rang, cháo loãng, uống nhiều nước. Bên cạnh đó, người bệnh không được tự ý uống thuốc kháng sinh khi chưa có chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.

Biện pháp phòng ngừa tiêu chảy cấp

Tiêu chảy cấp là chứng bệnh dễ mắc, đặc biệt là trẻ nhỏ, vì vậy trong sinh hoạt hàng ngày của bé cần có những biện pháp phòng ngừa hiệu quả:

Điều trị tiêu chảy không đúng cách có thể gây nguy hiểm tính mạng

– Ăn chín, uống sôi, sử dụng thực phẩm rõ nguồn gốc, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

– Sử dụng nguồn nước sạch để nấu ăn và sinh hoạt, tránh xa những nguồn nước bẩn, nguồn nước bị ô nhiễm.

– Tiêm phòng định kỳ cho trẻ, tiêm các loại vắc-xin phòng ngừa bệnh tiêu chảy.

– Tạo cho trẻ thói quen rửa tay trước và sau khi ăn.

– Rửa tay sau khi đi vệ sinh.

– Cần có nhà tiêu hợp vệ sinh, không phóng uế bừa bãi.

– Cho trẻ tránh xa khu vực có dịch hoặc người đang mắc bệnh tiêu chảy cấp.

Lan Phương

Exit mobile version