Các nhà khoa học Đại học Central Queensland (Australia) đang thử nghiệm sụn cá sấu để điều trị những tổn thương khớp và viêm khớp ở người.
Tiến sĩ Padraig Strappe, người đứng đầu nhóm nghiên cứu cho MSN biết, các yếu tố kích thích sinh trưởng trong sụn cá sấu có thể thúc đẩy quá trình hình thành sụn từ các tế bào gốc trưởng thành trong mô mỡ hoặc tủy xương.
“Chúng tôi đang tạo mô và sụn nhân tạo để có thể giúp khắc phục các tổn thương ở khớp. Cá sấu có rất nhiều sụn với chất lượng rất cao”, Tiến sĩ Padraig Strappe cho biết.
Các mẫu sụn cá sấu đang được giải mã tế bào bằng cách tách bỏ các tế bào và ADN, chỉ để lại các yếu tố kích thích sinh trưởng có giá trị. Sau đó, những yếu tố này sẽ được cung cấp cho các tế bào gốc bằng máy in 3D và được tiêm hoặc cấy ghép vào khớp xương người.
Nghiên cứu này bắt nguồn từ một nghiên cứu của CSIRO từ hơn 1 thập kỷ trước nhằm xếp hạng các mức proteoglycan trong sụn của một số loài động vật khác nhau, và cá sấu đứng đầu danh sách này.
Một con cá sấu có khớp nối rất lớn nên cần rất nhiều sụn để duy trì chuyển động. Các nhà nghiên cứu đánh giá cao sụn quanh lồng ngực cũng như các sụn hướng dần xuống phía đuôi của nó bởi độ dày đặc và giàu proteoglycan.
Cho đến nay, giới y học cũng đánh giá cao công dụng của sụn vi cá mập vì nó có tác dụng tốt trong điều trị thoái hóa khớp và bệnh viêm khớp.
Lan Phương