Hạ đường huyết là tình trạng lượng đường (glucose) trong máu quá thấp. Nếu không có biện pháp điều trị kịp thời hạ đường huyết, cơ thể có thể bị co giật, hôn mê và gây tổn thương vĩnh viễn cho hệ thống thần kinh và dẫn tới tử vong.
Chứng hạ đường huyết thường gặp ở bệnh nhân tiểu đường đang được điều trị bằng cách bổ sung insulin hay tự ý uống thuốc đặc trị tiểu đường không theo chỉ định của bác sĩ.
Ngoài ra, chế độ ăn kiêng quá khắt khe, tuổi cao, người mắc bệnh gan thận… cũng là những nguyên nhân gây ra tình trạng hạ đường huyết.
Dấu hiệu hạ đường huyết
– Cơ thể mệt mỏi.
– Đổ mồ hôi lạnh hoặc da mềm nhũn.
– Chóng mặt, choáng váng.
– Mờ mắt.
– Đói.
– Căng thẳng, giận dữ và cáu gắt.
– Đau đầu.
– Nhịp tim nhanh.
– Da tê hoặc ngứa ran.
– Run rẩy và khó nói.
Cách xử lý khi bị hạ đường huyết
– Đối với người bình thường: Nên cho người bị hạ đường huyết ăn cháo loãng, súp hoặc uống một cốc nước đường (200 ml). Để người bệnh nằm nghỉ ngơi yên tĩnh, khi người bệnh tỉnh táo trở lại nên được ăn đầy đủ chất dinh dưỡng.
Nếu tình trạng không đỡ, nên đưa đến bệnh viện để điều trị.
Đối với bệnh nhân tiểu đường:
Nhanh chóng gọi xe cấp cứu hoặc gọi bác sĩ có chuyên môn đến thăm khám ngay tại nhà, đề phòng mọi biến chứng nguy hiểm.
Lưu ý
– Người thường xuyên hạ đường huyết không nên nhịn đói, để cơ thể bị đói quá lâu.
– Không được bỏ bữa sáng, đặc biệt là người già, trẻ em, người có bệnh mạn tính, cơ thể ốm yếu.
– Bên cạnh chế độ tập luyện điều độ, người hay bị hạ đường huyết cần mang sẵn bên người kẹo gừng để khi có dấu hiệu hạ đường huyết thì sử dụng ngay.
– Bổ sung thực phẩm giàu carbohydrate vào cơ thể như ăn 4-5 chiếc bánh mặn, hoặc 5-6 miếng kẹo cứng, 4 thìa cà phê đường…
– Cần ăn uống điều độ, đúng giờ, hạn chế rượu bia.
– Nên ăn nhẹ hoặc uống một ly sữa trước khi tập thể thao.
Lan Phương