Đại Kỷ Nguyên

‘Đòi lại’ mệnh người từ những cây kim: 3 vị Thần châm nổi tiếng trong lịch sử y học xưa

Y học xưa không có những máy móc phân tích chiếu chụp sáng loáng hiện đại như ngày nay, nhưng lại có những thầy thuốc y thuật vô cùng cao thâm khiến người đời mãi nể trọng.

1. “Thái ất thần châm” của Hàn Di Phong

Hàn Di Phong tự Khởi Trai là Tiến sỹ năm Khang Hy thứ 42 (năm 1703), người Từ Khê tỉnh Triết Giang. Ông là người giỏi thơ ca, thư pháp, lại tinh thông y thuật, là thầy thuốc nổi tiếng đầu thời nhà Thanh. Ông đặc biệt thích trị bệnh bằng “Lôi hỏa châm” nên đã ứng dụng và cải tiến nó rồi đặt tên gọi “Thái Ất Thần Châm” (Một cách cứu của thời xưa để chữa bệnh viêm khớp do phong thấp, cách làm là lấy một số vị thuốc có tính ôn thông, như nhục quế, nhũ hương, xạ hương, mộc dược… tán thành bột, trộn với ngải nhung cuốn thành điếu như chiếc đũa, khi cứu thì đốt lửa 1 đầu hơ cứu trên huyệt), công dụng trị bệnh hiệu quả và được ứng dụng rộng rãi ngày nay.

Ông từng chữa bệnh cho Từ Nguyên Chính, nguyên là thượng thư làm quan dưới triều vua Khang Hy thứ 14. Khi đó bệnh tình của Từ Nguyên Chính vô cùng nghiêm trọng, khuôn mặt phù thũng, miệng không ngừng chảy nước miếng, không nói được, hai chân phù nề không đi được. Sau khi bắt mạch Hàn Di Phong nói với ông: “Bệnh này của ông không dùng châm cứu trị liệu sẽ không thể khỏi“. Nói rồi sai người nhà quan thượng thư mang tới một cây nến và giơ tay định dùng kim châm cứu trên trán bệnh nhân.

Tuy nhiên khi đó cả Từ Nguyên Chính và người nhà của ông đều dùng tay ngăn lại và nói: “Làm sao có thể dung kim châm cứu để điều trị ở chỗ đó được? Làm như vậy rất đau“. Hàn Di Phong năm lần bảy lượt cố gắng châm cứu nhưng đều bị người nhà quan thượng thư và chính ông từ chối không đồng ý cho điều trị. Không còn cách nào khác ông đành thở dài rời khỏi Từ gia.

Không lâu sau đó người nhà quan thượng thư qua một vài nguồn tin biết rằng Hàn Di Phong thực sự là vị danh y tài giỏi, y thuật cao thâm, thuật châm cứu như Thần nên lại lần nữa tới xin lỗi và mời Hàn Di Phong tới Từ phủ trị bệnh cho quan thượng thư. Hàn Di Phong dùng kim thuộc châm 21 cây kim vào các huyệt vị Bách Hội, Thần Đình, Thận Môn, Hoàn Khiêu, Phong Thị, Tam Lí, Dũng Tuyền… của quan thượng thư.

Vị trí huyệt Dũng Tuyền

Hoàn toàn ngoài mong đợi, sau khi Hàn Di Phong châm cứu xong, quan thượng thư không những hết sạch cảm giác đau đớn mà toàn thân còn có cảm giác thoải mái chưa từng thấy, ông luôn miệng khen ngợi y thuật cao siêu và hiệu quả tuyệt vời của phương pháp châm cứu này. Tất cả mọi loại bệnh tật trên người Từ Nguyên Chính sau khi châm cứu cũng đều đột nhiên tiêu mất hoàn toàn một cách vô cùng thần kỳ.

2. “Minh Đường châm cứu đồ” của Chân Quyền khiến vua Đường phải đổi “Xuy hình”

Chân Quyền là một danh y nổi tiếng tinh thông châm cứu cuối đời Tùy đầu đời nhà Đường. Năm công nguyên 621 khi Đường Thái Tông Lý Thế Dân dẹp yên Hà Nam cử Lý Tập Dự tới Lộ Châu làm quan địa phương cai quản. Là một thầy thuốc, Chân Quyền cũng là một trong những người được đi theo Lý Tập Dự.

Khoa học hiện đại ngày càng khám phá thêm nhiều lợi ích tư châm cứu (Ảnh: zoemountstephen.co.uk)

Một ngày nọ Chân Quyền mang “Minh đường nhân hình đồ” (sơ đồ các huyệt vị trên cơ thể) cho Lý Tập Dự xem, thật tiếc Lý Tập Dự không am hiểu về châm cứu nên không coi trọng. Một ngày nọ thứ sử Lô Châu không may trúng gió độc tay không thể giương cung, đã đi khắp nơi tìm danh y chạy chữa không thấy khỏi. Sau đó thứ sử tìm tới Chân Quyền nhờ ông thăm khám. Chân Quyền bèn châm cứu vào huyệt Kiên Ngung của ông, chỉ cần 1 kim lập tức thứ sử có thể giương cung lại như thường.

Lại một lần nọ Thứ sử Thâm Châu lâm bạo bệnh đột nhiên bụng chướng to, cổ họng như bị tắc nghẽn liên tục ba ngày không thể ăn không thể uống nước. Chân Quyền dùng kim châm cứu vào các đầu ngón tay phải, khí huyết lập tức khai thông ngày hôm sau có thể ăn uống như bình thường. Thông qua những trường hợp điều trị những ca bệnh khó chữa này, danh tiếng của ông càng ngày càng được nhiều người biết tới, và cũng làm cho “Minh đường nhân hình đồ” của ông trở nên nổi tiếng. Từ đó Lý Tập Dự cũng càng ngày càng coi trọng ông và khâm phục công hiệu trị bệnh thần kỳ của châm cứu.

Đầu năm Trịnh Quán, Lý Tập Dự có thưa với vua Đường Thái Tông về sự thần diệu của thuật châm cứu và “Minh Đường nhân hình đồ”. Vua liền hạ lệnh cho Chân Quyền chỉnh sửa hoàn chỉnh lại lần cuối và được hoàn thành vào năm 630 rồi trình lên cho vua Đường ngự lãm.

Sau khi quan sát kỹ “Minh Đường châm cứu đồ”, vua phát hiện não bộ và lưng của cơ thể người là nơi tập trung các huyệt vị và kinh mạch của ngũ tạng, còn ở mông thì tương đối ít huyệt vị. Lúc này vua liên tưởng tới hình phạt quất bằng roi đang áp dụng trong triều đình. Vào thời Tùy Đường “Xuy hình” là một trong những loại hình phạt nhẹ nhất khi người dân phạm tội. Đó là loại hình phạt dùng tấm gỗ hoặc cành mận gai nhỏ, quất vào lưng hoặc mông của phạm nhân từ 10-50 cái tùy mức độ phạm tội nặng nhẹ.

Mặc dù đây là hình thức phạt nhẹ nhất tuy nhiên lại ẩn chứa rất nhiều nguy hiểm vì có nhiều trường hợp sau khi quất vào lưng rất có thể đánh nhầm dẫn tới phạm nhân bị tàn tật suốt đời hoặc tử vong. Bởi vậy vua Đường Thái Tông nhân hậu vì tránh nguy cơ phạm nhân tử vong bởi hình phạt nhẹ nhất đã ra lệnh sửa đổi hình phạt. Sau này với những bệnh nhân phạm tội nhẹ phải chịu “xuy hình” chỉ được phép dánh vào mông không được phép đánh vào đầu và lưng.

3. Dùng ngải châm cứu ở rốn có thể trường thọ

Huyệt Thần Khuyết. (Ảnh minh họa)

Trong “Đô cung đàm soạn” của Đô Mục thời Minh có ghi chép một câu chuyện thú vị như sau:

Vào năm Vĩnh Lạc triều Minh có một người tên Kim Thành người Gia Hưng chuyên trách xử lý các vụ án ở bộ hình. Một lần nọ trong một lần thảo phạt, bọn cướp quan phủ có bắt được một toán cướp gồm rất nhiều người. Có một điều làm vị quan phủ vô cùng ngạc nhiên và tò mò, đó là người đứng đầu toán cướp đó là một ông lão đã 85 tuổi nhưng nhìn khuôn mặt như thanh niên không hề có nếp nhăn cũng như phong thái của một người già cả. Ban đầu ông Kim Thành không tin nên sai người tìm tới tận quê của ông lão điều tra rõ tuổi tác, và kết quả đúng là không sai. Lấy làm ngạc nhiên ông đích thân thẩm vấn phạm nhân và tìm hiểu câu chuyện sống thọ của ông.

Phạm nhân nói khi còn trẻ có lần tới núi Cư kinh (nay thuộc tỉnh Hồ Nam) có một cao nhân từng nói với ông ta rằng thường xuyên dùng cỏ châm cứu ngoài rốn có thể làm người ta sống thọ. Thế là trong một thời gian dài ông tự mình áp dụng phương pháp này và quả thực sống thọ đúng như lời của vị cao nhân.

Tại sao lại như vậy? Nguyên nhân là bởi rốn còn được gọi là huyệt Thần Khuyết là một trong những huyệt vị quan trọng giúp dưỡng sinh và bảo vệ sức khỏe. Thường xuyên châm cứu ở rốn có thể điều dưỡng Tỳ vị, đạt được cân bằng âm dương, chức năng khí huyết hài hóa thông suốt từ đó có thể hỗ trợ giúp trừ bỏ bệnh tật và sống thọ. Không những vậy châm cứu ở rốn cũng có tác dụng rất hiệu quả với phụ nữ có tử cung lạnh, hay những bệnh như kinh nguyệt không đều…

Trong trào lưu ứng dụng khoa học hiện đại từ những năm 50 – 60 của thế kỷ trước cho đến nay, ngành y học cũng chịu nhiều tác động thay đổi quan trọng. Tây y dần chiếm được thế thượng phong, thay chỗ cho y học cổ truyền, Đông y. Tuy nhiên người ta cũng phát hiện ra nhiều vấn đề liên quan đến y học hiện đại: kháng thuốc, bất lực trước nhiều bệnh thời đại… do vậy nhiều chuyên gia đã đề xuất xem lại kỹ lưỡng hơn nữa tiềm năng của y học cổ truyền, bao gồm cả châm cứu.

Theo Secretchina
Kiên Định

Exit mobile version