Từ lâu trong dân gian đã lưu truyền các bài thuốc dùng đơn lá đỏ, dùng rất tốt đối các bệnh trên đường tiêu hoá, trị mụn nhọt, dị ứng như mề đay… Đơn lá đỏ được hái nhiều nhất trong dịp Tết Đoan ngọ mồng 5 tháng năm, cùng với một số vị thuốc khác, làm nên thường hiệu “lá mồng 5”.
Cây đơn lá đỏ có tên khoa học là Excoecaria cochinchinensis Lour, thuộc họ Thầu Dầu (Euphorbiaceae). Cây còn có một số tên gọi khác là đơn mặt trời, đơn tía hay hồng liễu bối hoa (tức lưng lá của cây có gam màu hồng đỏ).
Vào dịp Tết Đoan ngọ, mồng 5/5 âm lịch mỗi năm, người dân tại một số địa phương có phong tục hái lá cây thuốc Nam để chữa bệnh hoặc để dành chữa bệnh suốt cả năm, trong số đó phải kể đến cây “chè mồng 5, tháng 5” mà thực ra chính là cây đơn lá đỏ. Có thể thu hái đơn lá đỏ quanh năm để làm thuốc, song chủ yếu từ tháng 4 đến tháng 6, đặc biệt là ngày Tết Đoan Ngọ mùng 5/5 âm lịch, khi tiết trời thường xuyên có nắng to, cây phát triển tốt, lá to, dày, nhiều nhựa, mặt dưới lá đỏ tía, cũng là lúc cây cho hàm lượng hoạt chất cao.
Nghiên cứu về thành phần hóa học cho thấy đơn lá đỏ có chứa hoạt chất flavonoid, saponin, coumarin, anthranoid… có tác dụng kháng khuẩn, tiêu viêm, giải độc và chống dị ứng.
Theo y học cổ truyền, đơn lá đỏ vị đắng ngọt, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt giải độc, khu phong, trừ thấp, lợi niệu, giảm đau. Có thể dùng độc vị đơn lá đỏ để trị các bệnh mụn nhọt, mẩn ngứa, dị ứng, đại tiểu tiện ra máu, lỵ, tiêu chảy lâu ngày.
Dưới đây là một số cách dùng đơn lá đỏ để trị bệnh.
Bài 1: Trị mề đay, mụn nhọt
Cách 1: Đơn lá đỏ 8-12g (lá khô), sắc với 600ml nước, còn 200ml, chia uống 2 – 3 lần, sau bữa ăn; có thể uống nhiều ngày, cho tới khi hết các triệu chứng.
Cách 2: Dùng lá đơn lá đỏ 30g, lá đậu ván, thài lài, bầu đất tía (mỗi loại 15g). Tất cả nguyên liệu cho vào ấm sắc với 3 chén nước. Ngày sắc uống 3 lần.
Có thể kết hợp dùng 100g lá đơn lá đỏ và 100g tầm phỏng đun sôi với 3 lít nước. Dùng nước này để tắm hoặc vệ sinh vùng da bị mề đay, mẩn ngứa hàng ngày.
Bài 2: Trị nhọt vú, vú sưng tấy, đỏ đau
Lá đơn lá đỏ 15-20g, sắc với 600ml còn 200ml, chia 2-3 lần trong ngày, tới khi các triệu chứng thuyên giảm. Ngoài ra, có thể dùng lá khô, đem vò vụn, sao nóng, bọc vải mỏng chườm nhẹ vào nơi sưng đau.
Bài 3: Trị zona và mẩn ngứa
Đơn lá đỏ sao vàng 40g, để nguội; sắc với 600ml nước còn 200ml chia 2-3 lần. Uống trong ngày đến khi các triệu chứng thuyên giảm. Có thể uống nhắc lại vài đợt.
Bài 4: Trị tiêu chảy lâu ngày
Đơn lá đỏ sao vàng 15g, gừng nướng 4g, nước 600ml, sắc còn 200ml (khoảng một bát) chia 3 lần uống sau ăn khoảng 1 giờ.
Bài 5: Trị đại tiện ra máu, kiết lỵ ở trẻ em
Lá đơn đỏ 12g, nước 600ml, sắc còn 200ml chia 3 lần uống trong ngày, sau ăn.
Lưu ý:
Tránh nhầm lẫn với cây đơn đỏ, đơn hoa đỏ (Ixora coccinea L.), họ Cà phê (Rubiaceae). Khác với cây đơn lá đỏ, cây này có lá to và xanh cả hai mặt, hoa rất nhiều ở đầu cành thành xim dày đặc, màu đỏ, người ta thường thu lấy hoa để làm đồ cúng lễ ở đình chùa. Lá và rễ cũng được dùng làm thuốc chữa kinh nguyệt không đều, kiết lỵ tiêu chảy.
Mộc Chi