Đại Kỷ Nguyên

Đột quỵ ngày càng trẻ hoá đáng báo động, dân văn phòng càng cần lưu tâm

Với tỷ lệ tử vong cao hoặc để lại nhiều di chứng nặng nề, đột quỵ đang là bệnh lý nguy hiểm và ngày càng trẻ hoá. 

Ngày 4/12, trên tờ An Ninh Thủ Đô, Bệnh viện Việt Đức cho biết, tai biến mạch máu não (đột quỵ não) đang có xu hướng trẻ hóa rất mạnh cùng với sự thay đổi lối sống của người dân những năm gần đây.

TS. Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Nội – Hồi sức thần kinh, Bệnh viện Việt Đức cho biết, trước đây đột quỵ não thường xảy ra ở những người cao tuổi, nhưng ngày nay có khoảng 25% ca đột quỵ lại xảy ra ở những người trẻ tuổi (dưới 45 tuổi).

“Đột quỵ ở người trẻ đang có chiều hướng gia tăng đáng báo động: Tăng gần 50% trong vòng 12 năm qua. Đặc biệt đối với những người lạm dụng bia, rượu, thuốc lá, sử dụng các chất kích thích, tình trạng “béo phì văn phòng”…”, TS Tuấn nói.

Vị chuyên gia này phân tích, có nhiều nguyên nhân gây đột quỵ não nhưng đột quỵ thường gặp ở những người bị đái tháo đường (nguy cơ gấp 4 lần so với người bình thường), tăng huyết áp (nguy cơ gấp 3 lần so với người bình thường), bệnh tim mạch (gấp 6 lần), béo phì, rối loạn mỡ máu…

Cùng đó, những người làm việc văn phòng trong tình trạng căng thẳng thần kinh quá mức và kéo dài, ít vận động, chế độ ăn uống không điều độ… cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Tờ Infonet đưa tin, theo các chuyên gia về đột quỵ, mỗi phút trôi qua sẽ có gần 2 triệu tế bào não bị chết. Nếu vùng tế bào não bị tổn thương nặng hoặc lan rộng, đột quỵ có thể đưa đến tử vong hoặc để lại những di chứng nặng nề về rối loạn vận động, nhận thức, ngôn ngữ, thị giác,… Mỗi năm, cả nước có khoảng 200 nghìn người bị tử vong do đột quỵ, gần gấp đôi bệnh nhân tử vong do ung thư.

TS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Nội – Hồi sức thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (ảnh: Infonet).

Theo báo Sài Gòn Giải Phóng, BV Đại học Y Dược TP. HCM từng tiếp nhận bệnh nhân N.T.X. (36 tuổi, nhân viên văn phòng, ngụ quận 6) trong tình trạng không thể điều khiển được tay chân, không nói được, dù trước đó vẫn đang khỏe mạnh bình thường. Các bác sĩ xác định bệnh nhân bị đột quỵ cấp. Kết quả chụp cắt lớp cho thấy, bệnh nhân bị tắc một mạch máu lớn lên não, đã được đưa ngay đến phòng can thiệp để rút huyết khối thông mạch bằng dụng cụ. Sau thủ thuật, người bệnh bình phục và xuất viện.

Theo TS-BS Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội Đột quỵ TP. HCM, đột quỵ não là bệnh lý có nguy cơ tử vong cao và gây hậu quả nặng nề như bị liệt, rối loạn ngôn ngữ, mất cảm giác, mất trí nhớ, hôn mê… Đây là một trong những cấp cứu y khoa khẩn cấp, nếu được cấp cứu đúng thời điểm “giờ vàng” (trong vòng 4,5 giờ đầu sau khi phát hiện được các dấu hiệu) bằng các thuốc tiêu huyết khối đường tĩnh mạch, hoặc trong vòng 4,5 – 6 giờ đầu áp dụng lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học, thì khả năng cứu sống rất cao cũng như hạn chế được các di chứng nặng nề.

Như trường hợp của nữ bệnh nhân M.L.G. (47 tuổi, kinh doanh nhỏ tại TP. HCM) bị đột quỵ trong một chuyến du lịch Vũng Tàu. Do người bệnh được đưa đến BV hơn 12 giờ sau khi bị tắc mạch máu não, vượt quá với quãng “thời gian vàng” trong điều trị đột quỵ nên gần một nửa bộ não của bệnh nhân đã bị hư hại, các bác sĩ không thể can thiệp tái thông mạch máu. Thế nên, dù được cứu sống nhưng bệnh nhân bị liệt nửa người, suy giảm nhận thức và khả năng giao tiếp, cuộc sống những ngày còn lại chỉ gói gọn trên giường bệnh và chiếc xe lăn.

Người bệnh đột quỵ nếu được cấp cứu kịp thời trong “thời gian vàng” thì cơ hội phục hồi trở lại chất lượng cuộc sống như trước rất cao. Do đó, bản thân người bệnh hoặc người xung quanh cần nhận biết ngay các dấu hiệu khi đột quỵ xảy ra để kịp thời cứu chữa.

TS-BS Nguyễn Bá Thắng đang chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân bị đột quỵ
(ảnh: Sài Gòn Giải Phóng).

Nhận biết triệu chứng ban đầu của đột quỵ

Các triệu chứng đột quỵ thường bắt đầu đột ngột, bao gồm các dấu hiệu và triệu chứng sau đây:

– Khó đi lại: Do mất cân bằng, yếu ớt hoặc chóng mặt.

– Khó giao tiếp: Người bệnh có thể không hiểu những gì người khác đang nói hoặc ngược lại – mất khả năng phát âm.

– Tê hoặc yếu ở một bên của cơ thể hoặc một bên mặt

– Mất phối hợp ở một bên của cơ thể: Yếu tay chân làm người bị đột quỵ không thể thực hiện một hành động thông thường hàng ngày vẫn làm được.

– Rối loạn thị lực: Có thể bao gồm giảm hoặc mất thị lực ở một hoặc cả hai mắt.

– Đau đầu dữ dội: Nếu đau đầu xuất hiện đột ngột, nặng hoặc có liên quan đến ói mửa hoặc giảm ý thức thì có thể nghĩ tới đột quỵ.

– Co giật: Đột quỵ là nguyên nhân phổ biến nhất của các cơn co giật đột nhiên xuất hiện ở người trên 50 tuổi không có tiền sử co giật trước đó.

Cách phòng bệnh

VnExpress thông tin, phòng bệnh đột quỵ não tốt nhất bằng cách tránh các yếu tố nguy cơ bằng thói quen sống tích cực: Không lạm dụng bia rượu. Không hút thuốc lá hoặc sử dụng các chất kích thích, chế độ ăn uống điều độ, hợp vệ sinh, cân đối các chất, nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi, giảm muối, giảm mỡ, tập luyện thể dục hàng ngày, tránh tình trạng căng thẳng thần kinh quá mức và kéo dài.

Ngoài ra, cần kiểm soát và điều trị tốt các bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, bệnh lý tim mạch… bằng cách đo huyết áp hằng ngày. Hãy kiểm tra sức khỏe định kỳ để có sự điều chỉnh phù hợp.

Bên cạnh đó, cần hạn chế biến chứng, tìm nguyên nhân đột quỵ não để dự phòng đột quỵ tái phát và phục hồi thần kinh bằng tập phục hồi chức năng sớm (có thể ngay sau 24 giờ đầu). Bởi tỷ lệ tái phát đột quỵ trong 5 năm đầu tiên là 25%, nghĩa là cứ 4 bệnh nhân sống sót sau đột quỵ sẽ có một bệnh nhân từng đột quỵ bị tái phát. Do đó, người dân cần chú ý điều trị tích cực để phòng ngừa tái phát tai biến mạch máu não.

Video xem thêm: Tài xế bất ngờ đột quỵ vẫn tận sức đạp phanh cứu 34 hành khách trước khi nhắm mắt

Exit mobile version