“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ” một bộ những thứ không thể thiếu trong những ngày tết truyền thống của chúng ta cho đến tận ngày nay. Đây không chỉ là một phong tục từ xưa tới nay mà còn mang một ý nghĩa rất lớn cho sức khoẻ con người.
Bánh chưng
Việc kết hợp các thành phần trong bánh chưng là một sáng tạo không những hài hoà mà còn rất khoa học. Bánh chưng bao gồm các thành phần: thơm dẻo của gạo nếp, ngọt bùi của đậu xanh, vị béo ngậy của thịt mỡ và mùi thơm đặc trưng của tiêu, hành, lá dong tạo nên hương vị rất đặc trưng.
Gạo nếp
Theo đông y, gạo nếp có vị ngọt tính ấm, vào tỳ phế… tác dụng bổ trung ích khí, kiện tỳ dưỡng vị, ích phế, chỉ hãn… Trị chứng hư lao tiết tả, tỳ vị hư nhược, đau thượng vị, nhiều mồ hôi, vị hư tiết tả, váng đầu chóng mặt…
Thịt lợn
Thịt lợn còn gọi “trư nhục” có vị hơi ngọt, mặn, tính bình, ăn lành, tác dụng tư âm, nhuận da thịt, dưỡng khí huyết, ích ngũ tạng…
Thịt lợn cung cấp một lượng chất đạm (protein) dồi dào cung cấp năng lượng và giúp phát triển cơ thể. Người ăn uống thiếu chất đạm thường hay bị mệt mỏi, sút cân, xanh xao… Tuy nhiên, người bệnh gút không ăn nhiều thịt trong nhân bánh chưng.
Đậu xanh
Đậu xanh có vị ngọt, tính mát, không độc. Tác dụng bổ tỳ, thanh nhiệt, sinh tân, trừ phiền, tiêu phù, hạ khí, ích ngũ tạng, sáng nắt, mịn da, giải tất cả các chất độc. Đậu xanh rất giàu protein, lipit, carbohydrat và các axit amin, các vitamin A, B1, B2, PP, B6… Rất thích hợp cho người suy nhược, người già, trẻ em khó lên cân, da khô sần ngứa gãi dùng rất tốt.
Mỡ lợn
Mỡ lợn còn gọi “trư chỉ”: vị ngọt, tính mát, không độc, có tác dụng hoạt huyết, nhuận phổi, giải độc, khu phong… Chữa chứng mất tiếng nói, trẻ em, thanh niên tóc khô, da mụn nám, gầy ốm yếu, chậm lớn… Mỡ lợn cung cấp chất béo (lipid) là chất không thể thiếu cho mọi lứa tuổi.
Nếu bổ sung chất béo hợp lý giúp hình thành phát triển của hệ thần kinh, nội tiết tố, sinh dục… Chất béo còn giúp hòa tan hấp thu chuyển hóa các vitamin A, D, E, K cũng như duy trì mềm mại của làn da, mái tóc…
Hạt tiêu
Hạt tiêu còn gọi “hồ tiêu”: vị cay ấm. Tác dụng ôn trung hạ khí tiêu đờm, kích thích tiêu hóa… Trị chứng bụng lạnh đau, thổ tả, ói mửa, bụng đầy chậm tiêu, trừ độc của thịt cá, nấm. Muối: tác dụng tả hỏa, thanh tâm, lương huyết, nhuận táo, dẫn thuốc khác vào kinh thận. Muối natri cân bằng nước và điện giải điều hòa âm dương trong cơ thể… Khi thiếu muối, cơ bắp dễ bị chuột rút, hoa mắt, chóng mặt…
Lá dong
Lá dong có tác dụng giải độc, thanh nhiệt. Lá dong giúp bảo quản bánh được lâu, có màu xanh, mùi thơm, khai vị kích thích tiêu hoá. Tuy nhiên, bánh chưng giàu chất đường, chất đạm, chất béo nên người đái tháo đường, người đang cần giảm cân không nên ăn nhiều.
Dưa hành
Mặc dù bánh chưng có một sự kết hợp hài hoà nhưng hàm lượng chất béo trong bánh chưng là rất nhiều cộng với việc nạp quá nhiều chất béo từ thị mỡ, giò chả, đồ ngọt, bánh kẹo trong những ngày Tết khiến cơ thế đầy bụng khó tiêu, cơ thể nặng nề và dễ dàng phát bệnh. Để giải quyết vấn đề này thì ông bà ta xưa nay đã thường chuẩn bị cho gia đình một vại muối dưa hành.
Dưa hành chua thường có nhiều vitamin và khoáng chất. Dưa hành đã được lên men sẽ giúp việc tiêu hóa thuận tiện hơn. Dưa hành chứa nhiều vi khuẩn có ích cho đường ruột, probiotic giúp bảo vệ và “nâng cấp” màng nhầy ruột.
Theo các nghiên cứu củ hành có giá trị rất lớn cho sức khỏe. Hành có rất nhiều hợp chất có thể làm máu trở nên loãng, không bị đóng cục, giúp làm giảm cholesterol, ngăn ngừa sự xơ cứng động mạch vốn làm ngòi nổ cho các bệnh về tim mạch. Trong hành cũng có nhiều hợp chất flavonoids vốn là những chất kháng ôxy hóa nổi tiếng giúp ngăn chặn hư tổn tế bào do sự hình thành các gốc tự do.
Ngoài ra các hợp chất sulphur có mặt trong hành còn giúp giúp tăng lượng cholesterol “tốt” và “dọn dẹp” những mảnh vữa đeo bám ở thành mạch máu, nhờ vậy giúp hạn chế các bệnh về tim mạch.
Một nghiên cứu được thực hiện tại Hà Lan trên 121.000 người (bao gồm cả nam và nữ) cho thấy nếu dùng củ hành trong bữa ăn hằng ngày sẽ có tác dụng ngăn ngừa ung thư dạ dày, ung thư ruột, ung thư thực quản, ung thư tiền liệt tuyến…
Minh Nguyên