Nhập viện trong tình trạng mất nhiều máu, bàn tay phải dính chặt chiếc máy xay thịt, chị Trần Thị H. (38 tuổi, Nghệ An) phải cắt bỏ chi để giữ lại mạng sống. 

Dùng máy cắt gạch cứu bàn tay của nữ bệnh nhân bị cuốn vào cối xay thịt ở Nghệ An
(Ảnh: Người Lao Động)

Thanh Niên đưa tin, ngày 10/5, bệnh viện Đa khoa 115 Nghệ An, đã tiếp nhận bệnh nhân H. trong tình trạng bàn tay phải mắc kẹt trong máy xay thịt.

Các bác sĩ đã tiêm thuốc chống sốc, giảm đau… đồng thời dùng cưa sắt và máy cắt gạch phá cối xay thịt để cứu bàn tay chị H.

Tuy nhiên, bàn tay, cổ tay và một phần cánh tay phải của bệnh nhân bị lưỡi dao trong cối xay thịt làm dập nát, buộc phải cắt bỏ. Hiện, chị H. đã được chuyển ra Hà Nội tiếp tục điều trị.

Trước đó, ngày 6/5, bệnh viện Đa khoa Kiên Giang, đã phẫu thuật nối chân cho bệnh nhân Trần Hồng Ph. (47 tuổi).

Trong lúc dọn vườn, ông Ph. bị cánh quạt máy cắt cỏ “chém” đứt lìa cẳng chân phải. Người nhà đã bảo quản phần chi bị tổn thương trong nước đá và đưa ông Ph. vào viện cấp cứu, theo Tuổi Trẻ.

Bác sĩ Danh Trung, Phó trưởng Khoa Ngoại lồng ngực, bệnh viện Đa khoa Kiên Giang cho biết, khi nạn nhân nhập viện, thời gian đứt lìa chân đã gần hai giờ, nhưng tình trạng huyết áp nạn nhân vẫn ổn định, tỉnh táo.

Dùng máy cắt gạch cứu bàn tay của nữ bệnh nhân bị cuốn vào cối xay thịt ở Nghệ An
Qua 4 giờ phẫu thuật, phần chi của bệnh nhân được nối liền. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Hiện, phần chân nối đã hồng ấm, vết mổ khô, tình trạng bệnh nhân ổn định.

Bác sĩ Danh Trung thông tin thêm, tổn thương, đứt chi thể là tai nạn thường gặp. Các phần chi thể đứt lìa có thể được phẫu thuật nối lại thành công nếu biết cách sơ cứu, bảo quản và chăm sóc đúng cách.

Thành công của phẫu thuật tái tạo còn phụ thuộc vào mức độ dập nát, tính chất nghiêm trọng của tổn thương, thời gian đưa đến trung tâm phẫu thuật và nhiều yếu tố khác.

Dùng máy cắt gạch cứu bàn tay của nữ bệnh nhân bị cuốn vào cối xay thịt ở Nghệ An
Ảnh minh họa.

Sơ cứu khi tổn thương chi thể

– Kiểm tra đường thở và tuần hoàn: Nếu nạn nhân không tự thở thì lập tức tiến hành ngay các biện pháp hồi sinh tim phổi bằng bóp tim ngoài lồng ngực và hô hấp nhân tạo.

– Cầm máu: Tạo lực ép trực tiếp vào vết thương để cầm máu, kết hợp với nâng cao vùng bị tổn thương. Việc băng ép thường tiến hành ở những tổn thương như cắt cụt ngón tay, ngón chân. Nếu chi thể dập nát không còn khả năng bảo tồn, tiến hành ga-rô để cầm máu.

– Thực hiện các biện pháp phòng chống sốc: Đặt nạn nhân nằm trên mặt phẳng, ủ ấm bằng chăn hoặc vải. Nâng cao chân của người bị nạn lên cao khoảng 30 cm để ưu tiên cấp máu cho các cơ quan quan trọng. Không thực hiện thao tác này nếu nghi ngờ có tổn thương vùng đầu, tổn thương cột sống cổ, cột sống thắt lưng, tổn thương vùng chi dưới…

– Bảo quản phần chi thể (nếu có): Các bộ phận cơ thể bị đứt lìa cần được giữ gìn và bảo quản cẩn thận. Mọi người nên đảm bảo không để quên hay bỏ sót phần chi thể bị đứt lìa. Gói phần chi thể bị cắt đứt trong một chiếc khăn ướt sạch hoặc một miếng vải ẩm, sạch sẽ, đặt vào trong một túi nilon hoặc túi nhựa được đóng kín được đặt trong nước đá lạnh.

– Đưa nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất để được chăm sóc. Bàn giao phần chi thể đứt rời.

H.H