Mướp đắng hay còn gọi là khổ qua đã được dùng trong dân gian từ xưa như một vị thuốc với nhiều công dụng khác nhau. Trên thị trường hiện nay cũng có nhiều sản phẩm chức năng làm từ mướp đắng. Tuy vậy, việc lạm dụng mướp đắng cũng sẽ không tốt cho sức khỏe.
Mướp đắng tên khoa học là Momordica chanrantia L, thuộc họ bầu bí Cucurbitaceae. Mướp đắng là cây leo, quả nhỏ màu xanh, khi chín vỏ và thịt chuyển thành màu vàng. Ở Miền nam, mướp đắng trồng và thu hoạch quanh năm, còn ở miền bắc, mướp đắng có nhiều vào tháng 5 đến tháng 7.
Mướp đắng, có nơi thường được gọi là khổ qua, thường được dùng để xào, nấu canh, luộc, ăn sống, ngâm dấm. Hiện nay trên thị trường có nhiều loại trà mướp đắng, được sử dụng như một loại thực phẩm chức năng chữa bệnh.
Theo Đông y, mướp đắng tính hàn, vị đắng, không độc. Mướp đắng giúp kiện tỳ khai vị, lợi niệu hoạt huyết, tiêu viêm thoái nhiệt, thanh tâm minh mục (mát tim sáng mắt). Mướp đắng còn được dùng như một loại thuốc giảm huyết áp, chữa đầy hơi, trĩ, chữa các bệnh ngoài da như mụn nhọt, vẩy nến…
Ở Ấn Độ, Srilanca, Trung Quốc, mướp đắng dùng làm thuốc trị bệnh đái tháo đường, chữa ho. Trong các bài thuốc dân gian cũng có sử dụng mướp đắng với công dụng này. Tuy nhiên số lượng dữ liệu thu được trên lâm sàng về khả năng trị tiểu đường của mướp đằng còn hạn chế.
Một số nghiên cứu trên động vật và người cho thấy mướp đắng có khả năng giảm đường huyết và cải thiện dung nạp glucoza nhờ charantin, polypeptit-P và vicin. Sau khi ăn mướp đắng, cơ thể có xu hướng sử dụng đường trong gan thay vì tăng tiết insulin.
Glycosid trong mướp đắng chủ yếu là momordicin và charantin. Charantin là một hỗn hợp steroid làm hạ đường. Ngoài ra còn có allkaloid momordicin và dầu thực vật.
Một peptid giống insulin hạ đường tên “polypeptid-P” có trong mướp đắng. Chất này được cô lập từ quả, hạt và các mô trong thân cây và có phân tử lượng 11.000. Tuy nhiên, cơ chế hạ đường huyết trong mướp đắng tới nay chưa được khẳng định rõ.
Khi mướp đắng chín, hàm lượng beta-caroten tăng rõ rệt so với quả xanh.
Hàm lượng vitamin C trong mướp đắng khá cao nên giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng.
Ngoài ra, rễ và lá của mướp đắng có hoạt chất kháng khuẩn mạnh, momorcharin trong mướp đắng có tính chống u bướu.
Nghiên cứu trên chuột cho thấy các hoạt chất trong mướp đắng có khả năng làm hư thai và chống sinh sản ở chuột đực. Kinh nghiệm dân gian cũng khuyên phụ nữ chuẩn bị có thai hay đang có thai không nên ăn mướp đắng.
Với những người bình thường, cũng cần thận trọng khi dùng mướp đắng, không nên lạm dụng trà mướp đắng nhằm tránh bị hạ đường huyết quá nhiều. Trẻ nhỏ không nên dùng nước mướp đắng sống vì có thể gây nôn mửa, tiêu chảy.
Các bác sỹ khuyến khích các bệnh nhân tiểu đường nên dùng mướp đắng nhưng cần có sự theo dõi lượng đường trong máu thường xuyên để phối hợp với isulin cũng như các loại thuốc khác. Những người bị bệnh gan, đau dạ dày, rối loạn tiêu hóa không nên sử dụng loại thực phẩm này.
Thanh Huyền