Ngày 6/9, nệnh nhân nam 22 tuổi, tỉnh Sơn La được đưa vào viện trong tình trạng hôn mê, viêm gan rất nặng vì ngộ độc quá liều paracetamol trên nền bệnh nhân có viêm gan từ trướcBS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai) Hà Nội cho biết.

Người nhà bệnh nhân cho biết, trước thời điểm nhập viện 2 ngày, bệnh nhân sốt cao không rõ nguyên nhân nên mua thuốc hạ sốt về uống. Tuy nhiên sốt cao, tái sốt liên tục nên bệnh nhân không thể tuân thủ hướng dẫn dùng thuốc hạ sốt 4 – 6 tiếng mỗi lần. Tổng cộng trong 2 ngày, bệnh nhân uống đến 19 viên thuốc paracetamol 500mg để hạ sốt. Sau đó xuất hiện vàng da, mệt mỏi và được đưa vào viện.

Hiện các bác sĩ vẫn đang tích cực điều trị cho bệnh nhân, tiên lượng hôn mê gan rất nặng nề, trên nền bệnh nhân có tiền sử viêm gan B. Nguyên nhân dẫn đến bệnh nhân sốt cao có thể do nhiễm trùng.

Dễ quá liều paracetamol

Theo BS Nguyên, tình trạng ngộ độc paracetamol rất dễ gặp nếu người dân không để ý. Khác với ngộ độc do chủ định uống để tự tử, bệnh nhân được biết ngay, đưa đến viện sớm. Người bệnh ngộ độc paracetamol vì giảm đau, hạ sốt nhiều khi không biết, không nghĩ mình ngộ độc. Chỉ đến khi cơ thể mệt mỏi, vàng da, viêm gan rồi mới đến viện.

Rất nhiều nguy cơ ngộ độc paracetamol khi tự ý dùng thuốc. Nhiều loại thuốc giảm đau, hạ sốt chỉ khác nhau về tên thuốc, còn hoạt chất là giống nhau. Nhiều người không để ý, vừa uống hạ sốt, lại uống giảm đau sẽ làm tăng liều nạp vào cơ thể. Ngoài ra hay gặp nhất là do sốt cao tái diễn liên tiếp, dùng thuốc hạ sốt liên tục.

Khi ngộ độc paracetamol, nồng độ paracetamol trong máu quá cao, vượt quá khả năng khử độc của gan, khi ấy, chất độc tích lũy lại gây hoại tử tế bào gan. Tình trạng hoại tử lan rộng sẽ dẫn đến suy gan cấp, đến thận gây suy thận, thậm chí thấm vào não khiến trẻ bị hôn mê…

Có thể bị ngộ độc paracetamol rất nhanh, chỉ sau vài giờ uống thuốc. Triệu chứng thường gặp là chán ăn, buồn nôn, vã mồ hôi, khó chịu, có thể đau hạ sườn phải. Sau 1, 2 ngày, có dấu hiệu vàng da, vàng mắt, tiểu sậm màu. Trong trường hợp nặng bệnh nhân kích động, mê sảng, suy hô hấp và có thể tử vong do suy đa tạng (thận, gan).

Các bác sĩ sẽ làm các xét nghiệm máu đo nồng độ thuốc để đánh mức độ ngộ độc, đánh giá tổn thương gan… Khi xác định tình trạng ngộ độc Paracetamol, bác sĩ sẽ nhanh chóng tiến hành rửa ruột và cho uống các loại thuốc giải độc cần thiết khác.

Không được phép quá 6 viên/ngày

BS Nguyên cho biết, paracetamol là loại thuốc hạ sốt khá lành. Tuy nhiên nếu dùng nhiều, quá liều sẽ có nguy cơ ngộ độc như trên. Vì thế, việc tuân thủ liều lượng của thuốc rất quan trọng.

“Với người lớn khỏe mạnh không nên quá 3g/ngày, tức là không quá 6 viên (500mg) một ngày nhưng liều này là hãn hữu không khuyến khích. Bởi với liều 3g/ngày sẽ có nguy cơ không chỉ với những người có thể trạng gầy yếu, viêm gan mà nguy cơ ngộ độc xảy ra ngay cả với người khỏe mạnh, không có tiền sử viêm gan. An toàn nhất là 4 viên trở lại/ngày”, BS Nguyên nói.

 

Với bệnh nhân trẻ em thường tình theo mg/kg cân nặng. Theo đó, nếu bệnh nhân sốt cao, từ 38,5oC trở lên có thể dùng paracetamol nhưng không được dùng quá 15mg/kg cân nặng/lần và chỉ dùng tối đa 4 lần/ngày, mỗi lần cách nhau 4 – 6 tiếng.

Còn trong trường hợp đã dùng thuốc hạ sốt vẫn tái diễn sốt liên tục, cần áp dụng thêm các biện pháp như chườm ấm, uống nhiều nước. Trong trường hợp uống thuốc mà hạ sốt không hiệu quả, thì phải đưa đến viện để được tìm nguyên nhân gây sốt.

Triệu chứng của sốt

Khi nhiệt độ cơ thể tăng trên 37,5 độ C (có khi lên đến trên 40 độ C) thì được gọi là sốt. Trung bình thân nhiệt tăng lên 1 độ C thì nhịp tim tăng 10-15 nhịp/phút.

Sốt cao trên 39-40 độ C có nguy cơ gây co giật, nhất là trẻ em. Lúc đó, phải dùng thuốc hạ sốt hoặc chườm lạnh để hạ nhiệt độ xuống trước khi tìm nguyên nhân. Nếu không tìm cách hạ nhiệt ngay, bệnh nhân có thể bị co giật và tử vong.

Sốt là một biểu hiện của nhiều bệnh, đa số là do nhiễm khuẩn, nhưng cũng có trường hợp không do nhiễm khuẩn.

Cách giảm sốt an toàn, hiệu quả theo Đông y

1. Sốt cao không rõ nguyên nhân

Vỏ dứa, rửa sạch, (nếu có điều kiện thì phơi khô) sao vàng hạ thổ (sao xong đổ xuống nền đất để nguội), cất trữ nơi khô ráo, khi cần thì dùng.

Cách dùng: Lấy khoảng 1 nắm vỏ dứa, cho nước vào đun sôi còn ½ lượng nước, Cho bệnh nhân uống, cơn sốt sẽ hạ nhanh chóng.

2. Sốt dịch, sốt virus

Lấy củ ráy, thái lát, phơi khô, sao vàng rồi cho nước vào, sắc đặc uống. Nếu không phơi được thì chỉ cần sao cho khô (cho khỏi ngứa) rồi đổ nước sắc uống.

Tác dụng hạ sốt và khỏi rất nhanh.

Lương y Cao Sơn

Xem thêm:

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.