Đại Kỷ Nguyên

Đường ăn kiêng Aspartame: tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa?

Sợ đường huyết tăng cao, sợ béo phì, sâu răng…, hàng trăm triệu người trên thế giới đành nén lòng trước những đồ ăn ngọt đầy cám dỗ đến “chết người”, ngậm ngùi hài lòng thay đường tự nhiên bằng các chất tạo ngọt hoá học như aspartame, saccarin, acesulfame K… Liệu tránh vỏ dưa, có gặp vỏ dừa hay không?

Hàng chục năm qua, các chất ngọt này đã được các cơ quan kiểm duyệt cấp chứng nhận và cho phép thương mại hoá nhưng đến nay chúng vẫn vấp phải sự phản đối gay gắt của rất nhiều nhà nghiên cứu và các chuyên gia độc lập vì những nguy cơ với sức khỏe người tiêu dùng ngày một rõ. Aspartame là một trường hợp tai tiếng nhất, liên quan đến 75% các tác dụng không mong muốn trong các khiếu nại gửi về FDA (Cơ quan quản lý Dược phẩm và Thực phẩm, Mỹ). Nó cũng gây tốn biết bao công sức của các nhà nghiên cứu.

Đội ngũ người tiêu dùng toàn cầu ước tính khoảng 250 triệu, trong đó phụ nữ và trẻ em là hai đối tượng nhạy cảm nhất được các nhà nghiên cứu đặc biệt chú trọng.

Trích ngang tiểu sử của aspartame

Vị ngọt của aspartame được Jame Schlatter (công ty GD Searle, Mỹ) tình cờ phát hiện vào năm 1965. Được lần đầu cho phép sử dụng trong các thực phẩm khô vào ngày 26/07/1974 nhưng sau đó vấp phải sự phản đối của TS. John W. Olney và luật sư bảo vệ người tiêu dùng James Turner vào tháng 08/1974 cũng như là các điều tra nghiên cứu của GD Searle. Do đó FDA đã treo lệnh cấp phép vào tháng 12/1974.

Sau đó aspartame đã được phê duyệt sử dụng cho hàng hóa khô vào năm 1981 và cho đồ uống có gaz vào năm 1983. Năm 1985, Monsanto mua công ty G.D. Searle và xây dựng thương hiệu NutraSweet.

Hiện nay aspartame được thương mại dưới nhiều tên khác nhau: Nutra Sweet, Equal, Spoonful, Aminosweet, Canderel, Sanecta…, và được sử dụng trong khoảng 6.000 sản phẩm thực phẩm, dược phẩm khác nhau. Trong danh sách phụ gia thực phẩm, aspartame mang mã số E951, có mặt trong bánh kẹo, nước trái cây, trong các sản phẩm “không đường” hoặc sản phẩm “light”, “diet”…, kẹo cao su, sữa chua, đường cho người ăn kiêng và ngay cả trong một số thuốc và sản phẩm bổ sung vitamin.

Giá thành rẻ, dễ bảo quản và sử dụng, siêu ngọt aspartame có độ ngọt gấp 200 lần đường tự nhiên. Tuỳ theo nguồn, giá thành của aspartame giao động mạnh, từ khoảng 300.000 đến 700.000 VND/kg. Như vậy, để có độ ngọt tương đương 1kg đường, chỉ cần chi phí khoảng 1.500 đến 3.500 VND, lại gọn nhẹ tiết kiệm hàng loạt chi phí kho bãi…

Mỗi năm, khoảng 15,4 triệu tấn aspartame được tiêu thụ ở quy mô toàn cầu, chiếm khoảng 62% thị trường các chất tạo ngọt.

Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), liều dùng hàng ngày được khuyến cáo là không quá 40mg/1kg thể trọng, tương đương 2,4g/ngày đối với một người nặng 60kg.

Aspartame có gây ung thư và sinh non?

Mặc dù được FDA và EFSA (Uỷ ban an toàn thực phẩm Châu Âu) cho phép sử dụng trong thực phẩm nhưng kết quả nhiều nghiên cứu độc lập đã làm rúng động giới chuyên môn, trong đó phải kể đến hai công trình, một của Ý (1), một của Đan Mạch (2).

Trong nghiên cứu nguy cơ gây ung thư của phụ gia này, do GS. Soffritti thuộc Trung tâm nghiên cứu ung thư Cesare Maltoni (Ý) đứng đầu, được tiến hành trên chuột. Aspartame được đưa vào thức ăn của chuột ở các liều khác nhau cho các nhóm chuột gồm 240 con. Chúng được theo dõi bắt đầu từ giai đoạn bào thai trong tử cung đến khi chết, cho thấy mối liên quan mật thiết giữa việc tiêu thụ aspartame và việc xuất hiện ung thư, nhất là ung thư gan và phổi ở những con đực.

Trong kết luận của bài báo, nhóm nghiên cứu của GS Soffritti khẳng định “aspartame là một chất rất có thể gây ung thư, cho dù ở liều 20mg/kg trọng lượng thân thể, ít hơn nhiều so với liều cho phép hiện nay”. Các tác giả cũng kêu gọi cần KHẨN CẤP xem xét đánh giá lại việc sử dụng aspartame trong thực phẩm.

Ngay sau khi kết quả nghiên cứu trên được công bố, GS Narbonne, nhà nghiên cứu độc học nổi tiếng đã kêu gọi người Pháp ngừng tiêu thụ aspartame và các sản phẩm có chứa chất này. Tại Pháp, aspartame đã được cấp phép vào năm 1988.

Các nhà nghiên cứu Đan Mạch đã tiến hành điều tra trên gần 60.000 phụ nữ mang thai. Kết quả cho thấy, việc tiêu thụ đều đặn dưới 1 lon nước ngọt có gaz chứa chất ngọt hoá học aspartame (dạng soda light) làm tăng 38 % nguy cơ sinh non so với đối tượng không sử dụng. Nếu uống trên 4 lon /ngày, nguy cơ này tăng đến 78%.

Tăng nguy cơ ung thư máu khi uống nước soda có aspartame

Trong một nghiên cứu tiến hành thu thập và phân tích dữ liệu theo dõi trong khoảng thời gian 22 năm với tổng cộng 77.218 phụ nữ và 47.810 nam giới, các tác giả cho thấy, nếu dùng một lon soda mỗi ngày sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư máu (3): Cụ thể,

– Tăng 42% nguy cơ mắc bệnh bạch cầu ở đàn ông và phụ nữ (phân tích gộp)

– Tăng 102% nguy cơ u tủy ở nam giới

– Tăng 31% nguy cơ ung thư hạch bạch huyết không Hodgkin ở nam giới

gần 100 tác động xấu lên sức khỏe

Ngoài ra, nhiều công trình nghiên cứu và phản ảnh của người tiêu dùng cho thấy aspartame có thể gây ra gần 100 tác động phụ khác nhau như đau đầu, chóng mặt, nôn mửa, mất ngủ, mệt mỏi thường xuyên, chuột rút, kinh nguyệt bất thường, chứng bất lực ở nam giới, rối loạn thị giác, rối loạn trí nhớ, bệnh bạch cầu…

Trong cơ thể, aspartame bị thuỷ phân thành ba chất đã tạo nên nó qua tổng hợp hoá học là axit aspartic, phenylalanine và methanol. Cả ba chất trên và sản phẩm chuyển hoá đều có thể gây vấn đề với sức khoẻ của con người.

Nhiều chuyên gia xem aspartate (từ axit aspartic) giống như glutamate (axit glutamic) là chất độc kích thích thần kinh, ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, thủ phạm của các chứng nhức đầu, mệt mỏi, đau bụng, suyễn, động kinh. Ngoài ra, aspartate cũng có thể làm rối loạn nội tiết và phát sinh các vấn đề về thị lực…

Trong cuốn sách “Excitotoxins: the Taste That Kills” của mình, TS Blaylock xếp aspartate và glutamate thuộc hàng excitotoxin độc nhất, đặc biệt khi chúng đi cùng nhau. Ông tổng hợp kết quả của khoảng 500 nghiên cứu và cho thấy các excitotoxin trên có thể gây ra các rối loạn thần kinh, kích thích quá mức các neuron đến chết. Đối với trẻ em thì màng rào máu não (bảo vệ não khỏi các chất độc) chưa phát triển đầy đủ thì lại càng nhạy cảm.

Đối với phenylalanine, khi dư thừa trong máu, chất này có thể là tác giả của bệnh phenylketonuria (PKU), làm chậm phát triển trí tuệ, tổn hại thần kinh. Cuối cùng là methanol. Methanol được chuyển hoá trong gan tạo thành formaldehyde, một chất độc nổi tiếng, có khả năng gây hư hỏng DNA dẫn đến các nguy cơ chính là ung thư, sinh non, đồng thời gây độc thần kinh với các rối loạn hành vi như quá kích động ở trẻ, gây giảm thị lực, thậm chí mù mắt.

Người tiêu dùng vẫn…ngây thơ: nếu độc sao không cấm?

Độc tố của các phụ gia thực phẩm thường mang tính tích lũy, mưa dầm thấm lâu, chứ không “gây án mạng” ngay lập tức. Chuyện một chất dùng cách đây mấy chục năm, bây giờ mới phát ra có độc cũng không có gì lạ. Bởi vì phương pháp nghiên cứu đã chính xác hơn, thời gian đã tìm ra thêm nhiều nhân chứng vật chứng.

Cùng một chủ đề nhưng kết quả thu từ 2 nguồn tài chính khác nhau ấy (và mức độ khách quan khác nhau) đã cho ra 2 xu hướng khác nhau, ví dụ: độc và không độc.

Tuy nhiên, thông thường các nhà sản xuất phản đối quyết liệt mỗi khi có những kết luận ảnh hưởng đến quyền lợi của họ, cho rằng báo cáo của các nhà chức trách đã luôn kết luận tính không độc hại của aspartame. Rằng các kết luận đưa ra bởi các nghiên cứu trên không phù hợp, không có tính thuyết phục, và họ lại tiếp tục đẩy mạnh quảng cáo.

Người tiêu dùng thì đặt hết hi vọng lên những nhà “chức trách” như FDA, EFSA, WHO… Lý do mà họ đưa ra là: nếu độc thì đã cấm rồi, hoặc, FDA có thể bị mua chuộc, còn các tổ chức khác cũng thế hết sao? Còn WHO, FAO… ai mà “mua” được hết! Vậy là hàng loạt các kết quả nghiên cứu độc lập khác có cũng như không.

Cũng đã có một vài khảo sát cho thấy các công trình nghiên cứu thường có 2 nguồn tài trợ, từ chính phủ hoặc các tổ chức độc lập nào đó hoặc từ chính các nhà công nghiệp trong ngành. Cùng một chủ đề nhưng kết quả thu từ 2 nguồn tài chính khác nhau ấy (và mức độ khách quan khác nhau) đã cho ra 2 xu hướng khác nhau, ví dụ: độc và không độc. Đó cũng là một gợi ý để chúng ta thận trọng khi đặt niềm tin của mình.

Những trường hợp dân kêu cứ kêu, còn chính quyền quyết cứ quyết xưa nay không phải là hiếm. Khi kim tiền và quyền lực lên ngôi đầu thì mọi thứ có thể bị đảo lộn. Theo ý kiến tác giả bài viết: những gì không thuộc về tự nhiên thường không phù hợp với cơ thể con người, vốn 100% tự nhiên. Quay về với thiên nhiên vĩ đại vẫn là con đường đúng đắn!

Đình Vũ

Tài liệu tham khảo:

  1. Morando Soffritti, Fiorella Belpoggi, Marco Manservigi, Eva Tibaldi Michelina Lauriola Laura Falcioni and Luciano Bua. 2010.Aspartame Administered in Feed, Beginning Prenatally Through Life Span, Induces Cancers of the Liver and Lung in Male Swiss Mice. American J of industrial medecine.
  2. Thorhallur I Halldorsson, Marin Strøm, Sesilje B Petersen, and Sjurdur F Olsen. 2010.Intake of artificially sweetened soft drinks and risk of preterm delivery: a prospective cohort study of 59,334 Danish pregnant women. American Society for Nutrition.
  3. Schernhammer ES1Bertrand KABirmann BMSampson LWillett WCFeskanich D. 2012. Consumption of artificial sweetener- and sugar-containing soda and risk of lymphoma and leukemia in men and women. Am J Clin Nutr.

Xem thêm:

Exit mobile version