Đại Kỷ Nguyên

Đường hoa trong bệnh viện ở TP. HCM giúp vơi đi nỗi nhớ nhà ngày tết

Các y bác sĩ thuộc 75 khoa phòng Bệnh viện Chợ Rẫy lần đầu tiên tham gia thiết kế đường hoa Tết trong khuôn viên viện nhằm giúp tăng sự gắn kết giữa bệnh nhân với các nhân viên y tế, hướng đến môi trường bệnh viện xanh sạch đẹp, cầu mong điều tốt đẹp đến mọi người.

Đường hoa trải dài dọc hai nên lối đi, sâu gần 2 m, từ cổng đường Thuận Kiều đến cổng khu D. Đường hoa đặc biệt này bắt đầu diễn ra từ ngày 7/1, kéo dài đến hết ngày 28/1 (mùng 4 Tết Canh Tý).

Lương y như từ mẫu

Đây là năm đầu tiên Bệnh viện Chợ Rẫy thiết kế đường hoa trải dài trên các trục đường chính trong khuôn viên bệnh viện. Chia sẻ trên báo VnExpress, bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc bệnh viện, cho biết việc tạo dựng đường hoa nhằm tạo không khí mùa xuân, giúp người bệnh và thân nhân cảm giác nhẹ lòng, đỡ nhớ nhà khi phải ở lại viện những ngày Tết. 

Bác Hiếu tạo dáng bên chiếc xe cổ trong khu vực trang trí của Khoa Phỏng Tạo hình (ảnh: Lê Phương/VnExpress).

Sắp xếp lại các chậu hoa, bác sĩ Phan Trung Hiếu, Khoa Phỏng Phẫu thuật Tạo hình, cho biết khoa chọn ý tưởng hướng đến an toàn giao thông với slogan “Anh ơi! Đã uống rượu thì không lái xe”. Bác sĩ Hiếu mang hai chiếc xe cổ từ nhà vào bệnh viện để trưng bày.

Các nhân viên y tế cùng bê những chậu hoa lan, cúc, mai, mô hình bánh chưng, dưa hấu… nhiều màu sắc để trang trí, viết những câu đối, lời chúc treo trong khu vực của khoa mình. Các chú chuột được tạo hình vui nhộn mừng xuân Canh Tý.

Niềm vui của những hoàn cảnh coi bệnh viện là ngôi nhà thứ hai

Theo báo Zing, nơn một năm nay, chị Trương Thị Kiều (28 tuổi, quê Sóc Trăng) phải ở lại Bệnh viện Chợ Rẫy để chăm sóc mẹ bị suy thận mạn tính. Chị Kiều cho biết càng gần Tết, mẹ con chị càng nôn nao, nhớ nhà.

Ước mong lớn nhất của mẹ con chị Kiều là được về quê ăn Tết cùng gia đình (ảnh: BH/Zing)

“Mỗi chiều tôi dẫn mẹ đi một vòng đường hoa cho có cảm giác không khí Tết. Mọi người vui vẻ, quên đi bệnh tật khiến mình ấm lòng nhưng cũng vẫn nhớ nhà, nhớ quê. Mong mẹ mau khỏe để Tết này có thể về nhà”, chị Kiều nói.

Ở ngoại trú tại khu nhà chờ dành cho thân nhân, ông Trần Đình Tân (85 tuổi, quê Bình Định) cho biết vợ chồng ông đã xem Bệnh viện Chợ Rẫy như ngôi nhà thứ hai.

Ông Tân và vợ cho biết Tết năm nay sẽ ở lại đón giao thừa tại bệnh viện (ảnh: BH/Zing).

Ông Tân kể vợ bị tiểu đường cách đây 15 năm nhưng nhiều năm nay biến chứng phù thận, bệnh viện tỉnh không điều trị được. Ông quyết định đưa vợ vào Bệnh viện Chợ Rẫy chạy thận và sinh hoạt tại bệnh viện hơn 8 tháng nay.

“Năm mới chỉ mong được về nhà với con cháu, nhưng bệnh bà như thế, chúng tôi đành ăn Tết trong bệnh viện. Cũng may có đường hoa, mọi người vui vẻ, tâm trạng vợ tôi cũng tốt hơn”, ông Tân tâm sự.

Nồi bánh trưng làm tăng không khí Tết (ảnh: PLO).
Thuyền hoa quả đậm chất Nam Bộ (ảnh: PLO).
Không chỉ vất vả lo thuốc men, các y bác sĩ còn chăm lo đời sống tinh thần cho bệnh nhân (ảnh: PLO).
Hoa mai, hoa đào, hoa cúc… rộn ràng khoe sắc đón Xuân Canh Tý 2020 (ảnh: PLO).
Cả người thân và bệnh nhân nô nức xem cảnh tết (ảnh: PLO).
Khu vực trang trí tiểu cảnh Khoa nội thận (ảnh: PLO).
Ngôi nhà mái tranh khiến các cụ bà nhớ lại những ngày tháng tuổi thơ (ảnh: PLO).
Hình ảnh sông nước với thuyền hoa, đàn vịt nhựa thu hút trẻ nhỏ (ảnh: Lê Phương/VnExpress).

Thạc sĩ Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết càng vào cuối năm, tập thể bác sĩ và nhân viên y tế của bệnh viện luôn dồn hết sức làm việc, tạo điều kiện cho người bệnh có thể về quê ăn tết, sum họp gia đình. Tuy nhiên, không ít người bệnh và thân nhân vì điều kiện kinh tế và sức khỏe không cho phép, buộc phải đón giao thừa và ăn tết trong bệnh viện.

“Hy vọng đường hoa xuân sẽ mang đến không gian rộn ràng, ấm áp, xoa dịu nỗi đau bệnh tật và giúp người bệnh, thân nhân có cảm giác như đón Tết ở quê nhà”, ông Hiển nói.

Exit mobile version