Lập xuân là tiết khí mở đầu của mùa xuân, báo hiệu vạn vật bắt đầu một vòng tuần hoàn mới. Trung y cho rằng, đây là lúc dương khí thăng cao, sự vật sinh sôi nảy nở, cũng là “thời điểm vàng” trong năm để dưỡng Can.
Cổ nhân có câu: “Xuân bất dưỡng, hạ dị bệnh” tạm dịch mùa xuân nếu không dưỡng sinh, mùa hạ dễ sinh bệnh, quan trọng nhất trong đạo dưỡng sinh mùa xuân là dưỡng Can. Nếu không chăm sóc tốt sức khỏe, dưỡng không đủ Can huyết tới mùa hè dễ dẫn tới Tâm hỏa quá vượng hoặc mắc các loại bệnh về tràng vị. Ngược lại nếu dưỡng tốt Can vào thời điểm này, chính là gốc để cho sức khỏe cả năm sau.
Tại sao Can hỏa quá vượng ảnh hưởng tới chức năng Tỳ Vị?
Theo bác sỹ Đông y Điền Nghi Dân đến từ viện Đông y Đài Loan, khái niệm Can tạng mà Đông y đề cập không giống như tạng gan theo khái niệm của Tây y. Y học cổ truyền có câu, ‘can chủ sơ tiết’ nghĩa là khi chức năng của Can không tốt khí toàn thân sẽ bị tắc nghẽn, làm cho toàn thân không thoải mái, mệt mỏi… thậm chí ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa.
Nếu chức năng sơ tiết của Can tạng quá vượng, sẽ làm ta dễ cáu giận, miệng khô đầu đau, Can hỏa lớn, hỏa khí lớn; ‘Can tàng huyết’ là chỉ tạng phủ này có chức năng dự trữ huyết dịch, Can huyết không đủ sẽ sinh ra các triệu chứng như lo sợ, tim đập nhanh, đau đầu, mất ngủ… Ngoài ra, Đông y còn có cách nói ‘Can tàng hồn‘, ‘Can khai khiếu ở mắt’ đều là để chỉ tinh thần và mắt đều có liên quan tới chức năng của cơ quan này. Nếu Can huyết hư, không đủ dễ sinh các triệu chứng như ác mộng, chất lượng giấc ngủ kém… Qua đây có thể thấy, ngoài chức năng thải độc, chuyển hóa, dự trữ… Can còn có ảnh hưởng tới hệ thống tinh thần và thần kinh. Tất cả đều có thể dẫn tới Can khí uất kết hoặc Can hỏa quá vượng. Nếu dễ cáu giận lại gián tiếp ảnh hưởng tới chức năng Tỳ Vị.
Bí quyết chăm sóc Can vào mùa xuân?
Theo Hoàng đế nội kinh, ngũ sắc, ngũ vị, ngũ hành và ngũ tạng có sự đối ứng với nhau. Kim, mộc, thủy, hỏa, thổ trong ngũ hành đối ứng với năm màu sắc trắng, xanh, đen, đỏ, vàng và đối ứng với ngũ tạng Phế, Can, Thận, Tâm, Tỳ. Màu sắc đối ứng với mùa xuân là màu xanh, màu xanh thuộc mộc, mộc đối ứng với tạng Can, bởi vậy ăn những thực phẩm màu xanh có thể dưỡng Can. Để không bỏ lỡ “thời điểm vàng” dưỡng Can trong năm, bạn có thể học Trung y những cách dưỡng sinh vào đầu mùa xuân dưới đây.
1. Chế độ ăn uống
Theo Đông y, vị chua có tính thu liễm, khi hấp thu vào Can sẽ không có lợi cho việc sản sinh dương khí và khai thông Can khí. Vì vậy, nên áp dụng tiêu chí “ít chua thêm đắng” trong ẩm thực vào những ngày đầu xuân.
Có thể thêm vào thực đơn hằng ngày các món có tính đắng như củ cải, rau thơm, rau hẹ, hành tây và bổ sung vào thực đơn các loại thực phẩm dưỡng Can như nấm hương, măng, cần tây, mộc nhĩ trắng, rau kim ngân…
Trung y cho rằng, củ cải có vị đắng, tính mát, khi nấu chín lại mang vị ngọt, tính bình, ăn vào lập xuân giúp lưu thông khí huyết, khử đờm, ngừng ho… Bên cạnh đó, rau hẹ cũng là một trong những “ứng cử viên” sáng giá cho thực đơn đầu xuân. Loại rau này còn có tên là “khởi dương thảo”, vị cay đắng, giúp bổ thận, ích can, lợi cho dương khí. Đặc biệt, dưỡng Can thường đi đôi với dưỡng Tỳ. Để bổ tỳ, dưỡng can, bạn có thể chế biến món cháo táo đỏ, cháo khoai từ vào dịp Tết.
2. Điều chỉnh cảm xúc
Cổ nhân thường gọi Can là “cương tạng”, thuộc hệ Mộc trong ngũ hành, đặc biệt tương thích với khí xuân. Khi mùa xuân đến, Can khí trong cơ thể trở nên thịnh. Khoảng thời gian này là cơ hội tuyệt vời để dưỡng Can, thải độc, bổ khí huyết.
Trung y quan niệm “tức giận hại Can”. Vì vậy mấu chốt trong việc dưỡng Can chính là giữ trạng thái tâm lý tích cực, hạn chế tức giận hoặc lo âu, u buồn. Mùa xuân là thời điểm dễ làm nảy sinh các loại cảm xúc tiêu cực. Nguyên nhân thứ nhất là do dương khí mùa này đang vượng, dễ gây ra tình trạng “thượng hỏa” đối với Can, khiến tâm tình kích động và nổi giận. Ngoài ra, những lo lắng bất an thời điểm này cũng khiến ta rơi vào tình trạng tâm tình xuống dốc, thất vọng và tự trách bản thân.
Để hạn chế trạng thái trên, có thể giao lưu cùng bạn bè hoặc đi du xuân, thưởng ngoạn phong cảnh tươi mới của vạn vật. Nếu quá bận rộn, có thể lựa chọn hình thức vận động vừa phải để cải thiện tâm trạng. Vận động có thể gia tăng kích thích tố, tăng cường chức năng của khí tạng, đồng thời giảm lo âu, căng thẳng. Hơn nữa, cổ nhân quan niệm “xuân hạ dưỡng dương, thu đông dưỡng âm”. Vận động hợp lý vào những ngày đầu xuân cũng rất có lợi cho dương khí bên trong cơ thể.
3. Điều chỉnh sinh hoạt, ăn mặc
Ngạn ngữ Trung Hoa có câu: “Lập xuân mới tới, dậy sớm ngủ muộn”. Trong Hoàng đế nội kinh cũng viết: “Ba tháng mùa xuân, thiên địa câu sinh, vạn vật lấy vinh, đêm nằm dậy sớm là đạo dưỡng sinh”. Lập xuân là khoảng thời gian buổi sáng có ánh mặt trời xuất hiện sớm, sinh hoạt cũng nên thuận theo quy luật thời gian của mỗi mùa mà điều chỉnh. Vì vậy vào đầu mùa xuân, bạn nên ngủ muộn và dậy sớm sẽ có lợi cho việc sản sinh dương khí.
Khí huyết trong cơ thể cần vận hành thông suốt mới có thể khỏe mạnh. Theo Đông y, từ 11h đêm đến 3h sáng là thời gian hoạt động của kinh lạc Can và Đởm, nhất định phải ngủ vào thời gian này để dưỡng Can. Ngoài ra, nên dậy sớm kết hợp vận động ngoài trời để giúp cơ thể thư giãn gân cốt, giúp tuần hoàn thông suốt, ích khí lợi huyết.
Cổ nhân có câu: “Xuân không giảm áo, thu không thêm mũ”. Dù tiết trời xuân đã ấm áp hơn mùa đông, nhưng không nên vì vậy mà ăn mặc phong phanh, coi nhẹ việc giữ ấm. Đây là thời điểm dương khí sản sinh, tuy nhiên khí lạnh chưa hết, ở vào khoảng thời gian “dương lùi âm tiến”. Lúc này, các lỗ chân lông trên cơ thể chuyển từ trạng thái khép kín sang từ từ giãn ra theo sự tăng lên của nhiệt độ, nhưng lại chưa có khả năng đề kháng với khí lạnh. Nếu ăn mặc phong phanh, dễ dàng bị khí lạnh xâm nhập, các lỗ chân lông sẽ tự động khép kín, gây tổn thương dương khí bên trong. Cuốn Lão lão hằng ngôn cũng đã từng đề cập tới nguyên tắc ăn mặc vào mùa xuân này: “Xuân đông không chia, thân dưới nên giữ ấm, thân trên có thể giảm, giúp nuôi dưỡng dương khí”.
4. Hai loại trà dưỡng Can mùa xuân
* Trà hoa hồng Đảng sâm
Nguyên liệu: Hoa hồng khô 5g, Đảng sâm 5g, táo đỏ 3 quả
Cách làm: Cho các nguyên liệu trên vào 600cc nước đun sôi uống thay nước hằng ngày.
Công dụng: Hoa hồng có thể sơ can lưu thông khí huyết, Đảng sâm có thể kiện Tỳ bổ khí, táo đỏ có tác dụng bổ máu, kiện Tỳ Vị.
* Trà Sài hồ, Dương sâm
Nguyên liệu: Sài hồ 5g, Tây dương sâm 5g, Mạch môn 5g
Cách làm: Cho các nguyên liệu trên vào 600cc nước đun sôi uống thay nước hằng ngày.
Công dụng: Sài hồ có thể sơ Can giải uất, Tây dương sâm có thể kiện Tỳ bổ khí, Mạch môn có thể giảm khát, nhuận Phế lại có thể chống mệt mỏi.
Chú ý: Bệnh nhân bị cảm mạo không nên uống loại trà này, bởi Tây dương sâm có chức năng bổ khí, khi uống dễ làm sốt cao hơn, làm bệnh cảm mạo chậm hồi phục.
5. Bấm huyệt
Massage huyệt Thái Xung có tác dụng tốt nhất trong việc giải độc Can, loại bỏ hỏa khí làm cơ thể bốc hỏa và nóng trong, hạ huyết áp, những người có tính khí nóng nảy thì nên thường xuyên bấm huyệt này. Huyệt nằm trên lưng bàn chân ở vị trí giữa xương bàn ngón chân cái và ngón chân thứ 2. Dùng ngón tay day bấm huyệt trong khoảng 4 phút với một lực nhẹ vừa đủ, đến khi cảm thấy hơi đau một chút thì dừng lại.
Theo Secretchina
Kiên Định biên dịch