Theo Đạo gia, vạn vật đều được cấu tạo bởi ngũ hành, cơ thể người cũng không ngoại lệ, có người thiên về mộc, có người thiên về kim… Vậy nên mỗi người sẽ cần có chế độ ẩm thực khác nhau.
Đông y dùng ẩm thực để điều chỉnh sự cân bằng, căn cứ theo tuổi tác, giới tính, thể chất của mỗi người khác nhau. Bình thường mà nói, tuổi càng cao, có thể càng bổ, bởi vì khí huyết suy giảm; tuổi càng nhỏ, hãy còn là thể thuần dương, dù có thể bổ, cũng không thể thái quá.
Nữ giới có vấn đề kinh, đới, thai, sản… ẩm thực điều bổ cần dựa vào tình hình khác nhau mà định, thích ứng nhu cầu sinh lý các giai đoạn khác nhau. Nếu lấy âm dương mà phân biện thể chất, người thiên về dương thích hợp ăn hàn mát mà ít ôn nhiệt; người âm thịnh dương hư, cần ăn thiên về ôn ấm, ít hàn lạnh.
1. Người hình Hỏa
Đúng với Kinh dịch vốn nói, “Ly là hỏa, là dương”, người hình hỏa nắm giữ khí thiên hỏa, toàn nhiệt mà dương thịnh, hỏa khí vượng mà đầy đủ, tính cách hướng ngoại cao độ, lại hỏa tính bốc lên, hỏa tính vượt ra ngoài, do đó mặt đỏ thân hình săn chắc, nhiệt tình kích động, đi mà như bay, động tác bạo phát, tư duy như chớp, tầm nhìn sắc bén, giàu tính sáng tạo.
Người hình hỏa dễ xuất hiện vấn đề gì? Hỏa khí nhiều, hỏa thông đến tâm, tâm chủ huyết mạch, do đó người hình hỏa dễ bị bệnh tim mạch, như bệnh mạch vành, cao huyết áp, xơ cứng động mạch…
Người hình hỏa dương khí hao tán quá nhiều, do đó thọ mệnh ngắn đi, dễ thiêu đốt tân dịch mà tử, trong điều dưỡng cần tránh tâm lý quá khích, ít ăn đồ sống, ăn nhiều đồ dưỡng âm thanh hỏa, thường xuyên dưỡng tâm an thần; do đó có một số thực phẩm dưỡng tâm dưỡng âm có thể dùng nhiều, như: Liên tử (hạt sen), Trúc nhự, Trúc diệp, Mạch đông…
2. Người hình Thủy
Tương ứng với “Khảm là thủy” trong Kinh dịch vốn nói, thủy là âm, tính chất của thủy là trầm xuống, ẩn náu, do đó người hình thủy tính cách hướng nội, tương đối trầm, thường hay bảo toàn, có sở trường tính toán (kế sách).
Về ngoại hình, người hình thủy có sắc hơi tối, thể gày, mắt sâu mà tai to, cũng nguyên do thận chủ nhĩ.
Thủy tính hàn lạnh, hàn khí thông vào thận, do đó người thể thủy dễ có vấn đề về thận, như thủy thũng, đau lưng, tứ chi quyết lạnh, hiếm muộn, tiêu chảy lúc sáng sớm (Ngũ canh tả)…
Thủy tính âm hàn, hàn tính ngưng trệ thu dẫn, do đó người hình thủy mạch lạc dễ bế trở, khí huyết không thông, dẫn tới đau khớp; cá tính hướng nội, thích nơi vắng vẻ, một mình, dễ xuất hiện chứng trầm cảm.
Người hình thủy dương khí hao tổn tương đối ít, ngược lại tương đối trường thọ, trên phương diện ẩm thực có thể ăn nhiều đồ ôn nhiệt, bớt ăn đồ hàn lạnh, đặc biệt là ôn dương bổ thận có thể ăn nhiều, như thịt dê, thịt nai… Nếu xuất hiện lạnh từ thắt lưng trở xuống, tay chân lạnh, mạch trầm vô lực, có thể dùng thận khí hoàn… ôn dương bổ thận.
3. Người hình Thổ
Đúng như Kinh dịch vốn nói: “Khôn là địa, là mẫu”, thiên dương địa âm, do đó người hình địa nắm giữ khí của thổ địa, tính âm chất thuận, âm khí thiên nặng, cá tính thường trữ tàng không lộ, tương đối hướng nội. Kinh dịch có viết rằng “Khôn hậu đức tải vật, đức hợp vô biên”, do đó người hình thổ thường khoan dung hậu đạo, cần khẩn thực làm; thổ dễ sinh thấp, thấp tính dính đình trệ, cho nên người hình thổ khí huyết vận hành hòa hoãn, cá tính ổn định như núi, đối với sự vật mới lạ không mẫn cảm lắm.
Người hình thổ mặt vàng đầu to, dáng lùn đậm chắc, môi dày mũi to, dễ bị bệnh trường vị, như đau bụng, tiêu chảy, thủy thũng… thể chất dễ tích thấp sinh đàm, có đàm ẩm thủy thũng, trung khí hư nhược. Người hình thổ bệnh cấp tính ít mà dễ sống lâu, trong 5 loại hình – người hình thổ là trường thọ nhất, nhưng cần phòng bệnh thấp, do khí huyết vận hành hoà hoãn, ẩm thực có thể ăn nhiều trần bì, củ cải, sơn tra, quả hồng, mộc nhĩ… Nếu bị thủy thũng, có thể ăn thêm ý dĩ nhân, hoặc Bạch truật hầm thịt.
4. Người hình Kim
Ứng với “Càn là thiên, là ngọc là kim” mà Kinh dịch vốn nói, người hình kim nắm giữ kim khí của trời, tráng kiện kiên chính, tấm lòng rỗng rãi, có tầm nhìn xa, ổn định tự kiềm chế, tính tổ chức cao, có tố chất lãnh đạo. Kinh dịch có viết rằng: “Quẻ Càn là vua”, “Càn là cha”, “Càn là đứng đầu”, “Càn thật to lớn thay, là cội nguồn sinh ra vạn vật, bao trùm khắp vũ trụ trời đất”.
Người hình Kim ngoại hình mặt to trán rộng, mặt vuông khôi ngô, có phong thái làm tướng, tấm lòng rộng lớn, thể chất âm dương bình hằng, không quá hướng ngoại, cũng không hướng nội, không nhún nhường mà cũng không phản kháng, tính cách cương kiện, tự cường vươn lên không ngừng nghỉ, nhưng có đặc điểm là lòng tự tôn mạnh, duy ngã độc tôn, không có ai hơn ta.
Người hình Kim nắm giữ khí kim táo của trời đất, dương khí tương đối thịnh, táo tổn thương phế, do đó dễ bị bệnh về phế. Táo nhiệt âm khuyết, dễ có vấn đề ho, viêm phế quản mãn, tiêu khát (tiểu đường), táo bón…
Người hình Kim rộng rãi đại lượng, thọ mệnh tương đối dài, nhưng dương táo dễ thương tân dịch, do đó nên bớt ăn đồ táo nhiệt phát hỏa, hoặc đồ cay chiên rán, có thể ăn nhiều đồ nhuận táo sinh tân (dịch), như củ sen, lê, bách hợp, tỳ bà, bưởi, măng, ngân nhĩ (nấm tai mèo, nấm tuyết, mộc nhĩ trắng), nên kiêng rượu thuốc lá, để có thể giữ gìn khí quản. Lại thể chất thiên táo, có thể uống nhiều nước, như nước khoáng tinh khiết, nước giếng…
5. Người hình Mộc
Vừa đúng như Kinh dịch vốn nói, “Tốn là mộc, là phong”, người hình mộc nắm giữ phong khí của trời, phong tính thuộc dương, chủ động, do đó người hình mộc cá tính hướng ngoại; lại mộc tính điều đạt, phong tính chủ động, do đó người hình mộc hiếu động, tính nóng vội, sắc bén được việc, có khả năng ngoại giao; nhưng phong tính hiếu động, do đó cá tính không dễ ổn định, đa nghi đố kỵ, mẫn cảm hẹp hòi.
Do phong khí thông tới can, vì vậy người hình mộc dễ có bệnh tật về can đởm; lại can phong nội động, dễ bị vấn đề cao huyết áp, trúng phong (đột quỵ), dị ứng… Phong tính dễ biến, do đó dễ mắc vấn đề trên phương diện thần kinh mất thăng bằng, như chứng trầm cảm, rối loạn thần kinh chức năng…
Người hình Mộc do tính nóng vội hiếu động, dương khí hao tán, do đó thọ mệnh rút ngắn, trên phương diện dưỡng sinh nên tĩnh dưỡng sinh tức (làm cho sinh trưởng), điều chỉnh tâm thái, tránh say rượu, chú ý phòng tránh cao huyết áp, đột quỵ… Thực phẩm có thể bổ sung: Táo, bơ, bưởi, cà chua, cà rốt…
Theo onesiteworld.com
Liên Hoa