Đại Kỷ Nguyên

Dưỡng sinh theo quy luật vận hành 12 kinh lạc của cơ thể người

Các kinh lạc trong cơ thể chúng ta là cái gốc của sinh mệnh, chúng lại vận hành có quy luật rõ ràng. Vì vậy, việc hiểu và thực hành lối sống thuận theo quy luận vận hành của các kinh lạc là mở cánh cửa cho sức khỏe chúng ta. Dưới đây xin trình bày lại quy luật vận hành của 12 kinh lạc cùng những hướng dẫn cụ thể hữu ích trong sinh hoạt hàng ngày.

1. Thủ thái âm phế kinh

Thủ thái âm phế kinh

Giờ Dần (từ 3 – 5 giờ): Phế kinh vượng. Giờ dần ngủ tốt thì sắc hồng tinh khí đủ.

“Phế hướng về trăm mạch”. Phế vào giờ Sửu đưa máu huyết vào giai đoạn mới, máu mới cung cấp cho phế, rồi qua phế đưa đến toàn thân. Vì thế sắc mặt vào sáng sớm thường hồng hào, tinh lực dồi dào.

Người bị bệnh phổi sẽ phát mạnh nhất vào giờ Dần, ví như ho hay thở khò khè làm tỉnh ngủ.

Chứng thực: Chướng bụng, dễ táo bón, dễ bị trĩ, lưng và vai khó chịu, đau răng, da dẻ khác thường, thượng quản khác thường…

2. Thủ dương minh đại tràng kinh

Thủ dương minh đại tràng kinh

Giờ Mão (5 – 7 giờ): Đại tràng kinh vượng. Giờ Mão đại tràng hoạt động thải chất độc và cặn bã.

“Phế và đại tràng tương quan biểu lý”. Phế mang máu mới phân bố khắp toàn thân, giúp đại tràng đi vào trạng thái hưng phấn, hoàn thành quá trình hấp thụ dinh dưỡng và nước trong đồ ăn, thải chất cặn bã. Sáng sớm sau khi dậy là thời gian đại tiện rất tốt.

Chứng thực: Dễ đói, dạ dày yếu, xương khớp khác thường, thèm ăn, miệng khô, dễ táo bón.

Dưỡng sinh: Tranh thủ dậy sớm và uống một ly nước ấm, sau đó vào nhà vệ sinh thải những chất cặn bã tích trữ cả ngày hôm trước! Tuy nhiên cũng không nên vào nhà vệ sinh quá sớm, vì có nhiều người già bị trúng gió vì nguyên nhân này. Nên nghỉ ngơi khoảng 10 – 20 phút cho đầu óc tỉnh táo rồi đi. Lời khuyên về đồ ăn: cà tím, rau chân vịt, chuối, nấm, mộc nhĩ, ngô, đậu cô-ve, đậu Hà Lan…

3. Túc dương minh vị kinh

Túc dương minh vị kinh

Giờ Thìn (7 – 9 giờ): Vị kinh vượng.

Giờ Thìn ăn sáng, ổn định dinh dưỡng cơ thể. Ăn sáng vào giờ này dễ tiêu hóa, hấp thu cũng tốt. Ăn sáng có thể dùng đồ ăn nhẹ giúp bảo vệ dạ dày, như cháo, ngũ cốc, bánh bao… Đồ ăn quá khô nóng sẽ làm nóng dạ dày khiến môi khô nẻ, nhiệt… Còn nhịn ăn sáng sẽ dễ bị bệnh tật.

Chứng thực: Tỳ vị bất hòa, tiêu hóa và hấp thu không tốt sẽ dễ sinh đầy bụng, đau đầu, mệt mỏi, xương khớp khó chịu, bài tiết khác thường…

Dưỡng sinh: Chú ý ăn sáng. Nếu bao tử đói sẽ không ngừng tiết axít dạ dày, lâu dần sẽ gây loét dạ dày, viêm dạ dày, tá tràng, túi mật… Sau khi ăn khoảng một giờ có thể mát xa kinh vị giúp điều tiết công năng dạ dày.

4. Túc thái âm tỳ kinh

Túc thái âm tỳ kinh

Giờ Tỵ (9 – 11 giờ): Tỳ kinh vượng, cơ thể tạo máu.

“Tỳ chủ vận hóa, tỳ thống huyết”. Tỳ là cơ quan điều hành toàn bộ việc tiêu hóa, hấp thu, bài tiết, lại quản về máu. “Tỳ khai khiếu ra miệng, phát ở môi”. Công năng của tỳ tốt thì việc hấp thu và tiêu hóa cũng tốt, chất lượng máu cũng tốt, môi sẽ hồng mịn. Môi trắng cho thấy khí huyết không đủ, môi thâm cho thấy khí lạnh nhiễm kinh tỳ.

Dưỡng sinh: Tỳ vị bất hòa, tiêu hóa và hấp thu không tốt, tỳ hư khiến trí nhớ suy giảm… Đây là thời gian kinh tỳ vận hành khai huyệt, cũng là thời gian bảo vệ tỳ tốt nhất. Kiến nghị nếu có điều kiện hãy dành cho bữa trưa nhiều lựa chọn về món ăn: đậu cô-ve, khoai lang, khoai tây, đậu hũ, rau cần tây… Trái cây có thể chọn táo, cam, quýt… Nước trà có thể chọn trà xanh, trà hoa nhài, mật ong…

5. Thủ thiếu âm tâm kinh

Giờ Ngọ (11 – 13 giờ): Tâm kinh vượng. Giờ Ngọ nên nghỉ ngơi để an thần dưỡng tinh khí.

“Tâm chủ thần minh, khai khiếu ở lưỡi, phát ở mặt”. Tim đẩy máu vận hành, dưỡng thần, khí, và cơ bắp. Một giấc ngủ ngắn vào giờ Ngọ có tác dụng dưỡng tim rất tốt, giúp buổi chiều tối sinh lực tràn đầy.

6. Thủ thái dương tiểu tràng kinh

Giờ Mùi (13 – 15 giờ): Tiểu tràng kinh vượng. Giờ Mùi phân trong đục, uống nước giúp hạ hỏa.

Tiểu tràng phân chia trong đục, đưa nước thải về bàng quang, cặn bã về đại tràng, chất tinh túy lên tỳ. Tiểu tràng kinh vào giờ Mùi điều hòa dinh dưỡng trong ngày. Nếu tiểu tràng kinh nóng sẽ dễ ho khan, trung tiện. Lúc này uống nhiều nước, uống trà có lợi cho tiểu tràng thải độc hạ hỏa.

7. Túc thái dương bàng quang kinh

Túc thái dương bàng quang kinh

Giờ Thân (15 – 17 giờ): Bàng quang kinh vượng. Giờ Thân nước miếng đủ thì cơ thể dưỡng âm tốt.

Bàng quang chứa nước thải và nước miếng, nước thải bài tiết ra khỏi cơ thể, nước miếng tuần hoàn trong cơ thể. Nếu bàng quang nóng sẽ tiểu són. Giờ Thân nhiệt độ cơ thể nóng, người âm hư là nổi rõ nhất. Lúc này vận động sẽ hỗ trợ tuần hoàn nước miếng trong cơ thể, uống nước trà “bổ âm hạ hỏa” hỗ trợ rất tốt cho người âm hư.

8. Túc thiếu âm thận kinh

Túc thiếu âm thận kinh

Giờ Dậu (17 – 19 giờ): Thận kinh vượng. Thận tàng tinh, giờ Dậu nạp nguyên khí mạnh.

“Thận chứa tinh chất của sinh sản và tinh chất của lục phủ ngũ tạng. Thận là cái gốc tiên thiên”. Khi qua giờ Thân cơ thể hạ hỏa thải độc, đến giờ Dậu thận tới lúc tích chứa tinh hoa. Lúc này không thích hợp cho những hoạt động mạnh, cũng không hợp uống nước nhiều.

9. Thủ quyết âm tâm bao kinh

Thủ quyết âm tâm bao kinh

Giờ Tuất (19 – 21 giờ): Tâm bao kinh vượng, giảm áp lực để tim dễ chịu.

“Tâm bao kinh là lớp da mỏng bên ngoài tim, bên cạnh có mạch, đường thông khí huyết. “Tà” không được vào, nếu không tim sẽ tổn thương”. Tâm bao kinh là bộ phận màng ngoài để bảo vệ tim, cũng là đường thông khí huyết. Tâm bao kinh vào giờ Tuất vượng nhất, giúp loại bỏ những nhân tố gây bệnh xung quanh tim để tim đạt trạng thái tốt nhất. Lúc này cần giữ tâm trạng đặc biệt thoải mái, có thể đọc sách, nghe nhạc, đi spa, khiêu vũ… để thả lỏng tâm trạng, giải tỏa áp lực.

10. Thủ thiếu dương tam tiêu kinh

Giờ Hợi (21 – 23 giờ): Tam tiêu kinh vượng, là giờ thông bách mạch.

Tam tiêu là tạng phủ lớn nhất trong lục phủ ngũ tạng, chủ về khí và có công dụng thông nước. Giờ hợi tam tiêu có thể thông bách mạch, vì thế ngủ vào giờ này là cách dưỡng sinh rất tốt, có lợi cho sức khỏe và giữ dung nhan. Đặc điểm chung của nhiều người già là ngủ vào giờ Hợi. Người hiện đại nếu không thể ngủ vào giờ này thì nên nghe nhạc, đọc sách, xem phim, luyện yoga. Tuy nhiên tốt nhất là không để qua giờ hợi mới ngủ.

11. Túc thiếu dương đảm kinh

Giờ Tý (23 – 1 giờ): Đảm kinh vượng. Giờ Tý ngủ đủ thì không bị thâm quầng mắt.

Lý luận Trung y cho rằng: “Khí dư của gan tiết vào mật, tụ lại thành tinh (dịch mật)”. Người ngủ trước giờ Tý thì mật hoàn thành trao đổi chất. Dịch mật sung túc thì não bộ tỉnh táo. Người ngủ trước giờ Tý thì sáng dậy đầu óc minh mẫn, khí sắc hồng hào, không bị thâm quầng mắt. Ngược lại, trong giờ Tý không ngủ thì khí sắc nhợt nhạt, thâm vành mắt. Ngoài ra, vì dịch mật thải độc không tốt nên dễ kéo theo kết tinh, kết thạch (sỏi mật).

12. Túc quyết âm can kinh

Túc quyết âm can kinh

Giờ Sửu (1 – 3 giờ): Can kinh vượng. Theo lý luận Trung y: can tàng huyết, khi nằm máu về can.

Nếu giờ Sửu không ngủ thì can sẽ tiếp tục phải chuyển vận năng lượng kích thích tư duy và hành động, việc trao đổi chất bị ảnh hưởng. Vì thế trước giờ Sửu không đi vào giấc ngủ thì sắc mặt xanh xám, tâm trạng uể oải, dễ bị bệnh gan và mặt đốm rỗ.

Chứng hư: Khả năng miễn nhiễm của da suy giảm, trời lạnh tay chân dễ tê lạnh, cổ họng khô, ho khan…

Chứng thực: Hơi thở không thông, cổ họng khó chịu, tức ngực, thở khò khè, viêm amidan, ho, đau mỏi vai, dễ bị bệnh trĩ…

Dưỡng sinh: Lúc này cơ thể cần nhiều dưỡng khí, cần thở sâu, vì thế mà phải ngủ sâu. Nếu lúc này không thể ngủ thì tốt nhất hãy uống ly nước ấm cho cơ thể dễ chịu và để phổi không bị khô.

Theo NTDTV

Tinh Vệ biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version