Chế độ ăn uống ít calo, tăng chất xơ, kết hợp luyện tập thể dục, nghỉ ngơi… giúp người bệnh tiểu đường kiểm soát đường huyết, tránh các biến chứng nguy hiểm.
Tiểu đường (đái tháo đường) là bệnh để lại những tổn thương nặng nề và kéo dài đối với sức khỏe.
Để kiểm soát đường huyết, người mắc tiểu đường nên duy trì những thói quen dưới đây:
Chế độ ăn ít calo, tăng chất xơ
Chế độ ăn hợp lý cho cơ thể sẽ giúp kiểm soát bệnh tiểu đường và điều chỉnh mức độ glucose trong cơ thể tối đa. Nên thường xuyên ăn nhiều rau củ không chứa tinh bột như cải bắp, giá đỗ, dưa chuột… để cân bằng dinh dưỡng.
Kết hợp ăn các thực phẩm chứa carb chậm giải phóng mà không làm tăng lượng đường trong máu, như ngũ cốc nguyên hạt, các cây họ đậu.
Hơn nữa, chế độ ăn uống của bạn cần phải có nhiều protein ít béo (pho mát, trứng, sữa chua, đậu nành), các chất béo lành mạnh (bơ và quả hạch), các loại trái cây và rau củ có nhiều chất xơ (quả mọng và bông cải xanh).
Các chuyên gia khuyến cáo, nên ăn bữa sáng giàu protein và ít carbs, và ăn ít vào bữa tối giúp điều chỉnh lượng đường tự nhiên trong máu.
Bổ sung trái cây họ cam quýt
Trái cây họ cam quýt có thuộc tính chống oxy hóa và kháng viêm giúp chống lại các tổn thương do gốc tự do, tăng độ nhạy insulin của tế bào.
Uống trà xanh
Trà xanh chứa polyphenols và polysaccharides giúp giảm nồng độ đường huyết hiệu quả. Trà xanh cũng hỗ trợ kiểm soát đường huyết.
Không nên uống nước ngọt (soda)
Uống nhiều soda có thể khiến bạn tăng cân và giảm khả năng hấp thu glucose. Do đó, những người bị tiểu đường nên tránh uống soda cũng như các loại nước ép trái cây.
Uống nước thường xuyên
Để kiểm soát bệnh tiểu đường tự nhiên tại nhà, hãy uống nhiều nước. Nước giúp điều hòa và cân bằng nồng độ đường huyết.
Ăn bữa nhỏ và không bỏ bữa
Với những người mắc bệnh tiểu đường, bỏ bữa có thể dẫn đến hạ đường huyết, cơ thể mệt mỏi, thiếu năng lượng… Do đó, bạn nên chia thành nhiều bữa nhỏ ăn trong ngày.
Thư giãn, tránh stress
Dù bạn có chế độ ăn uống cân bằng, tập thể dục và dùng thuốc ổn định, nhưng khi căng thẳng tinh thần sẽ gián tiếp làm tăng lượng đường trong máu.
Căng thẳng và lo âu làm tăng nồng độ hoóc-môn stress norepinephrine và cortisol làm tăng lượng đường huyết trong cơ thể. Các nghiên cứu đã chỉ ra, căng thẳng, lo âu, sợ hãi hoặc các cảm xúc khác, hoạt động thần kinh giao cảm bị hưng phấn, ức chế trực tiếp việc bài tiết insulin.
Thư giãn là cách điều chỉnh tâm lý. Một thái độ sống tốt có tác dụng tích cực để phòng ngừa bệnh tiểu đường.
Tập thể dục thường xuyên
Một trong những cách tốt nhất để kiểm soát tiểu đường là duy trì việc tập luyện thường xuyên. Đi bộ nhanh, tập yoga hay các hình thức tập luyện khác… giúp kiểm soát cân nặng, phòng ngừa tiểu đường.
Phương Nam