Khoa Hô hấp bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, đã gắp thành công mảnh xương trong phế quản cho bệnh nhân T.V.T (63 tuổi, Tp.Cần Thơ) bị hóc trước đó 6 tháng.
Theo Thanh Niên, khoảng 6 tháng trước, ông T. có ăn hủ tiếu xương, sau đó có cảm giác vướng ở cổ và ho khan nhiều.
Ông T. đã khám và điều trị nhiều nơi nhưng bệnh vẫn tái lại nhiều lần. Sau đó, ông T. đến khám tại bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ.
Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi do tắc nghẽn trong tình trạng sốt, ho đàm đục, nặng ngực phải (P), được chỉ định nhập viện điều trị.
Nghi ngờ bệnh nhân có dị vật đường thở, các bác sĩ đã chỉ định nội soi phế quản. Kết quả, ngay lỗ phế quản thùy dưới bên phải có 1 mảnh xương kích thước 10x10mm. các bác sĩ đã dùng kìm gắp dị vật thành công, đồng thời bơm rửa và lấy dịch xét nghiệm.
Trước đó, ngày 17/7, các bác sĩ khoa Tai – Mũi – Họng bệnh viện Đà Nẵng, đã phẫu thuật gắp ra khỏi cơ thể anh Huỳnh Ngọc Diễm (45 tuổi, Quảng Ngãi) mẩu xương lợn nằm dưới thùy đáy phổi trái hơn 1 năm do ăn bún thịt lợn.
Ths.Bs Cao Thị Mỹ Thúy, Trưởng khoa Hô hấp trao đổi với Sức Khỏe & Đời Sống, dị vật đường thở bỏ quên thường gặp nhiều hơn ở người lớn tuổi. Đôi khi lúc hóc dị vật, các triệu chứng xâm nhập không rõ ràng, điển hình như viêm phổi tái đi tái lại nhiều lần.
Dị vật đường thở bỏ quên lâu ngày sẽ gây ra các biến chứng như viêm phổi tái diễn, áp xe phổi, chít hẹp phế quản…
Do đó, nếu nghi ngờ bị dị vật đường thở, cần được phát hiện và can thiệp ngay, lấy bỏ dị vật càng sớm càng tốt để tránh các biến chứng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Lan Phương