Đại Kỷ Nguyên

Mặt trái của ghép tạng, những điều có thể bạn chưa biết

Y học hiện đại cho rằng khi tạng bị suy, thì giải pháp tối ưu nhất là ghép thay thế. Suy thận, ghép thận; suy gan, ghép gan… Và nhiều bệnh nhân vẫn đang mòn mỏi chờ đợi để được ghép tạng, nhưng thực tế còn nhiều điều mà các bác sĩ chưa phổ biến cho họ.

Thời gian gần đây giới truyền thông trong nước đưa nhiều thông tin về sự thành công của một số ca ghép tạng tại Việt Nam, cho rằng kỹ thuật ghép tạng của Việt Nam đã ngang bằng với thế giới, đồng thời cũng cổ vũ việc hiến tặng nội tạng cho hàng ngàn người đang có nhu cầu. Suy tạng là điều rủi ro không ai muốn, tuy nhiên trước khi quyết định ghép tạng (hoặc ngay cả cho tạng), thì bất kỳ ai cũng đều nên nắm được một số thông tin sau.

1. Người cho ít, người cần nhiều, có thể phải mất nhiều năm chờ đợi để có tạng phù hợp

Theo thống kế của một số bệnh viện lớn tại Việt Nam, ước tính hiện nay có khoảng 16.000 người bệnh bị suy chức năng gan, phổi, tim, thận… đang chờ tạng để được ghép, và có khoảng 6.000 người đang chờ ghép giác mạc. Vì số người cho hiến tặng ít ỏi nên mỗi năm số ca ghép tạng được thực hiện cũng không nhiều, khoảng trên 100 ca ghép thận, và rất ít đối với những nội tạng khác. Nhìn chung số người hiến tạng ít vì tâm lý muốn ‘chết toàn thây’ bắt nguồn từ văn hóa tâm linh xa xưa, do đó người ta không sẵn sàng nguyện ý cho đi nội tạng sau khi chết. Thực ra không chỉ tại Việt Nam mà ở các nước phương Tây không có cùng văn hóa này, thì số người hiến tạng cũng rất ít.

Ngay tại Mỹ, nơi có hệ thống tiếp nhận tạng cho hiến chuyên nghiệp từ lâu, thì cũng cần khoảng 3 năm để được ghép thận, gần 2 năm để được ghép gan.

2. Cảnh giác với nguồn tạng ‘phi pháp, phi nhân tính’

Xuất phát từ sự khan hiếm của nguồn cung tạng, một số cá nhân tự mình (hoặc thông qua môi giới) rao bán nội tạng (thường là bán một quả thận) vì lý do khó khăn tài chính trong cuộc sống, để trả học phí, hay thậm chí là để mua điện thoại Iphone đời mới (!). Đây là loại giao dịch bị pháp luật cấm, nhưng có thể được các bên dàn dựng theo nhiều cách. Một số vấn đề tai biến đã xảy ra cho cả người cho thận và người nhận do không được sàng lọc và chăm sóc kỹ càng khi cho nhận.

Có thể người bệnh được mời chào ghép tạng tại Trung Quốc với giá hấp dẫn và không yêu cầu thời gian chờ đợi lâu. Tuy nhiên, theo điều tra của nhiều tổ chức quốc tế, thì tuyệt đại đa số các bệnh viện tại Trung Quốc sử dụng nguồn tạng phi pháp, mổ cướp từ những tù nhân lương tâm, tù chính trị… dưới sự bảo hộ của nhà nước, thực hiện chủ yếu trong (hoặc liên kết với) các bệnh viện của quân đội để phục vụ cho ngành công nghiệp ghép tạng phát triển tăng vọt trong thời gian vừa qua.

Theo kết quả điều tra, giới chức y tế Trung Quốc lý giải rằng nguồn tạng thu được từ những người tử tù tự nguyện, nhưng số ca ghép tạng thực hiện nhiều hơn so với số tử tù hàng chục ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn trường hợp.

Xem thêm: Kết luận đã được xác thực: Trên 2 triệu người đã bị chính quyền Trung Quốc mổ lấy nội tạng sống

Có thời điểm các bệnh viện của Trung Quốc có niêm yết đường dây nóng, công bố giá của từng bộ phận (giác mạc 30.000 USD, tim 130.000-160.000 USD, thận 62.000 USD,…) và cam kết đảm bảo thời gian cung cấp cực ngắn, chỉ khoảng 3 ngày đến 1 tuần. Cũng có thời điểm các bệnh viện Trung Quốc quảng cáo khuyến mãi tạng, điều này chưa hề có trong lịch sử ngành ghép tạng thế giới.

Các cơ quan điều tra cũng xác nhận tại Trung Quốc có một hệ thống giết người đang còn sống (đặc biệt là các học viên tu luyện khí công Pháp Luân Công) để thu hoạch tạng, sau đó tiêu hủy xác, hoặc ép nhựa xác để xuất khẩu sang các nước khác. Hiện nay, một số nước như Đài Loan, Ý, Úc đã thông qua luật cấm công dân của nước mình đi du lịch sang Trung Quốc để ghép tạng, đồng thời tiến hành vạch trần hành động này trên khắp thế giới để phản đối chính sách tàn bạo của chính quyền Trung Quốc.

Xem thêm: Trung Quốc trở thành nơi xuất khẩu xác chết số một thế giới như thế nào?

Ngay tại Việt Nam, hàng chục người đã ký tên thỉnh nguyện để cùng phản đối hành động dã man này. Đây là nguồn tạng phi pháp, do giết người khác mà có, tuyệt đối không nên tham gia tiếp tay cho tà ác.

Xem thêm: 

Thêm vào đó, các điều tra cũng cho hay, nhiều giao dịch được thực hiện bằng tiền mặt và không có hóa đơn tài chính, các ca ghép diễn ra nhanh chóng nhưng trong điều kiện cơ sở vật chất yếu kém vì vậy đã xảy ra nhiều tai biến.

3. Có tạng phù hợp nhưng cũng cần một nguồn tiền lớn

Một khi có được một nguồn cho tạng phù hợp, người bệnh cần có sẵn một khoản tiền lớn (hoặc rất lớn) để chi trả cho các ca ghép, có thể là từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng, và có thể còn cần nhiều hơn nữa. Sau khi cấy ghép, người bệnh cần tiếp tục được điều trị, sử dụng thuốc chống thải ghép suốt quãng đời còn lại, đó cũng sẽ là một khoản chi phí lớn.

Một ca cấy ghép tạng ở bệnh viện Nhi đồng 2 (Ảnh: laodong.com.vn)

4. Ghép tạng là việc cực kỳ khó, thành công bước đầu không có nghĩa là yên ổn đến hết đời

Ghép tạng được đánh giá là kỹ thuật công nghệ cao, Việt Nam đi sau các nước phát triển khoảng 50 năm, thời gian gần đây có đạt được những thành công nhất định nhưng chỉ là tại một số bệnh viện lớn, số lượng ca ghép còn hạn chế.

Ca ghép thành công, người bệnh mỉm cười sau đó, nhưng không có gì đảm bảo rằng sự thành công đó sẽ kéo dài bao nhiêu lâu. Họ phải đối mặt với quá trình thải ghép, cơ thể bài trừ nội tạng của người khác (mặc dù đã tìm tạng từ nguồn có các chỉ số sinh học tương thích nhất) là một quá trình tự nhiên. Hệ miễn dịch nhận ra rằng các mô, tạng được ghép mới là những ‘kẻ lạ’, không thuộc về cơ thể, do đó liên tục cố gắng đào thải. Để chống lại quá trình đó, các bác sĩ cần đến các loại thuốc cũng rất tốn kém để ức chế hệ miễn dịch. Tuy nhiên hiệu quả của thuốc tùy thuộc từng người, và người bệnh rất dễ bị các tác dụng phụ nguy hiểm khác.

5. Tỉ lệ đào thải ghép cao, sau 5 năm còn lại bao nhiêu?

Sau khi ghép, hệ miễn dịch luôn tìm cách thải bỏ phần tạng mới. Việc dùng thuốc chống thải ghép giúp duy trì sự sống cho bệnh nhân nhưng hiệu quả phụ thuộc vào nhiều yếu tố: sức khỏe người bệnh, tuổi, chất lượng của tạng…

Theo nghiên cứu thống kê, sau 5 năm cấy tụy, có 57% số bệnh nhân còn giữ được tuyến tụy hoạt động, nghĩa là gần một nửa sẽ cần đến ca ghép thứ 2. Tỉ lệ này đối với ghép phổi là gần như 50/50. Đối với ghép gan thì còn lại được 70% số người bệnh, và với thận là 80%. Tỉ lệ này đặc biệt sụt giảm đi nhiều trong 5 năm tiếp theo, do vậy kỳ vọng sống cho các bệnh nhân ghép thường được tính là 3-5 năm.

6. Nguy cơ bị các bệnh khác

Một trong những căn bệnh mà người ghép tạng có nguy cơ mắc phải là bệnh tiểu đường. Sau ghép tạng, người bệnh thường phải dùng thuốc ức chế hệ thống miễn dịch suốt phần đời còn lại của mình, đây lại là một nguy cơ cho các bộ phận cơ thể khác. Khi hệ thống miễn dịch bình thường bị suy yếu, người bệnh dễ bị nhiễm bệnh hơn, nhất là các bệnh thông thường như cảm lạnh, cảm cúm… Người suy tạng vốn đã có sức khỏe kém, hệ miễn dịch kém, do đó thân thể càng mỏng manh và nhạy cảm với các yếu tố khác. Các thuốc có tác dụng ức chế hệ miễn dịch trong ngành ghép tạng có thể gây ra các phản ứng phụ, làm người bệnh mất ngủ, thần kinh kích động, rậm lông, phù nề, tăng huyết áp, hay gây ra bệnh tiểu đường…. Trong những trường hợp này việc ngưng sử dụng thuốc là không thể.

Ngoài ra, rủi ro còn đến từ các căn bệnh ẩn bên trong tạng mà các xét nghiệm có nguy cơ bỏ qua, đặc biệt một số bệnh nhiễm virus.

7. Người cho tạng cũng có rủi ro

Mặc dù người ta ít nói đến rủi ro cho phía người cho tạng nhưng không phải là họ đều an toàn tuyệt đối. Không tính đến những trường hợp giao dịch phi pháp, hoặc giết người cướp tạng như của chính quyền Trung Quốc, thì người cho tạng cũng có thể gặp tai biến, có khi là tử vong dù tỉ lệ có thể nhỏ. Cơ thể người tự nhiên vốn hết sức cân bằng và hoàn hảo, khi một bộ phận thân thể bị mất đi thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các chức năng sinh lý bên trong. Một số trường hợp xác nhận họ bị những chứng đau mãn tính sau khi cho thận. Tuy nhiên khi được phỏng vấn, đa số những người này đều không tỏ ra hối tiếc vì điều đó.

Mạnh Lạc

Xem thêm:

Exit mobile version