Đại Kỷ Nguyên

Ghi nhớ ‘hai nhiều ba ít’ để tránh xa đau khổ của bệnh Gout vào mùa đông

Gout hay thống phong là loại viêm khớp mãn tính thường gặp ở nam giới. Khi các đợt viêm cấp phát tác, gây đau đớn và sưng đỏ ở khớp bàn tay, bàn chân làm hạn chế hoạt động thường ngày và ảnh hưởng tới sinh hoạt của bệnh nhân.

Vào mùa đông, nhiệt độ ngoài trời thấp nên cơ thể ít toát mồ hôi, đi tiểu ít, từ đó giảm thiểu bài tiết lượng axit uric và tích tụ nhiều muối urat hơn. Những người coi trọng dưỡng sinh và chăm sóc sức khỏe sẽ tận dụng thời điểm tốt để bồi bổ. Việc hấp thụ các loại thức ăn nhiều purin như gan động vật, cá, tôm, dăm bông… làm axit uric tăng cao hơn. Ngoài ra, sự hàn lạnh của thời tiết cũng làm giảm tuần hoàn máu, các tinh thể muối cũng dễ kết tinh ở khớp hơn. Do đó, đây là mùa cao điểm của bệnh, khởi phát nhanh, đau dữ dội gia tăng ở người bệnh.

Những năm gần đây, tuổi trung bình mắc bệnh của bệnh nhân Gout đã hạ xuống, có nhiều người trẻ tuổi cũng bị mắc. Theo các dữ liệu thống kê, những nhóm người sau đây có nguy cơ cao:

Gout là một bệnh lý rối loạn chuyển hóa purin làm tăng acid uric máu dẫn đến ứ đọng tinh thể muối urat tại khớp gây viêm khớp (Ảnh: khoeonline.com)

1. Người béo phì

Thích ăn các loại thực phẩm có hàm lượng protein cao, không tập thể dục, thừa cân và thừa dinh dưỡng là điểm chung đối với hầu hết những người béo phì. Nhiều chất béo trong cơ thể vô hình trung làm tăng sự bài tiết purin và sinh bệnh gout. Lượng lớn chất béo tích tụ trong các cơ quan nội tạng cũng sẽ thúc đẩy sự gia tăng sản xuất axit uric. Ngoài ra, bệnh nhân béo phì có thể xuất hiện tình trạng kháng insulin, gây suy giảm chức năng thận làm cản trở việc thải axit uric và tích tụ lại trong cơ thể, tăng nguy cơ mắc bệnh.

2. Người thích ăn thịt và hải sản

Những loại thực phẩm giàu protein như nội tạng động vật, cá, tôm, hải sản, nước thịt, nước canh xương đều chứa hàm lượng purin cao, khi đi vào trong cơ thể có thể bị oxy hóa thành axit uric và tăng khả năng mắc. Thích ăn các loại thực phẩm này mà không tự biết kiểm soát số lượng có thể sẽ làm bạn dễ dàng trở thành mục tiêu của bệnh gout.

Theo giáo sư dinh dưỡng Lona Sandon tại Đại học Tây Nam Texas, nên cắt giảm hải sản trong chế độ ăn hàng ngày, đặc biệt khi đang bị những cơn đau của gout hành hạ. Bạn chỉ nên dùng ở mức tối thiểu thịt và hải sản từ 110 – 170g mỗi ngày.

3. Người nghiện rượu

Rượu tuy không phải là nguồn cung cấp purin chủ yếu, nhưng đây là đồ uống cần tránh cho người bị gout. Chất cồn trong rượu làm suy giảm chức năng hoạt động của gan thận, gây mất cân bằng trong chuyển hóa axit uric trong cơ thể. Bản chất của bệnh là do rối loạn chuyển hóa thành phần nhân của tế bào trong khẩu phần ăn. Do đó, những thực phẩm, đồ uống chứa nhiều nhân, nấm men là tối kỵ. Trong khi đó, bia là men tươi, bản chất là nấm men. Trong dòng bia, đặc biệt bia tươi, bia hơi lại càng chứa nhiều nấm men, đó chính là lý do người bệnh gout nên kiêng bia. Sau khi uống bia, cơn đau có thể đến rất nhanh và đau đớn. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ, những người uống 2 cốc bia mỗi ngày có tỷ lệ mắc cao gấp 2,5 lần người không uống. Vì vậy, cần chú ý kiểm soát để duy trì khoảng cách “an toàn” nhất định với bệnh dù chỉ 1 ly rượu vang nhỏ cũng nên từ bỏ.

Bia là thức uống tối kỵ với bệnh gout (Ảnh: kknews.cc)

4. Những người có tiền sử gia đình bị gout

Bất thường trong quá trình trao đổi chất và rối loạn chuyển hóa axit uric cũng có đặc điểm di truyền. Do đó, nếu trong gia đình, cha bạn có tiền sử bị bệnh, cần chú ý hơn đến lượng axit uric hấp thu vào cơ thể để không trở thành người tiếp theo mắc bệnh.

5. Người trung niên và người cao tuổi

Theo các dữ liệu lâm sàng, 40 đến 60 tuổi là giai đoạn đỉnh điểm dễ mắc gout. Đàn ông là những người có nguy cơ mắc cao, và tỷ lệ nam so với nữ là 20:1, đặc biệt nam giới ở độ tuổi trung niên có nhiều khả năng bị bệnh hơn. Đối với phụ nữ, nhiều người mắc sau khi mãn kinh. Những năm gần đây, do mức sống dần cải thiện, bệnh đã dần lan rộng sang cả giới trẻ.

Khi dần bước vào “giai đoạn có nguy cơ mắc bệnh cao” của mùa đông, để ngăn ngừa bệnh, cần chú ý thực hiện tốt “hai nhiều và ba ít”.

Hai nhiều bao gồm:

* Uống nhiều nước

Nhiệt độ mùa hè tăng cao cũng là thời điểm cần hấp thu lượng nước lớn vào cơ thể. Ngược lại, mùa đông lạnh giá làm nhu cầu cần uống giảm, từ đó làm tăng hàm lượng acid uric và quá trình thải độc gặp khó khăn. Vì vậy, cần chú ý uống nước nhiều vào thời điểm này để pha loãng cũng như đẩy nhanh quá trình bài tiết axit uric. Tất nhiên, cũng có thể uống các loại trà hỗ trợ chống bệnh gout như trà Bồ Công Anh…

Bệnh nhân bị gout nên uống nhiều nước nhất là vào mùa đông (Ảnh: health.tvbs.com.tw)

* Vận động nhiều

Lối sống ít vận động là một trong những yếu tố làm bệnh nặng hơn. Thường xuyên vận động không chỉ có lợi cho cơ thể, tâm thái mà còn có thể kiểm soát tình trạng. Nó còn có thể hỗ trợ giúp loại bỏ cholesterol, tiểu đường, huyết áp… Cái lạnh giá trong mùa đông, làm nhiều người lười vận động và tập thể dục, cộng thêm những buổi tụ tập ăn uống, hội họp cuối năm dễ gây tăng cân tạo điều kiện gout phát tác. Vì vậy, ngay cả trong những ngày đông lạnh giá, cũng cần tự kiểm soát miệng và thường xuyên vận động thể dục chân tay.

Ba ít bao gồm:

* Ăn ít lẩu

Một trong những sở thích đặc biệt trong mùa đông của mọi người là ăn lẩu. Tuy nhiên, một điều bạn không biết đó là ẩn chứa trong những nồi nước dùng, các loại thịt, hải sản là rất nhiều purin. Nếu chỉ thi thoảng ăn thì không lo lắng lắm, nhưng thường xuyên hấp thụ không kiểm soát, sẽ làm tăng lượng axit uric vào mùa xuân.

Nước dùng, thịt, và các loại hải sản trong lẩu đều chứa nhiều purine thường xuyên hấp thụ sẽ có nguy cơ tăng axit uric (Ảnh: storm.mg)

* Uống ít bia rượu

Giáo sư Tuhina Neogi, chuyên gia thấp khớp học tại Đại học Y Boston cùng các đồng nghiệp đã thực hiện một nghiên cứu trên 724 người Mỹ trưởng thành mắc bệnh trong đó 78% là nam giới. Các đối tượng tham gia đã hoàn thành bảng câu hỏi cách nhau vài tháng với nội dung về những đợt tấn công của bệnh, việc dùng thuốc, chế độ dinh dưỡng, sử dụng rượu, bia và vấn đề tập luyện.

Kết quả người mắc gout càng sử dụng rượu, bia nhiều thì nguy cơ bệnh phát tác trong 24 giờ sau đó càng cao. Khi chỉ dùng một thức uống duy nhất thì nguy cơ không thay đổi nhiều. Nhưng với việc sử dụng 1 – 2 loại đồ uống chứa cồn trong 24 giờ thì tỉ lệ bị phát tác tăng 36%. Với 2 – 4 loại đồ uống thì nguy cơ này tăng đến 50%.

Rượu là một trong những nguyên nhân tồi tệ nhất dẫn tới gout ở nam giới. Nếu thường xuyên uống 1 – 2 ly mỗi ngày thì bệnh phát tác cao hơn bình thường 138%. Uống 2 – 4 cốc bia thường xuyên làm tăng nguy cơ bệnh tới 75%.

* Thức đêm ít

Thức khuya không chỉ làm giảm hệ thống miễn dịch, mà còn làm tăng gánh nặng cho thận, dẫn đến axit uric không được bài tiết kịp thời, từ đó góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Do đó, “những cú đêm” phải chú ý đến việc đảm bảo một giấc ngủ khỏe mạnh để cách xa gout.

Theo Kknews
Kiên Định biên dịch

Exit mobile version