Mới đây, các bác sĩ bệnh viện Đại học Y dược Hoàng Anh Gia Lai đã gắp thành công đầu bút chì mắc kẹt trong phế quản khiến bé Ngô Nguyễn Phương Nhã (7 tuổi, Đắk Đoa) tím tái, suy hô hấp…
Ngay khi nhập viện, 10 y bác sĩ của bệnh viện đã hội chẩn, quyết định can thiệp bằng hình thức gây mê tĩnh mạch, nội soi phế quản.
Sau khoảng 20 phút cấp cứu liên tục, các y bác sĩ đã gắp thành công đầu bút chì ra khỏi phế quản bệnh nhân.
Hiện tại, tình hình sức khỏe của bé Nhã đã ổn định và có thể xuất viện trong 1 đến 2 ngày tới.
Ths. bác sĩ Nguyễn Thành Công – Phó Giám đốc của bệnh viện trao đổi với Tiền Phong, đây là trường hợp rất hiếm gặp. Nếu không được xử lý kịp thời bệnh nhân rất dễ bị tai biến dẫn đến tử vong.
Trước đó, bệnh viện Nhi Đồng 2, đã gắp thành công đầu bút chì mắc kẹt ở dưới thùy phổi phải của bé gái N.N.A. (7 tuổi, Quận 9) hơn một tháng. Bé A. nhập viện trong tình trạng ho có đờm hơn một tháng, uống thuốc nhưng không đỡ. Theo mẹ của bé A., bệnh nhi có thói quen hay cắn bút khi ngồi học.
Sau khi nội soi phế quản, các bác sĩ gắp thành công ngòi bút chì dạng lắp ghép. Nếu bệnh nhi A. không vào viện sớm, carbon trong đầu bút chì có thể gây kích thích tạo đờm nhớt, mủ nhiều hơn, gây viêm phổi nặng, hoại tử, áp xe phổi, nhiễm trùng huyết, theo VTC.
Các bác sĩ cảnh báo, phụ huynh không nên để con trẻ tiếp xúc với vật thể nhỏ hoặc ăn những thức ăn lớn.
Trẻ nuốt phải dị vật nếu không sơ cứu và điều trị kịp thời có thể gây áp xe thành sau họng, áp xe cổ, áp xe – thủng thực quản, tổn thương mạch máu…
Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu khó thở do nuốt dị vật cần đưa đến ngay bệnh viện để được cứu chữa kịp thời. Ngoài ra, khi xác định đúng trẻ bị hóc dị vật cần cẩn trọng trong quá trình vận chuyển vì dị vật có thể dịch chuyển vào đường thở gây nguy hiểm đến tính mạng.
(Tổng hợp)