Đến nay, số ca mắc sốt xuất huyết đã giảm hơn 30% so với năm ngoái, tuy nhiên số ca bị sốc nặng lại tăng đột biến do chủ quan khi mắc bệnh.
VTV đưa tin, theo thống kê của ngành y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 60.400 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 11 trường hợp tử vong.
Có thế thấy, so với năm ngoái, số ca mắc sốt xuất huyết đã giảm 30-40%, nhưng số ca bị sốc nặng lại tăng đột biến. Nếu như các năm trước các ca mắc sốt xuất huyết nặng thường rơi vào trẻ dưới 6 tuổi, năm nay những trường hợp này lại rơi vào độ tuổi từ 10-16. Đặc biệt, có trường hợp mắc bệnh tới 2 lần với các triệu chứng khác nhau.
Nguyên nhân là do chủ quan khi mắc bệnh dẫn tới các biến chứng nguy hiểm như xuất huyết đường tiêu hóa, suy gan, suy tim…
Theo TTXVN, báo cáo mới nhất của Sở Y tế Hà Nội, trong tuần từ ngày 17-23/9, trên địa bàn thành phố ghi nhận 136 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Từ đầu năm 2018 đến nay, toàn thành phố có 955 trường hợp mắc, giảm 96,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Từ ngày 15-25/9, toàn tỉnh Hà Nam ghi nhận 25 trường hợp có biểu hiện lâm sàng của bệnh sốt xuất huyết.
Tại Nghệ An, mới chỉ có huyện Diễn Châu xuất hiện sốt xuất huyết, đến nay toàn huyện có 31 ca mắc.
Tại các tỉnh thành phía Nam, dịch sốt xuất huyết cũng diễn biến phức tạp. Ghi nhận tại thành phố Cần Thơ đã có hơn 260 ca mắc sốt xuất huyết, và 600 ca mỗi tuần ở Tp.HCM.
Các chuyên gia cảnh báo, theo chu kỳ, số ca mắc sốt xuất huyết thường gia tăng và có nguy cơ bùng phát mạnh từ tháng 9-11 hằng năm.
Người bệnh cần đến ngay bệnh viện khi có những dấu hiệu cảnh báo bệnh sốt xuất huyết trở nặng dưới đây:
– Bồn chồn, kích thích vật vã hoặc li bì.
– Nôn nhiều.
– Đau bụng.
– Tiểu ít.
– Chảy máu chân răng, chảy máu cam…
Sốt xuất huyết lây truyền qua muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn). Khi muỗi đốt phải người có vi rút bệnh thì bản thân con muỗi này mang vi rút suốt đời và truyền sang thế hệ sau. Trứng của muỗi Aedes aegypti tồn tại rất bền vững trong môi trường khi bám chắc vào các giá thể như xô chậu, bể. Trứng muỗi Aedes aegypti chỉ nở 80% trong đợt ngập nước đầu, 20% nở tiếp trong các đợt ngập nước sau. Vì vậy, mầm bệnh tồn tại rất lâu.
Để chủ động phòng bệnh sốt xuất huyết, Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo mọi người nên thực hiện các biện pháp sau:
– Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
– Thả cá vào lu, chum, vại bể nước/hồ nước và dụng cụ chứa nước để diệt loăng quăng, bọ gậy. Thay rửa dụng cụ chứa nước thường xuyên.
– Ngủ mắc màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
– Khi bị sốt nên đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không nên tự ý điều trị tại nhà.
(Tổng hợp)