Đại Kỷ Nguyên

Giải mã Đông y: Dùng thuốc như dùng binh, lương y như lương tướng

“Dùng thuốc như dùng binh, lương y như lương tướng”. Đây là câu châm ngôn rất quen thuộc, nhất là trong giới các thầy thuốc Đông y. Nói chung, câu châm ngôn này thường được hiểu theo nghĩa “Người thầy thuốc muốn chữa được bệnh, cần nắm vững tính năng của các vị thuốc, như vị tướng nắm vững binh sĩ”.

Tuy đó là nội dung chủ yếu, hết sức quan trọng, song trên thực tế châm ngôn này còn bao hàm nhiều ý nghĩa và nội dung sâu xa khác nữa. Ở đây chỉ xin bàn luận thêm về một vài khía cạnh, trong mối quan hệ giữa phép dùng binh (binh pháp) với phương pháp dùng thuốc chữa bệnh.

1. Thận chiến – Thận trị

Dùng binh hay dùng thuốc, đều là những công việc vô cùng hệ trọng. Mục tiêu của việc dùng binh là chinh phục kẻ địch, bảo vệ quốc gia và lãnh thổ. Còn y đạo, làm thầy thuốc, là chữa bệnh, cứu người, tăng cường sức khỏe và kéo dài tuổi thọ.

Chiến tranh là việc lớn, gắn liền với sự tồn vong của quốc gia, nên Binh pháp chủ trương “thận chiến”: Dùng binh không thể không thận trọng. Cần suy nghĩ sâu xa, xem xét cẩn thận, như sách Binh pháp viết ” Binh giả, quốc chi đại sự, tử sinh chi đạo, tồn vong chi đạo, bất khả bất sát dã“.

Dùng thuốc chữa bệnh, liên quan đến sự sống chết của con người, nên khi dùng thuốc chữa bệnh, không thể không thận trọng, người xưa gọi đó là “thận trị”. Như Y thư viết “Nhân chi nhất thân vô xứ bất nghi cẩn hộ, nhi dược bất khả khinh thí dã” – Nghĩa là “Trong cơ thể con người, không có chỗ nào là không cần giữ gìn cẩn thận, nên không thể dùng thuốc một cách khinh suất “.

Hoa Đà chữa vết thương cho Quan Vân Trường (Ảnh minh họa)

2. Tri binh phi hiếu chiến – Không lạm dụng thuốc

Dùng binh hay dùng thuốc, đều là những việc bất đắc dĩ, không làm không được. Để giành thắng lợi trong chiến tranh, tốt nhất là không cần giao chiến, mà kẻ địch phải chịu khuất phục. Người giỏi binh pháp xưa nay không hiếu chiến (” Tự cổ tri binh phi hiếu chiến” ).

Chiến lược cao nhất là dùng mưu; cấp bậc thứ hai sau là ngoại giao; cuối cùng, mới là việc tấn công, đánh chiếm thành lũy. Như Binh thư viết “Thượng binh phạt mưu; kỳ thứ phạt giao; kỳ hạ công thành”.

Đạo làm thuốc cũng giống như vậy. Thuốc được chế ra để chữa bệnh, nhưng chỉ nên sử dụng khi bất đắc dĩ, không dùng không được (“Dược chi thiết dã dĩ công tật. Diệc bất đắc dĩ nhi hậu dụng“). Vì đã gọi là thuốc, thì ít nhiều đều là chất độc.

Thuốc bao giờ cũng có mặt lợi và mặt hại, không thể khinh suất hay sử dụng tùy tiện. Vì sinh mệnh con người vô cùng quý giá, hơn cả ngàn vàng (“ Nhân mệnh chí trọng, quý vu thiên kim”).

3. Biết người biết ta – Biện chứng thi trị

Binh thư viết “Tri bỉ tri kỷ, bách chiến bất đãi. Bất tri bỉ nhi tri kỷ giả, nhất thắng nhất phụ. Bất tri bỉ, bất tri kỷ, mỗi chiến tất đãi ” – Nghĩa là “Biết người biết ta, trăm trận không nguy. Không biết người chỉ biết mình, một thắng một thua. Không biết người, không biết mình, ắt bị thất bại “.

Làm thuốc chữa bệnh cũng như vậy, có “biết mình” (tri kỷ) mới biết sử dụng thuốc theo đúng phương pháp. Có “biết người” (tri bỉ), tức biết bệnh và hiểu người bệnh, thì chữa trị mới có hiệu quả.

Biết mình, nghĩa là phải tinh thông y lý và nắm vững tính năng, tức tứ khí ngũ vị và tác dụng, cũng như sự nghi kỵ của các vị thuốc. Muốn biết người, trước hết cần tiến hành “tứ chẩn”, nghĩa là dùng 4 phép “vọng – văn – vấn – thiết” (nhìn – nghe – ngửi, hỏi, xem mạch – sờ nắn) để khảo sát, chẩn đoán bệnh tình.

Phương pháp dùng thuốc trong Đông y không phải là “đối chứng dụng dược” (dùng thuốc chỉ chữa triệu chứng). Không đơn giản là hễ thấy phát sốt thì dùng thuốc thanh nhiệt tả hỏa để làm giảm thân nhiệt; hễ thấy bị ho thì dùng thuốc chỉ khái để chống ho; thấy có viêm nhiễm thì dùng thuốc lương huyết tiêu độc, … Đông y dùng thuốc theo nguyên tắc “Biện chứng thi trị”, nghĩa là cần căn cứ vào “chứng hậu”, tức căn cứ vào triệu chứng và những biểu hiện cụ thể ở người bệnh, mà chọn ra phương pháp chữa trị, bài thuốc thích hợp.

Nhà binh lấy “địch tình” (tình hình quân địch) làm “tư liệu”, tiến hành phân tích. Từ đó lập ra chiến lược và chiến thuật thích hợp. Còn người thầy thuốc, lấy các chứng trạng “biểu lý”, “hàn nhiệt”, “hư thực”, … ở người bệnh để “biện chứng cầu nhân” (phân tích triệu chứng để tìm ra nguyên nhân gây bệnh) và cơ chế của bệnh. Trên cơ sở đó mà lập ra phép trị, phương thuốc, vị thuốc thích hợp.

4. Tùy cơ ứng biến

Chiến trận không “nhất thành bất biến”. Không diễn biến theo “kịch bản”, phép tắc nhất định. Người chỉ huy chiến tranh, biết tùy cơ ứng biến, mới có thể chỉ đạo chiến trận chính xác, giành được thắng lợi. Như Binh thư viết “Binh vô thường thế, thủy vô thường hình. Năng nhân địch biến hóa giả, thủ chi thần” – Nghĩa là “Trận thế không diễn biến theo cách thông thường. Nước không có hình dạng cố định. Biết thích ứng với những biến động của quân địch, mới là sáng suốt“.

Thầy thuốc chữa bệnh, nếu chỉ biết tuân theo những quy tắc thông thường (tri thường), không biết ứng biến (tri biến), thì sẽ cứng nhắc. Nếu chỉ “tri biến” mà không “tri thường”, thì chữa bệnh cũng khó thu được kết quả mong muốn.

Sử sách còn ghi lại rất nhiều giai thoại, về sự thông biến của y gia, chỉ xin nhắc lại một trường hợp. Trong sách “Đông y lược khảo“, DS Đỗ Đình Tuân có ghi lại câu chuyện như sau:

“Vũ Hữu Khiếu là người làng Phú Văn, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, cuối thời Tự Đức. Ông tinh thông nho học, nhưng không chịu đi thi để làm quan. Nghiên cứu y thuật với lương tâm nhà nghề, cố tìm thuốc Nam thay thế cho thuốc Bắc. Theo ý kiến ông: Tạo hóa đã sinh ra dân tộc nào, thì ngay tại xứ ấy cũng có những thảo mộc, có thể chữa trị các bệnh phát sinh ở xứ ấy. Có điều, nhiều người làm thuốc thường lười biếng, không chịu tìm tòi nghiên cứu, chỉ quen dùng các phương thuốc và các vị thuốc cũ.

Vũ Hữu Khiếu sống giản dị, chỉ đi bộ, không bao giờ đi xe hoặc cưỡi ngựa, ăn uống hết sức thanh đạm. Quanh năm đi hết tỉnh này đến tỉnh khác, để chữa bệnh giúp người. Hầu như không bao giờ để ý đến tiền thù lao, nên dù đã từng chữa được nhiều bệnh hiểm nghèo cho các bậc đại phú, mà bản thân vẫn nghèo.

Một lần, có anh nông dân mắc chứng đau tức đã lâu năm, trải qua nhiều thầy thuốc mà không khỏi, nghe tiếng ông liền lại xin chữa giúp. Xem mạch xong ông nói: “Bệnh anh nguy lắm, không chữa thì chết đến nơi. Nhưng anh đã thành tâm tin thầy, bảo sao cũng phải nghe, đòi sao cũng phải làm, thì ta mới cứu giùm cho”. Anh nông dân đáp: “Cụ dậy thế nào con cũng xin vâng”. Ông nói: “Nghe nói giống hành ở làng anh tốt lắm, ta đòi anh lễ một thúng hành trước khi cho thuốc, hành ấy phải để nguyên cả lá và chính anh phải đội sang đây mới được”.

Anh nông dân hết sức tin thầy, hôm sau chịu khó đội một thúng hành đầy, đi bộ ba bốn cây số đem sang lễ thầy. Nhưng sang tới nơi ông đòi thêm một thúng nữa. Ngày thứ hai bệnh nhân đến ông kiếm cớ chê xấu, lại đòi thêm một thúng thứ ba. Bệnh nhân cắn răng bấm bụng chiều ý thầy lang, nhưng bụng bảo dạ nếu lần này mà chưa chịu kê đơn thì không thèm nhờ nữa và sẽ đòi lại 2 thúng hành kỳ trước.

Qua ngày thứ ba, bệnh nhân vừa đặt thúng hành xuống ông hỏi: “Bệnh đau tức của anh mười phân đỡ được 7, 8 rồi phải không?”. Bệnh nhân ngẫm nghĩ một lúc rồi đáp: “Quả thật thế, bệnh đã bớt nhiều lắm, nhưng thỉnh thoảng vẫn thấy đau tức và rất khó chịu”. Ông cười nói: “Thế là ta chữa khỏi bệnh đau tức cho anh rồi đó. Ba thúng hành kia ta trả lại anh cả ba, đem về với cái đơn có mấy vị thuốc này, cứ uống độ 3 thang là khỏi hẳn”.

Thì ra ông đã dùng mẹo, đã vận dụng nguyên tắc “nhân thời, nhân địa, nhân nhân” hết sức linh hoạt. Đội thúng hành, cũng là một phương pháp chữa chứng đau tức hữu hiệu. Cơ chế bệnh ở đây là “bất thông tắc thống” (không thông, bị nghẽn tắc thì sinh ra đau). Đầu là nơi hội tụ của kinh mạch, tại đỉnh đầu có huyệt “bách hội”, là huyệt “hội” của mạch Đốc, thông với 6 kinh dương. Hành có vị cay, tính ấm; có tác dụng tán hàn thông dương, chủ trị phong hàn cảm mạo, âm dương cách cự. Lấy cái khí ấm của hành, vận từ huyệt “bách hội” xuống, để làm tan những chỗ nghẽn tắc. Kinh mạch thông, thì hết tức đau. “.

Chỉ cần qua câu chuyện kể trên, đã có thể nhận thấy, trong quá trình chữa bệnh cứu người, để có thể thông biến một cách linh hoạt, đạt tới trình độ ” Lương y như lương tướng “, giành toàn thắng với tổn thất thấp nhất, chữa khỏi được bệnh mà ít tốn kém nhất đối với bệnh nhân, người thầy thuốc không những phải tinh thông y lý, mà còn phải là một người từng trải, am hiểu nhân tình, và chủ yếu là có một trái tim nhân từ, như người mẹ hiền .

Lương y THÁI HƯ

Theo thuocvuonnha.com

Exit mobile version