Đại Kỷ Nguyên

Giải mẫn cảm cứu bé trai 5 tuổi phản vệ với thuốc điều trị ung thư 

Bé Nguyễn V. A. (5 tuổi) mắc u tế bào mầm bị phản vệ với thuốc điều trị ung thư, đã được các bác sĩ bệnh viện Nhi Trung ương dùng phương pháp giải mẫn cảm cứu sống.

Cụ thể, ở liệu trình đầu tiên, bé không có biểu hiện bất thường. Tuy nhiên, trong đợt 2 khi mới truyền thuốc Epotosid được 3 phút, bé A. có triệu chứng phản vệ: nổi ban, mạch nhanh, khó thở, lượng oxy bão hòa trong máu giảm (SpO2 88-92%)… Ngay khi phát hiện, các bác sĩ đã nhanh chóng cấp cứu giúp bé A. qua cơn nguy kịch.

TS.BS Lê Thu Hương, chuyên khoa Miễn dịch – Dị ứng, bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh nhi A. không có lựa chọn điều trị nào khác ngoài Epotosid. Nếu chỉ định bệnh nhi ngừng thuốc sẽ ảnh hưởng đến kết quả điều trị.

Sau khi hội chẩn liên khoa, các bác sĩ quyết định dùng phương pháp giải mẫn cảm để cứu bệnh nhi A. theo quy trình 14 bước, liệu trình điều trị trong 5 ngày.

Do bệnh nhi phản ứng với thuốc cần điều trị giải mẫn cảm, nên các bác sĩ chỉ định dùng liều nhỏ sau đó tăng dần sao cho bé A. sử dụng được thuốc đó mà không xảy ra phản ứng.

Trường hợp, bệnh nhi có triệu chứng phản ứng với thuốc liệu trình giải mẫn cảm phải lặp lại các bước nhỏ trước đó. May mắn, sau khoảng thời gian điều trị tích cực, bé A. đã ổn định sức khỏe và được xuất viện.

Trước đó, khoa Miễn dịch – dị ứng, đã tiếp nhận và giải mẫn cảm cho nhiều bệnh nhi phản ứng với thuốc điều trị, đa số các đều phản ứng trên da.

“Đây là một công việc đòi hỏi sự kỳ công vì phải thực hiện từng li từng tí, vừa làm vừa phải điều chỉnh theo diễn biến của từng bệnh nhân”, bác sĩ Lê Thu Hương chia sẻ.

Giải mẫn cảm là phương pháp cuối cùng để xử lý các trường hợp bệnh nhân phản ứng với các chế phẩm là thuốc điều trị duy nhất.

Nguyên lý của giải mẫn cảm là dùng chính loại thuốc mà bệnh nhân đã phản ứng để điều trị. Giải mẫn cảm trong trường hợp người bệnh có dấu hiệu phản vệ lại càng nguy hiểm vì nguy cơ tử vong cao và bệnh nhân có thể lặp lại sốc trong quá trình này.

Đặc trưng của giải mẫn cảm là nhắc lại từng liều nhỏ và tăng dần thuốc gây dị ứng sau một khoảng thời gian cố định. Tổng liều được dùng trong quá trình giảm mẫn cảm, cho phép bệnh nhân điều trị với phác đồ tốt nhất của liệu trình.

Bác sĩ Hương cho hay, để kịp thời xử trí các tình huống bệnh nhi phản ứng thuốc khi điều trị, quá trình giải mẫn cảm phải được thực hiện tại cơ sở hồi sức cấp cứu với sự phối hợp của các bác sĩ chuyên môn hồi sức.

Nếu trải qua đủ liều điều trị đầu tiên trong liệu trình giải mẫn cảm mà không xuất hiện phản ứng, bệnh nhi sẽ được điều trị theo phác đồ trong lần sau đó.

Liệu pháp giải mẫn cảm tạo ra sự dung nạp với thuốc. Tuy nhiên, nếu thuốc không được dùng thường xuyên sự dung nạp sẽ mất đi, bệnh nhân phải giải mẫn cảm khi dùng lại thuốc đó.

Lê Mai (Tổng hợp)

Exit mobile version