Hà Nội đã phát động chiến dịch vệ sinh môi trường, ký cam kết phòng chống bệnh sốt xuất huyết và dịch bệnh mùa hè với 30 quận, huyện trong buổi sáng ngày 17/3.
Trong đó, ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh lại trong 10 năm qua dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội từng tăng cao hồi năm 2009 với hơn 16.000 ca, 4 người tử vong. Năm 2015 hơn 15.000 bệnh nhân, còn lại trung bình mỗi năm ghi nhận từ 5.000 đến 6.000 trường hợp.
Đến năm 2017, con số này tăng vọt với hơn 37.000 ca mắc bệnh và 7 trường hợp tử vong. Rất nhiều bệnh viện, trạm xá đã trở nên quá tải do công tác phòng ngừa dịch bệnh còn yếu kém. Kết quả báo động đỏ dẫn tới việc nhà nước đã phải chi nguồn kinh phí khá lớn, riêng thành phố Hà Nội cũng đã tốn 80 tỷ đồng để chống dịch, chưa kể đến công lao của hơn 20.000 cộng tác viên nhiệt tình trợ giúp.
Trong 3 tháng đầu năm nay, địa bàn Hà nội đã ghi nhận 59 ca mắc sốt xuất huyết. Nguyên nhân chủ yếu khiến dịch bệnh bùng phát là do tình trạng ô nhiễm môi trường ngày trở nên nghiêm trọng. Kết hợp với thời tiết mùa nóng ẩm, mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại dịch bệnh có cơ hội bùng phát, trong đó nguy hiểm có dịch sốt xuất huyết.
Cục trưởng Y tế Dự phòng Trần Đắc Phu lưu ý thành phố cần làm tốt công tác phòng chống dịch ngay từ đầu năm nay, không có bọ gậy thì sẽ không có sốt xuất huyết. Hàng tuần tổ chức các hoạt động diệt bọ gậy đến từng hộ gia đình, phun hóa chất diệt muỗi ngay khi chỉ có một bệnh nhân.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi truyền. Biện pháp dự phòng chủ yếu là diệt muỗi, diệt lăng quăng (bọ gậy) và phòng chống muỗi đốt. Khi bị sốt, uống thuốc hạ sốt không hạ, ở trong vùng có dịch, người dân nên nghĩ đến bệnh sốt xuất huyết. Đặc biệt, người già, trẻ nhỏ, người có bệnh mãn tính… nên đi khám sớm vì bệnh có thể chuyển biến nặng ngay trong những ngày đầu.
Thả hóa chất diệt bọ gậy tại vũng nước đọng trong công trường xây dựng (ảnh: N.P). |
Bộ Y tế khuyến cáo người dân hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng, bọ gậy như sau:
– Thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn.
– Thau rửa các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước.
– Thay nước bình hoa, bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
– Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp xe cũ, hốc tre, bẹ lá…