Mới đây, các bác sĩ khoa Hồi sức cấp cứu – Nhi, Bệnh viện Đa khoa huyện Mộc Châu, Sơn La đã cấp cứu kịp thời hai bé gái người Mông bị ngộ độc do ăn nhầm lá ngón. Hai bé nhập viện trong trạng lờ đờ, da xanh tái, đau bụng, khó thở.
Theo Infonet, hai chị em họ là Dừ Thị San 7 tuổi, Giừ Thị Trú 9 tuổi đi chơi trong bản đã phát hiện cây hoa lạ và đẹp bên đường liền ngắt 3 lá để ăn.
Sau khi ăn xong các bé có biểu hiện đau bụng, nôn, khó thở. Gia đình ngay lập tức đưa bé đến Bệnh viện đa khoa huyện Mộc Châu cấp cứu do phát hiện con ăn nhầm lá ngón.
BS. Nguyễn Thu Hường, Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu – Nhi cho biết, lúc nhập viện hai bé trong tình trạng lờ đờ, da xanh tái, đau bụng, khó thở… Các bác sĩ đã tiến hành câp cứu rửa ruột, truyền dịch giải độc và thùng thuốc đối kháng, theo VTV.
BS. Hường cũng cho biết thêm, rất may hai cháu được người nhà phát hiện và đưa đến bệnh viện sớm nên chất độc trong lá ngón chưa kịp ngấm vào máu.
Trước đó, bệnh viện Đa khoa huyện Mộc Châu thường xuyên tiếp nhận các trường hợp ngộ độc lá ngón, trong đó có cả các bệnh nhân người Lào. Nhiều trường hợp đáng tiếc đến viện muộn khi bệnh nhân đã đi vào hôn mê sâu nên không thể cứu chữa.
Theo Zing, Lương y Đa khoa Bùi Hồng Minh, Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, cho biết lá ngón được coi là loại cây độc nhất ở nước ta, chỉ cần ăn 3 lá là đủ độc tố để chết người. Cây lá ngón phân bố khá phổ biến ở miền rừng núi nước ta như Hòa Bình, Lào Cai, Lạng Sơn, Tuyên Quang.
Bác sĩ Nguyễn Đàm Chính, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho hay thành phần có thể giết người trong lá ngón là các alkaloid chứa trong toàn bộ cây, độc tính giảm dần theo thứ tự rễ, lá, hoa, quả và thân cây.
Theo bác sĩ Chính, ngay sau khi ăn hoặc uống nước giã lá, rễ, thân, hoa và quả của cây lá ngón, nạn nhân sẽ có các triệu chứng:
– Đau bụng, buồn nôn, khó chịu, mệt mỏi, bí đái, da lạnh, vã mồ hôi, yếu mệt cơ tay chân khó vận động, nặng liệt cơ hoàn toàn
– Giãn đồng tử dấn đến nhạy cảm với ánh sáng, chói mắt, sụp mi và liệt cơ hàm dưới dẫn đến rơi hàm dưới không khép được vào miệng.
– Thở yếu, thở chậm dẫn đến suy hô hấp; nhịp tim chậm, huyết áp tụt có thể dẫn đến ngừng tim; tăng phản xạ gân xương, co giật.
– Nạn nhân tử vong có nguyên nhân do liệt cơ, suy hô hấp và ngừng tuần hoàn.
Bác sĩ Cao Xuân Phúc, Học viện Quân y 103 cho biết, khi phát hiện người ngộ độc lá ngón phải tìm mọi cách gây nôn cho bệnh nhân và nhanh chóng đưa tới bệnh viện để thực hiện cấp cứu như rửa dạ dày bằng nước ấm, uống than hoạt tính… Hiệu quả cấp cứu chỉ khi được thực hiện sớm dưới 1h.
H.H