Đại Kỷ Nguyên

Hai tháng đầu năm, Hà Nội ghi nhận 22 ca mắc sởi

Từ ngày 26/2-4/3, Sở Y tế Hà Nội thông báo đã ghi nhận 22 trường hợp mắc sởi. Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn cũng ghi nhận 53 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 13 trường hợp chân tay miệng, 4 trường hợp ho gà.

Sởi là căn bệnh xảy ra theo mùa, bùng phát vào đầu mùa xuân và mức độ lây lan nhanh chóng tạo thành dịch. Đối tượng dễ mắc sởi là trẻ em độ tuổi từ 10-15 và một số trường hợp cả người lớn tuổi.

Bệnh sởi nếu không được phát hiện và chữa trị đúng cách có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như tàn phế, tử vong, đặc biệt ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng, mắc HIV/AIDS hoặc các bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh. Mắc sởi khi mang thai có thể gây ra sảy thai, đẻ non.

Ngày 5/3, Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong tuần (26/2-4/3/2018), trên địa bàn thành phố ghi nhận thêm 3 ca mắc sởi, nâng tổng số mắc từ đầu năm đến nay lên 22 trường hợp. Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, thành phố cũng ghi nhận 53 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 13 trường hợp tay chân miệng và 4 trường hợp ho gà.

Theo Hà Nội Mới, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội lưu ý, các đơn vị cần tăng cường công tác phòng dịch bệnh, nhất là tại các nơi diễn ra lễ hội đầu xuân. Thời điểm giao mùa từ xuân sang hè sẽ tạo điều kiện cho các loại muỗi phát triển, khiến nguy cơ dịch bệnh sốt xuất huyết gia tăng.

Ảnh minh họa.

Người dân nên phối hợp với ngành Y tế, tích cực tiêu diệt muỗi, bọ gậy, lật úp các dụng cụ chứa nước, khơi thông cống rãnh… Riêng với bệnh sởi, ho gà, tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn tổ chức tiêm chủng thường xuyên hằng tuần. Vì vậy, phụ huynh nên đưa con em mình đi tiêm chủng phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch.

Triệu chứng bệnh sởi

Khi mắc bệnh người bệnh có thời gian ủ bệnh từ 10-12 ngày sau đó mới phát tán thành các biểu hiện bệnh.

Những dấu hiệu bệnh sởi tiêu biểu:

– Mắt đỏ dấu hiệu của viêm võng mạc, không chịu được ánh sáng, sốt nhẹ ho khan , ho không có đờm kéo dài liên tục, chảy nước mũi… Bên trong miệng, gần gò má sẽ xuất hiện những dấu hiệu đầu tiên là các nốt sần trắng xanh.

– Đến giai đoạn phát ban khi bệnh đã bắt đầu lan nhanh ra bên ngoài bằng những mảng ban to nổi cộm lên bề mặt da ở vùng mặt, cổ cánh tay, đùi… và lan dần xuống chân cho đến hết.

– Trong giai đoạn phát ban những vết ban lan rất nhanh kèm theo các triệu chứng sốt cao có khi lên đến 104 độ F. Bệnh nhân cảm thấy khó chịu, mệt mỏi.

Đó là những dấu hiệu bệnh sởi thông thường nhất có thể thấy, tuy nhiên bệnh sởi còn có những biến chứng nguy hiểm như gây ra các bệnh: viêm não, viêm giác mạc, tiêu chảy, viêm phế quản, tai mũi họng…

Bệnh sởi lây truyền qua đường nào?

Bệnh sởi do virus sởi gây ra. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do ho, hắt hơi, tiếp xúc gần với người bị nhiễm hoặc dịch tiết mũi họng. Giai đoạn gây lây nhiễm xảy ra từ 4 ngày trước đến 4 ngày sau phát ban.

Virus sởi lây lan mạnh trên diện rộng nên có thể gây dịch lớn. Một người mắc có thể gây lây nhiễm cho khoảng 20 người khác.

Đây là bệnh lây nhiễm từ người sang người. Không ghi nhận bệnh sởi ở động vật.

Đối tượng

Tất cả người chưa có miễn dịch với sởi đều có nguy cơ mắc bệnh.

Tại Việt Nam, nhóm có nguy cơ mắc sởi là:

– Trẻ nhỏ do không còn miễn dịch từ mẹ truyền sang nhưng chưa được tiêm vắc-xin.

– Trẻ đã tiêm vắc-xin nhưng chưa có đáp ứng miễn dịch.

– Thanh niên do chưa từng mắc sởi hoặc tiêm vắc-xin trước đây.

Do vậy, các nhóm này cần được bảo vệ bằng tiêm vắc-xin sởi.

Việc ngừng cung cấp dịch vụ tiêm chủng do bất kỳ nguyên nhân nào, sống ở nơi có mật độ dân số quá đông cũng là những yếu tố làm tăng cao nguy cơ mắc sởi.

Làm thế nào để phòng bệnh sởi?

Tiêm vắc-xin sởi là biện pháp tốt nhất chủ động phòng bệnh sởi. Khi có ca mắc sởi, cần cách ly bệnh nhân, hạn chế tiếp xúc đến 4 ngày sau khi phát ban. Tẩy trùng, thông thoáng nơi ở, làm việc.

Khi có dịch, cần hạn chế tập trung đông người.

Tiêm vắc-xin sởi có thể phòng được hoàn toàn không mắc bệnh sởi?

Cũng như các vắc-xin khác, tiêm vắc-xin sởi không có hiệu quả phòng bệnh 100%.

Tuy nhiên, đáp ứng miễn dịch còn tuỳ thuộc vào tuổi tiêm chủng, loại vắc-xin và tuỳ thuộc đặc điểm miễn dịch, tình trạng sức khoẻ của từng người, chất lượng vắc-xin và kỹ thuật thực hành tiêm chủng.

Lịch tiêm vắc-xin sởi?

Đối với tiêm vắc-xin sởi trong chương trình Tiêm chủng mở rộng, áp dụng lịch tiêm chủng do Bộ Y tế đã phê duyệt như sau:

– Trong tiêm chủng thường xuyên: Mũi thứ nhất khi trẻ 9 tháng tuổi và mũi thứ hai khi trẻ 18 tháng tuổi.

– Trong tiêm chủng chiến dịch: Thực hiện tiêm vắc-xin cho tất cả đối tượng trong phạm vi của chiến dịch.

– Khoảng cách tối thiểu giữa 2 mũi tiêm vắc-xin sởi là 1 tháng.

Đối với vắc-xin tiêm chủng dịch vụ: Tuân thủ theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Tất cả lứa tuổi đều có thể tiêm vắc-xin sởi.

Những trường hợp nào không nên tiêm vắc-xin sởi?

Những trường hợp phản ứng nghiêm trọng với liều tiêm vắc-xin sởi trước đây hoặc phản ứng với các thành phần của vắc-xin (gelatin, neomycin). Dị ứng với trứng không phải là chống chỉ định.

Không nên tiêm vắc-xin sởi cho phụ nữ có thai mặc dù không có bằng chứng về tăng tỷ lệ bất thường bẩm sinh ở trẻ sinh ra. Các trường hợp sau khi tiêm mới phát hiện đã có thai cần thông báo cho cán bộ y tế để được theo dõi. Cũng như các vắc-xin sống khác, cần tránh có thai ít nhất một tháng sau tiêm.

Không tiêm vắc-xin sởi cho các trường hợp suy giảm miễn dịch bẩm sinh hay mắc phải (AIDS), đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch liều cao, xạ trị hoặc mắc các bệnh ác tính do ở những trường hợp này, khả năng tạo miễn dịch chủ động bị suy giảm.

Có thể tiêm vắc-xin sởi cho những người dương tính với HIV nhưng chưa chuyển sang giai đoạn AIDS.

Phương Nam

Exit mobile version