Đại Kỷ Nguyên

Hạt tiêu – vị thuốc Đông y trị bệnh hiệu quả ít người biết

Theo Đông y, hạt tiêu vị cay, tính rất nóng, vào 4 kinh Tỳ, Vị, Phế và Đại tràng. Tác dụng hạ khí tiêu đờm, chữa đau bụng đột ngột, lạnh tay chân, nôn mửa, thổ tả, suyễn, sát trùng, tiêu độc.

Hạt tiêu còn có tên là Cổ nguyệt, Hắc cổ nguyệt, Bạch cổ nguyệt, Bạch hồ tiêu, Hắc xuyên, Bạch xuyên là quả gần chín của cây Hồ tiêu phơi hay sấy khô.

Theo Tây y, tiêu cũng rất giàu vitamin C, thậm chí còn nhiều hơn cả cà chua. Một nửa cốc hồ tiêu xanh, vàng hay đỏ sẽ cung cấp tới hơn 230% nhu cầu canxi 1 ngày/người. Trong tiêu có 1,2 – 2% tinh dầu, 5 – 9% piperin và 2,2 – 6% chanvixin. Trong tiêu còn có 8% chất béo, 36% tinh bột.

Bài thuốc trị bệnh từ hạt tiêu

Tiêu là loại gia vị quen thuộc không thể thiếu với mọi nhà. Nó cũng là vị thuốc Đông y có thể hỗ trợ trị liệu rất nhiều loại bênh. Dưới đây là những tác dụng không ngờ với sức khỏe của hạt tiêu.

1. Hạt tiêu trị chứng ngũ tạng phong hàn, nôn (bị lạnh bụng gây nôn): Dùng hạt tiêu 30g. Ngâm trong 1 ít rượu. Trước khi ăn uống 1 – 2 ly con (5 – 10 thìa cà phê).

2. Trị thương hàn, ho khan, khí lạnh nhiễm vào dạ dày: Hạt tiêu 30 hạt đập dập, xạ hương 2g, rượu 200ml. Sắc còn 100ml. Uống nóng.

3. Trị chứng đau phía dưới tim: Dùng 49 hạt tiêu, 10g sữa bò tươi nguyên chất, cho hạt tiêu vào nghiền đều. Đối với đàn ông thì cho thêm 1 lát gừng sống, với phụ nữ thêm 1 miếng Đương quy hòa vào với rượu uống.

Theo Đông y, hạt tiêu tính nóng, có tác dụng trị đau bụng, thổ tả, nôn mửa hiệu quả. (Ảnh: k.sina.com.cn)

4. Trị đau dạ dày: Táo tàu 7 trái, bỏ hạt, 7 hạt tiêu sọ cho vào ruột táo tàu, buộc lại đem chưng cách thủy cho nhừ rồi nghiền nát, viên bằng hạt đậu xanh. Mỗi lần uống 7 viên với nước ấm. Người khỏe mạnh có thể uống 10 viên sẽ khỏi đau. Nếu thấy dạ dày nóng và đói thì cho ăn cháo.

5. Trị buồn nôn nhiều ngày không dứt: Dùng 1g bột hạt tiêu, 30g gừng sống thái lát sấy khô, nghiền thành bột. Hai thứ trộn đều rồi cho vào 200ml. nước sắc còn 100ml. Chia uống 3 lần trong ngày lúc nước còn ấm.

6. Trị buồn nôn, không ăn được: Hạt tiêu 15g, bán hạ 15g. Cả 2 nghiền thành bột, giã gừng cho thêm tí nước vắt lấy nước gừng hòa vào 2 loại bột trên rồi viên to bằng hạt đậu nành. Mỗi lần uống 20-30 viên với nước gừng loãng.

7. Chữa bệnh thổ tả (miệng nôn trôn tháo): Dùng 49 hạt hồ tiêu, 150 hạt đậu xanh, cả hai nghiền bột, trộn đều. Mỗi lần uống 3g với nước canh đu đủ.

8. Trị bí đại tiện, đau, trướng bụng: Hồ tiêu 21 hạt đập dập, nước 200ml, sắc còn 100ml. bỏ bã rồi cho vào 20g mang tiêu. Sắc uống.

9. Trị sốt rét: Sốt ngày 1 lần hoặc sốt cách ngày đều dùng hạt tiêu sọ nghiền thành bột, đựng lọ. Xác ve sầu sấy khô, nghiền bột, đựng lọ khác. Mỗi lần dùng từng loại 3g, hai thứ trộn vào nhau, gói giấy kín. Sau 3-4 giờ thì bóc ra lấy thuốc uống với nước chín.

10. Trị thiếu canxi gây co rút: Dùng 20 hạt tiêu sọ, 2 vỏ quả trứng gà. Cả 2 sấy vàng nghiền bột rồi chia thành 14 gói. Mỗi ngày uống 1 gói với nước ấm.

11. Trị viêm thận: Dùng 7 hạt tiêu và 1 quả trứng gà. Chọc 1 lỗ ở đầu quả trứng rồi nhét hạt tiêu vào, dùng bột mì bịt kín lỗ thủng. Lấy 1 tờ giấy ướt bọc toàn bộ quả trứng đem đun cách thủy cho chín, ăn. Người lớn ăn ngày 2 quả, trẻ em 1 quả, ăn liên tục 10 ngày là 1 liệu trình điều trị. Nghỉ 3 ngày rồi ăn đợt 2.

12. Trị cước do lạnh: Dùng hạt tiêu 10%, nước 90%, ngâm hạt tiêu vào, Sau 7 ngày gạn lấy nước bôi chỗ bị cước, ngày 1 lần.

13. Trị răng đau, sâu răng: Dùng hạt tiêu, tất bát, lượng bằng nhau, nghiền nhỏ, hòa sáp ong, viên như hạt vừng. Mỗi lần dùng một viên nhét chỗ răng sâu.

14. Trị bệnh chàm: Dùng 10 hạt tiêu sọ nghiền thành bột, cho vào 1 lít nước đun sôi, để ấm rửa nơi bị chàm, ngày 2 lần.

15. Trị rết cắn: Hạt tiêu nghiền thành bột bó chỗ rết cắn.

16. Trị tiêu chảy cho trẻ: Lấy 1 – 2 hạt tiêu trắng tán bột bỏ vào rốn của trẻ em dùng băng dính dán lại 24 giờ thay một lần, có thể dùng 2 – 3 lần.

Lưu ý khi sử dụng hạt tiêu

Hạt tiêu không nên ăn nhiều dễ gây độc cho ngũ tạng. (Ảnh: pexels.com)

Tiêu chỉ ăn vừa phải vì dùng nhiều sẽ phát mụn nhọt, gây trĩ, độc cho ngũ tạng và mờ mắt. Những người âm suy, hỏa nhiệt không nên dùng. Nếu có phản ứng không tốt do ăn nhiều thì nấu đậu xanh ăn để giải độc.

Hạt tiêu đen chỉ an toàn khi sử dụng với một số lượng vừa phải. Và hấp thụ quá mức có thể dẫn đến những tác dụng phụ nghiêm trọng cho sức khỏe:

1. Nguy cơ gây tử vong cho trẻ nhỏ

Một lượng lớn hạt tiêu vào cơ thể qua đường uống có thể lẫn vào bên trong phổi. Tai nạn này có thể gây ra cái chết, đặc biệt ở trẻ nhỏ.

2. Tác dụng phụ ở đường tiêu hóa

Khi tiêu thụ với số lượng bình thường, hạt tiêu rất tốt cho quá trình tiêu hóa nhưng nếu tiêu thụ với lượng lớn có thể dẫn đến đau bụng hoặc các hiệu ứng đường tiêu hóa khác. Bệnh nhân bị rối loạn tiêu hóa càng nên hạn chế tiêu thụ hạt tiêu.

3. Có thể phản ứng với các loại thảo mộc

Hạt tiêu có tác dụng chống viêm, chống oxy hóa và tác dụng làm giảm đau trên cơ thể. Vì vậy, bạn nên thận trọng khi sử dụng các loại thuốc có tác dụng tương tự.

Cần thận trọng khi ăn hạt tiêu và dùng các loại thảo mộc, thuốc bổ sung, vì hạt tiêu có thể làm thay đổi thời gian hấp thụ các loại thảo mộc và thuốc bổ sung trong cơ thể, cũng như cản trở sự hấp thụ các loại thuốc này.

Kiên Định
Nguồn tham khảo: suckhoedoisong

Xem thêm:

Exit mobile version