Đại Kỷ Nguyên

“Giã từ” món tiết canh, kể cả là “lợn cắp nách”

Vì khoái khẩu, nhiều người vẫn tặc lưỡi ăn tiết canh mà bỏ qua những lời cảnh báo. Thực ra mức độ nguy hiểm có thể vượt xa sự tưởng tượng của bạn đấy.

Bị ban hoại tử toàn thân sau khi giết mổ, ăn tiết canh “lợn cắp nách”

Mới đây, anh N.H.T (35 tuổi tại, TP Lai Châu) đã phải cấp cứu trong tình trạng sốc, toàn thân xuất hiện các ban hoại tử, tắc mạch hoại tử đầu ngón chân ngón tay, rối loạn đông máu nặng. Chuẩn đoán do nhiễm trùng nặng liên cầu lợn xuất phát từ việc giết và ăn tiết canh “lợn cắp nách”.

Trong dịp nghỉ lễ Tết dương lịch, anh T mua một con “lợn cắp nách” của dân bản bán về trực tiếp giết mổ, chế biến, làm tiết canh, chế biến thịt mời bạn bè. Sau đó 5 ngày, anh có biểu hiện sốt cao, mệt lả, trên da xuất hiện các ban hoại tử, tập trung thành mảng lớn trên mặt, chân, tay. Gia đình đưa bệnh nhân vào bệnh viện tỉnh trong tình trạng sốc, được xử trí cấp cứu và chuyển xuống BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương với chẩn đoán bị nhiễm liên cầu khuẩn. Sau khi cấp cứu, bệnh nhân đã tỉnh nhưng còn tình trạng sốc, ngoài tình trạng có ban hoại tử khắp toàn thân, đặc biệt có tình trạng tắc mạch hoại tử đầu ngón chân ngón tay, rối loạn đông máu nặng.

Bệnh nhân T bị nổi ban hoại tử toàn thân, tập trung lớn tại mặt, hai cánh tay và hai chân. (Ảnh: giadinh.net.vn)

Thời điểm cuối năm, cộng với tâm lý thích đồ ở quê, lo ngại lợn nuôi trang trại bị ăn nhiều hóa chất độc hại, nhiều người thích “lùng mua” lợn mán (thường gọi là “lợn cắp nách”) ở các vùng núi vì nghĩ đây là lợn “sạch”. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng vi khuẩn liên cầu có thể cư trú ở vùng họng con vật mà chưa phát bệnh. Khi người ta tiếp xúc với vi khuẩn trong quá trình giết mổ, ăn thịt chưa nấu chín, tiết canh từ lợn nhiễm khuẩn sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao và để lại hậu quả khó lường, chi phí tốn kém.

Các chuyên gia cũng cảnh báo, không chỉ tiết canh lợn mà máu của động vật nói chung (ngan, vịt, chó, ngựa…) đều tiềm ẩn nhiều mối nguy cho sức khỏe. Đây là đồ sống, chứa nhiều mầm bệnh. Điều kiện giết mổ của các cơ sở nhỏ lẻ và tự phát thường khó đảm bảo được vấn đề an toàn về sinh thực phẩm. Thêm vào đó, hình thức chăn nuôi hiện nay khiến con vật có thể mang một số mầm bệnh, giun, sán… rất nguy hiểm cho người ăn nếu không qua nấu chín.

Giết mổ đà điểu ngay trên vỉa hè Hà Nội thu hút nhiều người xem và mua hàng (Ảnh: Internet)

Bổ dưỡng chưa thấy, nguy hiểm nhãn tiền

Người ăn tiết canh có nguy cơ mắc một số bệnh nguy hiểm sau đây:

  1. Rối loạn tiêu hóa

Nguyên nhân có thể do nhiễm nhiễm khuẩn như nhiễm khuẩn tả, E. coli, hay nặng hơn là do độc tố tụ cầu vàng; hoặc do nhiễm chất độc, dị ứng với các thành phần trong tiết canh. Thông thường, ở những trường hợp rối loạn tiêu hóa ở thể nhẹ và trung bình sẽ có các triệu chứng nôn, tiêu chảy, đau bụng, có thể sốt hoặc không.

Thực tế đã có trường hợp nguy hiểm đến tính mạng do tiêu chảy quá nhiều gây mất nước, điện giải mà không bù kịp thời hoặc trên nền những bệnh nhân sức đề kháng kém, bệnh mãn tính.

  1. Nhiễm liên cầu lợn
Lợn rừng nuôi thả hay lợn cắp nách… cũng không tránh được nguy cơ nhiễm khuẩn và ký sinh trùng (Ảnh: Internet)

Liên cầu lợn là một loại vi khuẩn cư trú ở đường hô hấp trên của lợn. Có đến hơn 2/3 số ca mắc liên cầu lợn là từ tiết canh. Tỷ lệ tử vong do nhiễm liên cầu lợn là 7%, tỷ lệ để lại di chứng là 40%.

Liên cầu lợn có thể gây nhiễm trùng huyết, viêm màng não hoặc kết hợp cả hai. Thời gian ủ bệnh ngắn, nếu điều trị muộn có thể gây tử vong, đồng thời cũng có thể có những biến chứng, di chứng như ảnh hưởng đến thính lực, viêm não, hay hoại tử tay chân; thêm vào đó chi phí điều trị cũng rất tốn kém có thể lên đến vài chục đến hàng trăm triệu đồng.

Người bệnh nhiễm liên cầu lợn có thể có các triệu chứng như sốt cao (39 – 41 độ C), có các mảng xuất huyết dưới da, cứng cổ, tiêu chảy, nôn vọt. Khi đó cần đưa người bệnh đến các cơ sở y tế ngay lập tức để tránh nguy hiểm đến tính mạng.

  1. Nhiễm ấu trùng sán dây lợn

Ấu trùng sán lợn bị diệt khi đun ở nhiệt độ 100 độ C trong 10 phút. Khi ăn tiết canh là đồ sống từ lợn nhiễm sán, thì người ăn có nguy cơ nhiễm ấu trùng sán lợn cao. Sau khi lây nhiễm, ấu trùng sán sẽ ký sinh ở nhiều nơi trong cơ thể người, như da, cơ, mắt, não, tim.

Khi ký sinh ở dưới da hoặc cơ, bệnh nhân sẽ xuất hiện các nốt dưới da bằng hạt đỗ, hạt lạc, không đau, có thể có đau cơ, mỏi cơ. Bệnh nhân có thể lác, nhìn đôi, thậm chí bong võng mạc, gây giảm thị lực, mù nếu ấu trùng kí sinh ở mắt. Đặc biệt nếu ấu trùng ký sinh ở não có thể biểu hiện kín đáo, khó phát hiện như nhức đầu, hoặc động kinh, nặng hơn nữa có thể gây liệt. Những nang sán đôi khi có thể bị chẩn đoán nhầm là ung thư.

  1. Nhiễm virus gây bệnh nguy hiểm

Người ăn tiết ăn cũng có nguy cơ nhiễm các virus, đặc biệt là các virus cúm gia cầm nguy hiểm như virus cúm A/H5N1 hay H1N1. Ngoài ra ăn tiết canh chó cũng có thể nhiễm virus dại nếu thịt hoặc máu có virus.

Thực ra, theo nhiều chuyên gia y tế, thì tiết canh không phải là món bổ máu như nhiều người thường nghĩ, bởi các thành phần giúp tạo máu trong tiết canh không được hấp thu mà bị đào thải qua phân. Do vậy không nên chỉ vì “khoái khẩu” mà mang bệnh vào thân.

Nhân Hải t/h

Xem thêm:

Exit mobile version