Đại Kỷ Nguyên

Hoa cúc – Món quà tuyệt vời tạo hóa ban tặng cho sức khỏe con người

Mùa Thu là lúc bắt đầu thu hoạch hoa cúc, chuẩn bị cho làm thuốc. Theo y học cổ truyền, hoa cúc được dùng để chữa trị nhiều chứng bệnh khác nhau. Quả là trời sinh hóa vạn vật, bệnh nào ­thuốc ấy. 

“Tùng, cúc, trúc, mai” được ví với những người quân tử, ví như Đào Uyên Minh đời Tần nổi tiếng là yêu hoa cúc, cho cúc là hoa thanh cao (vì cây Cúc bẩm thụ chính khí 4 mùa, mùa nào cũng xanh tốt, càng sương giá càng xanh tốt).

Người Trung Quốc xưa có truyền thống uống rượu hay trà hoa cúc vào tiết trời mùa thu, vì vậy mà có sức khỏe tốt.

Cúc Hoa còn gọi là cam cúc hoa, bạch cúc hoa, cúc hoa trắng, cúc điểm vàng, hoàng cúc. Tên khoa học là Chrysanthemum sinense Sabine, thuộc họ Cúc Asteraceae.

Thành phần chủ yếu: adenine, choline, stachydrine chrysanthemin vitamin B1, acacetin, coptiside I, chrysandiol, chrysartemin A, Bchrolochrymorin.

Đây là loài hoa quý, có thể phối hợp các vị thuốc khác chữa các chứng bệnh của 4 mùa.

Theo Đông y, Cúc hoa giúp thanh tán phong nhiệt, bình can, sáng mắt, thanh nhiệt giải độc. Nó có vị ngọt, đắng, tính bình, hơi hàn; vào 3 kinh phế, can, tỳ.

Hoa cúc có thể đắc được khí của cả 4 mùa “Bị thụ tứ khí” . Mùa đông bẩm khí ở mầm, xuân ở lá, hạ ở nhị và thu ở hoa. Nó còn “đắc kim thủy chi tinh cư đa” có được rất nhiều tinh hoa của kim (mùa thu), thủy (mùa đông). Vậy nên bổ phế, thận, để chế hỏa mà lại bình được can mộc (tâm, can). Vì vậy mà nói, hoa cúc có thể chữa bệnh của 4 mùa, nhất là mùa thu.

Theo cuốn “Dược học cổ truyền” của GS.BS.TRẦN VĂN KỲ, nghiên cứu hiện đại cho thấy Cúc hoa là vị thuốc có tác dụng giãn mạch vành, tăng lưu lượng máu ở mạch vành làm giảm thiếu máu cơ tim, hạ huyết áp, ức chế độ thẩm thấu mao mạch; thuốc còn có tác dụng hạ nhiệt.

Cúc hoa có tác dụng ức chế một số vi khuẩn như tụ cầu vàng, liên cầu khuẩn dung huyết beta, nhiều loại trực khuẩn gây bệnh và nấm ngoài da. Thuốc có nồng độ cao có thể ức chế virut cúm và xoắn khuẩn.

Có thể dùng hoa cúc trong trường hợp nào?

Kiêng kỵ: Người bị chứng dương hư hoặc nhức đầu mà sợ lạnh, đều kiêng dùng.

Cách sử dụng hoa cúc đơn giản

Theo Đông y hoa cúc có thể dùng để ăn sống, phơi khô làm trà, nấu canh, nấu nước uống đều tốt. Nhưng ở Việt Nam thông dụng nhất vẫn là dùng hoa cúc phơi khô rồi hãm với nước nóng thành một loại trà thơm ngon và tốt cho sức khỏe .

Cách pha trà cúc để bồi dưỡng sức khỏe

Thường sử dụng cúc hoa trắng.

1. Sử dụng một cốc nước sôi và cho vài bông Cúc vào ngâm trong 5 phút. Tuỳ vào khẩu vị và tác dụng mong muốn, bạn có thể cho thêm lá trà xanh, hoa kim ngân để tăng giải độc cơ thể, thêm chút kỷ tử cho sáng mắt, đỡ mỏi mắt, thêm búp hồng để dưỡng sắc đẹp da, hay thêm chút hoa hòe sao để bảo vệ gan, hạ huyết áp tốt hơn…

2. Khi trà đã nguội một chút, bạn có thể thêm 2 thìa cà phê mật ong nguyên chất và khuấy đều lên rồi nhâm nhi thưởng thức.

Trà hoa cúc đã được ông cha ta sử dụng từ xưa như một phương pháp giải nhiệt rất hiệu quả.

Ngày nay, trà hoa cúc rất hữu ích cho những người làm việc văn phòng, ngồi máy tính nhiều, ít di chuyển, ăn uống không đủ chất. Chính các điều kiện này dẫn đến âm dương khí huyết không đầy đủ, thần kinh căng thẳng, nhiệt xuất hiện trong các tạng phủ gây ra các chứng viêm do nhiệt như viêm loét lưỡi, miệng, sưng bướu, mắt đỏ, huyết áp tăng, chảy máu cam. Khi đó, trà hoa cúc sẽ giúp giải nhiệt tốt, cho cơ thể khỏe mạnh trở lại, tinh thần cũng sảng khoái và tỉnh táo hơn.

Ngoài ra, có thể dùng lá cúc tươi giã ra lọc lấy nước uống có tác dụng chế can hỏa thịnh; dùng cho người nóng tính, mộng du.

Gối làm từ hoa cúc (mấy cân cúc tươi, sấy khô rồi đóng thành gối) rất tốt cho người đau đầu quanh năm do phong nhiệt.

Minh Tuệ

Xem thêm:

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.

Exit mobile version