Ăn quá nhiều thịt có thể dẫn đến hậu quả xấu, từ việc tăng nguy cơ bệnh tiểu đường đến bệnh tim, thậm chí là ung thư. 9 dấu hiệu sau cho thấy hệ thống tiêu hóa gặp khó khăn với thịt.
Rất khó chống lại sự cám dỗ của một miếng bít tết hay một phần hamburger thơm lừng. Những thực phẩm này chứa nhiều dinh dưỡng, nhưng đồng thời cũng mang theo một số chất độc tự nhiên, chất béo bão hòa hay các thành phần làm khó hệ thống tiêu hóa.
Dưới đây là các dấu hiệu cho thấy hệ thống tiêu hóa của bạn không vận hành tốt và đã đến lúc xem xét lại chế độ ăn uống. Hãy kiểm tra xem bạn có bao nhiêu triệu chứng trong số này.
1. Táo bón
Mỗi người có hệ thống tiêu hóa khác nhau, dựa trên di truyền học và thói quen ăn uống của chúng ta. Tùy thuộc vào loại thịt, mà lượng chất béo cũng khác nhau.
Cơ thể cần nhiều thời gian hơn để tiêu hóa chất béo, đó là lý do chúng ta bị khó tiêu nếu ăn quá nhiều thịt. Táo bón có thể là kết quả của lượng sắt cao, thường thấy trong các loại thịt đỏ như thịt bò, lợn hoặc cừu. Bên cạnh đó, thịt đỏ thiếu chất xơ – thành phần cần thiết cho nhu động ruột bình thường.
Lời khuyên: Một số nghiên cứu cho thấy ăn quá nhiều thịt đỏ có thể làm tăng nguy cơ ung thư ruột. Bạn chỉ nên ăn thịt đỏ với lượng nhất định, khoảng 100-200g/2 lần một tuần cùng nhiều rau và ngũ cốc. Cố gắng tránh ăn gan và thận. Chuyển sang ăn hải sản hoặc thịt gà, chọn thịt luộc hơn là chiên.
2. Thường xuyên cảm thấy đói
Nếu bạn cảm thấy gần như lúc nào cũng đói, kể cả khi vừa mới ăn xong, tức là cơ thể bạn đang có quá nhiều chất đạm. Khi bạn không có đủ Carbohydrates, lượng đường trong cơ thể giảm đi và không sản sinh ra serotonin, khiến bạn cảm thấy đói.
Lời khuyên: Nếu bạn phát hiện ra triệu chứng này, cố gắng ăn nhẹ với sữa chua, quả mọng, bánh ngũ cốc nguyên hạt thay vì bánh sandwich vào bữa trưa. Cố gắng kiêng thịt trong vài ngày và cơ thể sẽ thay đổi tích cực.
3. Quầng thâm dưới mắt
Quầng thâm dưới mắt không chỉ do thiếu ngủ hoặc mệt mỏi. Tiêu thụ thịt không đúng cách cũng gây ra hiện tượng xấu xí này. Nếu mắt quầng thâm nhiều, đặc biệt là ngay sau khi ăn thịt, tức là chúng đã không được tiêu hóa tốt.
Lớp niêm mạc ruột bị tổn thương khiến protein từ thịt đi qua thành ruột vào máu mà không bị phân giải thành, trở thành những “yếu tố ngoại lai”. Cơ thể sẽ cố gắng tạo ra các kháng thể nhất định để loại bỏ chất lạ và phản ứng này có thể tạo ra quầng thâm dưới mắt. Triệu chứng này thường bị các chuyên gia y tế bỏ qua.
4. Huyết áp cao
Nếu bạn bị huyết áp cao, tức là đã đến lúc phải cắt giảm lượng thịt. Thịt chế biến và nấu chín có hàm lượng natri cao vì chúng được bảo quản bằng muối. Bên cạnh đó, thịt gà và thịt đỏ có hàm lượng chất béo bão hòa cao. Tất cả những điều này có thể dẫn đến tăng huyết áp, thậm chí các bệnh về tim mạch.
Lời khuyên: Hãy bớt ăn thịt và tăng lượng rau. Nếu bạn rất thèm thịt, hãy ăn các loại thịt nạc và hải sản vì chúng ít chất béo hơn.
5. Hôi miệng và mùi cơ thể
Hôi miệng và mùi cơ thể khó chịu có thể là dấu hiệu về việc tiêu hóa thịt không đúng cách. Nếu thịt không được tiêu hóa tốt các chất tạo mùi sẽ không được đào thải ra bên ngoài theo cách thông thường. Chúng buộc phải tìm đường khác, trương trường hợp này là hệ thống tuyến mồ hôi và đường miệng.
Lời khuyên: Hãy thử dùng các enzyme tiêu hóa giúp giải phóng lượng thịt tích tụ trong ruột.
6. Hệ miễn dịch suy yếu
Khi tiêu hóa thịt không tốt người ta dễ nhiễm bệnh hơn bình thường. Hệ miễn dịch bị ảnh hưởng bởi chất đường tự nhiên (Neu5Gc) có trong thịt đỏ và rất khó tiêu hóa. Loại đường này thường được tạo ra bởi động vật ăn thịt giúp chúng duy trì chế độ ăn. Tuy nhiên, cơ thể con người không sản xuất ra chất này, đó là lý do chúng bị coi là chất lạ và gây ra phản ứng miễn dịch độc hại. Phản ứng này gây ra nhiều vấn đề khác, nghiêm trọng nhất là ung thư.
Lời khuyên: Ăn nhiều quinoa, hạch, rau xanh và trái cây… Chúng cung cấp các chất chống oxy hóa thiết yếu, chất xơ và protein, đáp ứng nhiều vi chất.
Hãy ăn thịt cân bằng với các thực phẩm lành mạnh được liệt kê bên trên sau khi chúng được chế biến thành món ăn phụ hoặc salad. Nên tập luyện thường xuyên và hấp thụ vitamin D để hỗ trợ hệ thống miễn dịch.
7. Mệt mỏi
Nếu sau khi ăn thịt mà cảm thấy chậm chạp hoặc mệt mỏi, hãy nghĩ đến việc cơ thể đã không tiêu hóa được thịt và chúng bị mắc kẹt trong ruột.
Khi thịt bị mắc kẹt, năng lượng sẽ được tập trung đến hệ tiêu hóa để xử lý chúng. Ngoài ra, nếu cảm thấy nặng bụng nhiều ngày sau khi ăn thịt thì nên chuyển hoàn toàn sang ăn hoa quả và rau xanh…
8. Buồn nôn
Buồn nôn là triệu chứng phổ biến của việc không tiêu hóa được vì phản ứng với một số vi khuẩn có trong thịt. Một số phụ nữ mang thai cảm thấy buồn nôn khi ăn thịt.
Lời khuyên: Chuyển sang món salad. Nếu không thấy đỡ buồn nôn hoặc triệu chứng xấu không giảm kéo dài 4-26 tiếng (sau khi ăn), nên đi gặp bác sĩ.
9. Đầy hơi
Các sản phẩm từ thịt là khó tiêu hóa nhất vì loại protein này (đặc biệt là thịt đỏ) rất khó hòa tan, điều này có thể gây ra chứng đầy hơi.
Lượng lớn thực phẩm chứa chất béo (trong thịt) làm cho dạ dày người ta trương lên, khó chịu. Chế độ dinh dưỡng không hợp lý có thể dẫn đến sự tích tụ chất độc trong cơ thể.
Lời khuyên: Thay bít tết, hãy ăn cá hoặc thịt gà. Thịt từ những loại động vật này dễ tiêu hóa hơn. Luôn luôn ăn kèm rau như một món ăn phụ hoặc salad. Việc ngưng hoặc giảm ăn thịt có thể trị dứt chứng đầy hơi phiền phức.
NguyễnThoa