Măng cụt là loại quả phổ biến tại các quốc gia Đông Nam Á đặc biệt là Việt Nam. Không chỉ có hương vị thơm ngon, ngọt, đây còn là loại trái cây có nhiều dưỡng chất, vitamin tốt cho sức khỏe. Kết quả nhiều nghiên cứu chứng minh, không chỉ có tác dụng hỗ trợ tăng cường miễn dịch, chống viêm, trong quả còn chứa chất xanthones, có tác dụng giúp phòng ngừa nhiều loại ung thư hiệu quả.
Vỏ măng cụt dày và cứng, múi bên trong có hình dáng giống tép tỏi, mềm, vị ngọt thanh. Thịt quả giàu chất xơ, vitamin C, ít calo, vỏ quả cũng chứa nhiều chất dinh dưỡng. Theo Đông y, cả thịt và vỏ quả măng cụt đều có thể làm thuốc chuyên dùng trị tiêu chảy, kiết lỵ nhiễm trùng vết thương và viêm loét dạ dày mạn tính.
1. Nguồn gốc của măng cụt
Măng cụt có nguồn gốc từ quần đảo Mã Lai, cây sinh trưởng chậm và đòi hỏi một môi trường khắc nghiệt, từ khi trồng đến lúc cây kết trái thường mất từ 8 – 10 năm. Liên quan đến ghi chép sớm nhất về măng cụt, có thể thấy trong cuốn “Doanh Nhai Thắng Lãm” (Yingya Shenglan) của quan chức phiên dịch Mã Huân thời nhà Minh khi ông đi xuống khu vực Tây Dương cùng Trịnh Hòa, trong sách có ghi chép lại loại trái cây vùng Đông Nam Á tên “Manggis”, quả này được ông khen là “có vị ngọt chua, có thể ăn”. Năm 1973, nhà sinh vật học Thụy Điển là Carl Linnaeus đã đưa măng cụt vào cuốn “Các loài thực vật” (Species Plantarum), từ đó “mangosteen” trở thành tên tiếng Anh của măng cụt. Thế kỷ 19, măng cụt được đưa đến phương Tây. Nữ hoàng Victoria của Vương quốc Anh rất thích hương vị của nó, từng bỏ ra 100 Bảng Anh để mua một quả măng cụt, đồng thời người tiến cống măng cụt còn có thể được xưng hiệu kỵ sĩ.
2. Măng cụt chứa thành phần chất chống ung thư
Măng cụt chứa lượng lớn chất xanthones, đây là chất có tính chống oxy hóa mạnh, nó cũng có trong rất nhiều loài thực vật, nhưng hàm lượng trong quả măng cụt vượt xa các loại khác. Tuy nhiên, phần lớn xanthones lại chứa trong vỏ của quả măng cụt. Nghiên cứu phát hiện, xanthones có tác dụng khống chế tế bào ung thư phân chia, sinh trưởng và di căn.
Măng cụt được ứng dụng nhiều trong nghiên cứu về chống ung thư. Một công trình nghiên cứu của Malaysia phát hiện, chất xanthones trong măng cụt có hiệu quả trong kháng ung thư đại tràng. Đại học Illinois Mỹ cũng đã công bố luận văn liên quan đến măng cụt có hiệu quả giúp giảm phát triển ung thư tuyến tiền liệt; năm 2016, Tạp chí Ung thư học Quốc tế của Trung Quốc đăng tải một nghiên cứu xác nhận, chất Alpha-mangostin chứa trong măng cụt có tiêu diệt các tế bào ung thư vú.
3. Măng cụt chống viêm, giảm dị ứng
Chất xanthone trong măng cụt ngoài tác dụng chống ung thư, còn có tác dụng tăng cường hệ thống miễn dịch, chống phát viêm, chống dị ứng. Tại các nước Đông Nam Á, măng cụt còn được dùng để làm giảm các phản ứng phát viêm của cơ thể. Nghiên cứu của Nhật Bản đã chiết xuất các chất trong măng cụt đem đối chiếu với loại thuốc chống dị ứng, kết quả thấy chất chiết xuất từ măng cụt có tác dụng ức chế histamin và prostaglandin hiệu quả hơn, từ đó giảm thiểu triệu chứng phát viêm và dị ứng trong cơ thể. Măng cụt cũng có tác dụng bảo vệ làn da, có thể hỗ trợ ngăn ngừa mụn, viêm da, mẩn ngứa, nhiễm trùng do vi khuẩn.
4. Kiểm soát trọng lượng cơ thể
Nhờ đặc tính chứa nhiều xanthone, măng cụt giúp giảm cholesterol, hạ huyết áp rất tốt. Khi cholesterol xấu bị lão hóa sẽ sinh ra những mảng bám trong mạch máu. Chất xanthone trong quả có tác dụng làm giảm ảnh hưởng của cholesterol xấu và chống béo phì hiệu quả, rất thích hợp trong việc giảm cân. Đồng thời, cũng khiến các tế bào trở nên mềm hơn, có thể thấm nước và có khả năng chuyển hóa thức ăn thành năng lượng. Điều này khiến chúng ta cảm thấy thoải mái hơn, đồng thời cũng không phải âu lo về vấn đề cân nặng.
5. Lựa chọn măng cụt như thế nào
Khi chọn măng cụt, cần chọn loại có lá màu vẫn còn xanh và vỏ ngoài có màu tím đỏ, dùng ngón tay ấn vào vỏ thấy cứng, bên trong quả măng cụt sẽ tươi, nhiều nước, và ngọt hơn. Còn có một bí quyết nữa khi chọn quả đó là đếm số múi bên ngoài rốn của quả măng cụt thì có thể biết được bên trong có quả có bao nhiêu múi. Khi mua măng cụt về, để tránh bị khô và hỏng, tốt nhất nên để trong túi sạch, lưu lại một ít không khí bên trong, buộc kín lại rồi bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.
6. Hai nhóm người không thích hợp ăn măng cụt
Măng cụt có tính hàn, có thể tiêu hỏa khí, thanh nhiệt giải độc, tuy nhiên người có thể chất hư hàn khi ăn nhiều sẽ thấy khó chịu. Đối với nữ giới trong thời kỳ sinh lý cũng không nên ăn nhiều. Khi ăn cần chú ý, không nên ăn cùng các thực phẩm có tính hàn khác, nhưng nếu lỡ ăn nhiều, có thể dùng đường đỏ pha trà gừng để khắc phục. Ngoài ra, măng cụt cũng chứa lượng đường cao, người bị tiểu đường cần chú ý. Đối với người bình thường, chỉ nên ăn không quá 3 quả mỗi ngày.
Kiên Định
Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung