Theo số liệu của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã có 40 người tử vong vì bệnh dại, trong đó chủ yếu tập trung ở khu vực miền núi phía Bắc, với 80% ca tử vong.
 

Theo Tiền Phong, 40 ca tử vong vì bệnh dại ở các địa phương: Lào Cai (6 ca), Kon Tum (4 ca), Hòa Bình (4 ca), Cà Mau (3 ca), Tuyên Quang (3 ca), Kiên Giang (2 ca), Đắk Lắk (2 ca), Hà Nội (2 ca), Sơn La (3 ca).

Các tỉnh Yên Bái, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Nghệ An, Điên Biên, Quảng Ngãi, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Bến Tre, Bình Phước và Lạng Sơn cùng 1 ca.

Đa số, các ca tử vong đều bị chó cắn nhưng chủ quan không đi tiêm phòng. Đặc biệt, có một số người tìm đến thầy lang và thuốc Đông y sau khi bị chó cắn mà không đi tiêm phòng dại nên dẫn đến hậu quả đau lòng.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh dại có đặc thù là ủ bệnh, phát hiện rất muộn. Thời gian ủ bệnh sau khi bị cắn thường vài tuần, có thể vài tháng, thậm chí hàng năm tùy thuộc vào số lượng và mức độ tổn thương và vị trí của vết cắn có gần thần kinh trung ương hay không.

Trường hợp người bệnh khởi phát dại khi vết thương đã liền da, không còn dấu vết gì của chó cắn, thậm chí quên mất việc bị chó cắn.

Các chuyên gia cảnh báo, để tránh tai biến do chó cắn, tốt nhất khi bị chó cắn, nên đi tiêm phòng ngay, đặc biệt là vị trí cắn ở chỗ nguy hiểm gần thần kinh trung ương như đầu, mặt, cổ…Tiêm phòng vắc-xin càng sớm càng tốt.

Hơn 7 tháng đầu năm, Việt Nam có 40 ca tử vong do chó dại cắn

Ngoài ra, người nuôi cần tiêm phòng dại cho chó, mèo đầy đủ và đúng lịch theo khuyến cáo của các bác sĩ hoặc cán bộ thú y.

Không được bán hoặc tiêu thụ thịt chó, mèo… bị ốm hoặc nghi ngờ dại, tránh bệnh dịch lây lan. Cần nhốt hoặc theo dõi chó, mèo trong vòng 1 tuần nếu có biểu hiện bất thường hoặc ốm, chết thì phải đi tiêm phòng ngay.

Các bước sơ cứu tại chỗ khi bị chó cắn

– Làm sạch: Rửa vết thương dưới vòi nước và xà phòng diệt khuẩn khoảng 10-15 phút để loại bỏ mầm bệnh. Rửa nhẹ nhàng, tuyệt đối không chà xát mạnh.

– Thuốc sát trùng: Sử dụng thuốc sát trùng chuyên dụng, cồn hay nước oxy già để làm sạch vết chó cắn. Dung dịch sẽ loại bỏ vi khuẩn có hại ở mức độ nhất định.

– Cầm máu: Trong quá trình rửa vết thương, bạn không nên cầm máu. 15 phút sau khi bị chó cắn, nếu máu vẫn tiếp tục chảy, đặt gạc y tế lên vết thương và băng lại. Nếu vết thương vẫn chảy nhiều máu, bạn nên nâng cao vùng bị thương để cầm máu.

Trong trường hợp vết thương sâu, máu phun thành tia, dùng dây thun để garô xung quanh vết thương. Sau đó, nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Lan Phương