Đại Kỷ Nguyên

Hỏng niêm mạc dạ dày thậm chí tử vong nếu ăn phải thực phẩm bị tẩy trắng bằng oxy già

Thực trạng các tiểu thương hiện nay dùng chất tẩy trắng như oxy già, javen để hô biến mực thối, tôm thiu… thành tươi ngon để đánh lừa người tiêu dùng. Ăn thực phẩm tẩy trắng bởi hóa chất có thể gây hỏng niêm mạc dạ dày, hệ tiêu hóa, thậm chí gây tử vong.

Hỏng niêm mạc dạ dày thậm chí tử vong nếu ăn phải thực phẩm bị tẩy trắng bằng oxy già

Theo Vietnamnet, bà Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm Tp.HCM cho biết, vừa xử phạt hành chính 84,5 triệu đồng đối với cơ sở chế biến thực phẩm của ông Nguyễn Văn Quảng (số 4B đường Trung Mỹ Tây, quận 12, Tp.HCM).

Khi kiểm tra cơ sở của ông Quảng, đoàn kiểm tra phát hiện các công nhân đang chế biến gần 2,3 tấn lòng heo không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ngoài ra, cơ sở còn có hành vi sử dụng hóa chất H202 (oxy già – chất không thuộc danh mục phụ gia hỗ trợ được phép sử dụng) để làm trắng số lòng heo bị bẩn, đen trước khi tuồn ra thị trường.

Lòng heo được để bừa bãi giữa nền nhà bẩn thỉu (ảnh: Vietnamnet).

Đây không phải là lần đầu tiên cơ quan chức năng phát hiện cơ sở kinh doanh có hành vi vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm. Trước đó, Ban Quản lý An toàn thực phẩm Tp.HCM cũng đã phát hiện 2 vụ vi phạm thực phẩm quy mô lớn trên địa bàn quận 12 và huyện Hóc Môn.

Mực đông lạnh được nhập về từ Đài Loan với giá chỉ từ 20.000-30.000 đồng/kg, sau đó sẽ được các tiểu thương ngâm cho tan đá sau đó ngâm với oxy già và muối rồi bán ra thị trường.

PGS.TS Lê Đức Mạnh, Viện trưởng Viện Công nghiệp Thực phẩm (Bộ Công Thương) cho biết, oxy già là hydro peoxide, công thức hóa học là H2O2, có tính oxy hóa mạnh, có khả năng tẩy trắng và sát khuẩn. Việc dùng oxy già để tẩy trắng phải tuân theo các tiêu chuẩn rất khắt khe.

Nếu sử dụng loại oxy già công nghiệp để tẩy trắng thực phẩm sẽ gây nguy hiểm cho sức khoẻ người tiêu dùng vì trong oxy già công nghiệp có các tạp chất, tuỳ theo các tạp chất trong oxy già là chất gì mà gây nên các bệnh khác nhau như các bệnh về đường ruột, thần kinh, niêm mạc…, theo Vietnamnet.

Mực nõn nà và trắng tinh có thể là mực bị tẩy trắng.

PGS.TS Hoàng Mạnh Hùng chuyên gia hóa chất – nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an), trao đổi với Công Lý: Việc dùng oxy già để tẩy trắng thực phẩm có thể xảy ra nhiều nguy cơ gây hại đối với người tiêu dùng.

Thứ nhất là dùng oxy già để tẩy trắng thực phẩm ôi thiu, thì với oxy già có nồng độ từ 3-5% chỉ tẩy trắng được bề ngoài, còn bên trong thực phẩm ôi thiu, thối thì với nồng độ này oxy già không xử lý được. Việc làm này khiến người tiêu dùng dễ bị đánh lừa rằng mình mua được thực phẩm tươi ngon nhưng thực chất là đã thiu, thối.

Thứ hai là dùng oxy già với nồng độ đậm đặc từ 35-50% (thường dùng tẩy trắng trong công nghiệp) thì nguy cơ gây hại là rất cao. Nhất là khi nồng độ oxy già đậm đặc trong thực phẩm chưa được giải phóng hết mà ăn phải thì nó có thể sinh ra các vấn đề với hệ tiêu hóa như bỏng, tổn thương và nôn mửa, trường hợp nặng có thể bị hủy hoại các tế bào.

TS. Trần Thị Ngọc Lan (Giảng viên Hóa, ĐH Khoa học tư nhiên Tp.HCM) cho biết: “Để nhận biết một cách chính xác đồ ăn, thức uống có hóa chất làm trắng và sử dụng nhiều hay ít thì phải dùng chất thử. Cũng có thể nhận biết bằng mắt thường một số loại thực phẩm nhưng không phải người tiêu dùng nào cũng để ý kỹ khi đi mua”, theo Tuổi Trẻ.

Một số loại thực phẩm có thể nhận biết bằng cảm quan như:

– Măng: Măng tươi tự nhiên thường có màu vàng tươi nhạt, còn măng ngâm hóa chất màu trắng nhợt nhạt hoặc màu vàng đậm do được ngâm bột vàng. Nếu măng tự nhiên để một thời gian sẽ có màu hơi thâm đen trong khi hàng ngâm hóa chất có màu trắng phau. Ngoài ra măng không ngâm hóa chất thường dai, không giòn; còn măng bị ngâm hóa chất giòn, bẻ dễ gãy.

– Hải sản: Hải sản được tẩy trắng bằng oxy già thường có màu trắng trong, nõn nà, đồng đều, nhìn rất bắt mắt. Nhưng để nhận biết các loại tôm, cá, mực… có dùng chất làm trắng hay không thì phải dùng qua chất thử. Nếu người tiêu dùng mua hải sản mà ngửi thấy mùi Clo thì chắc chắn là đã được ngâm nước Javen.

– Bún, phở: Bún, phở có độ trắng tùy theo chất lượng gạo. Người ta hay sử dụng oxalic axit trong việc làm trắng bún. Ngoài ra, chất tinopal có khả năng phát huỳnh quang và gây ra hiệu ứng tán xạ trên bề mặt sản phẩm mà chúng bám vào làm cho sản phẩm sáng trắng và bóng bẩy hơn cũng hay được sử dụng làm trắng bún, bánh phở. Chất này không được phép sử dụng trong sản xuất và chế biến thực phẩm.

– Bì, lòng, dạ dày động vật: Đối với bì, lòng… khi để ngoài không khí một thời gian sẽ không còn trắng nữa. Vì vậy, dấu hiệu để nhận biết thực phẩm đã qua tẩy trắng là màu trắng tinh và không hồng hào. Nếu đã luộc chín, tốt nhất không nên mua nếu thấy trắng quá mức.

H.H

Exit mobile version