Tối 17/10, một cô gái có ngoại hình xinh đẹp sinh năm 1994 được đưa vào cấp cứu tại Khoa Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội do hít bóng cười sau vài tiếng đồng hồ.
Vài năm gần đây, giới trẻ Hà Nội rộ lên một thú vui mới là hít bóng cười, đây là một thú vui nguy hiểm nhưng lại hợp pháp. Trên các con phố, như Mã Mây, Đào Duy Từ, Tạ Hiện, Hàng Buồm…dễ dàng bắt gặp bóng cười được bán công khai tại các quán bia, cà phê vỉa hè. Thậm chí, bóng cười còn được ghi vào thực đơn phục vụ.
Theo các bác sĩ cho biết, cô gái sinh năm 1994 này có biểu hiện choáng váng, buồn nôn, tay chân co giật, chỉ sau vài tiếng tay chân cô gái đã bị mất cảm giác và được đưa đến bệnh viện.
Chưa thể nói chính xác rằng cô gái này bị ngộ độc khí N2O, kết hợp hút shisha, uống rượu trước đó khiến thần kinh bị ức chế và bị đột quỵ dạng nhẹ hay cũng có thể là một bệnh lý thần kinh khác.
Nhưng dù sao đi nữa, thì khí cười vẫn thật sự nguy hiểm và mọi người nên tránh xa để tự bảo vệ mình, không ít người đã bỏ đi sinh mạng và đánh mất chính mình vì nó.
Bóng cười là gì?
“Bóng cười” (hay còn gọi là Funkyball) thực chất là một quả bóng bay được bơm căng chất Nitrous Oxide (N2O) có khả năng tác động mạnh tới một điểm của hệ thống thần kinh gây cười, tạo cảm giác lâng lâng, sảng khoái cho người sử dụng. “Món lạ” trong thực đơn thác loạn này được “chế biến” rất đơn giản. Chỉ cần dùng hai chiếc hộp nhựa đựng bóng, một ống sắt dài và một bình khí nén nhỏ bơm bóng thật căng là có thể “chén” ngay được một cách ngon lành.
Sau mỗi đêm chơi “bóng cười”, người sử dụng thường phải nằm nghỉ vài ba ngày, thậm chí ốm vì cười không kiểm soát quá lâu dẫn đến mệt mỏi. Lúc mệt lả mà hưng phấn vẫn cố hút để cười mà không biết rằng cơ thể cũng cần được nghỉ ngơi”.
Hậu quả khôn lường
Theo phân tích đánh giá của các chuyên gia y tế cả ở Việt Nam lẫn ở nước ngoài thì N2O không phải là dạng khí độc, nó chỉ có tác dụng giảm đau, gây tê, có vị ngọt và không làm mất tri giác. Ngoài ra, nó khiến con người ta phấn khích, luôn trong trạng thái lâng lâng, thiếu tỉnh táo.
Nhưng sử dụng thường xuyên có thể dẫn đến thiếu hụt vitamin B12 nặng và thiếu máu; nó cũng có thể làm giảm sự hình thành của các tế bào bạch cầu. Nếu dùng nhiều sẽ gây hại cho cơ thể và sẽ gây nghiện. Theo các thống kê thì chỉ riêng tại Anh từ năm 2006 đến 2012 đã có 17 trường hợp tử vong liên quan đến sử dụng khí cười và chủ yếu là hít bóng cười dẫn đến.
Bóng cười tưởng chừng mang đến sự vui vẻ, xua tan nỗi buồn nhưng thực chất nó chỉ mang đến cảm giác nhất thời và giả tạo. Sau đó bạn sẽ phải đối mặt với đủ thứ nguy cơ từ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, khiến thân thể mệt mỏi, nguy hiểm nhất là nó khiến người ta đánh mất chính mình, để những thú vui trụy lạc dẫn dắt cuộc sống của mình, đánh mất thời gian, tuổi trẻ, đánh mất bản lĩnh để có thể sống như một con người ngay chính.
Mong rằng các bạn trẻ có thể giữ mình cho vững, làm chủ tương lai và vận mệnh của bản thân thay vì sa đà vào những thú vui nhọc thân, tốn tiền theo sau là những trống trải, hụt hẫng và những khoảng lặng khó mà lấp đầy.
Vĩnh Sinh (tổng hợp)
Xem thêm:
- Bóng cười, ma túy núp bóng thú chơi rẻ tiền: Cười chốc lát, khóc dài lâu
- Làm người cần nhớ kỹ: Cần kiệm là đại đức, xa hoa là đại ác
- Câu chuyện khó tin: Tự cai nghiện mà không cần đến bất cứ hỗ trợ nào kể cả thuốc
Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.