Gần như tất cả các loại thức ăn làm cho trẻ sơ sinh đều chứa ít nhất một kim loại nặng độc hại, có thể gây hại cho sự phát triển não bộ.
Kết luận trên dựa theo một nghiên cứu mới đã thử kiểm tra 13 loại thực phẩm trẻ em khác nhau gồm bánh phồng (puffs), sữa bột trẻ em, bánh quy mọc răng, nước ép, ngũ cốc và thức ăn nghiền.
Nghiên cứu được thực hiện bởi tổ chức phi lợi nhuận có tên Healthy Babies Bright Futures. Họ đã thử nghiệm 168 sản phẩm từ 61 nhãn hiệu để tìm các kim loại nặng: asen (thạch tín), chì, cadmium và thủy ngân. Các loại thực phẩm được mua tại các cửa hàng bán lẻ lớn trên khắp Hoa Kỳ.
95% các sản phẩm thực phẩm cho trẻ em được thử nghiệm có chứa 1 hoặc nhiều kim loại độc hại. Khoảng 1/4 trong số chúng chứa tất cả 4 kim loại nặng trên. Chỉ có 9 trong số các mẫu được thử nghiệm không có kim loại độc hại xuất hiện.
Nghiên cứu chỉ ra rằng FDA đã thất bại trong việc đưa ra các giới hạn an toàn hoặc thậm chí là các hướng dẫn về sức khỏe đối với 88% thực phẩm được thử nghiệm trong nghiên cứu. Các tác giả đã kêu gọi cơ quan này thúc đẩy các nhà sản xuất thực phẩm trẻ em hạ thấp kim loại nặng trong các sản phẩm của họ.
Nhóm này gồm các nhà khoa học, bác sĩ nhi khoa và các chuyên gia khác cho biết, ngay cả lượng kim loại nặng rất nhỏ có trong thức ăn trẻ em cũng có thể làm thay đổi não bộ đang phát triển và ăn mòn IQ của một đứa trẻ. Các tác động tích dồn vào mỗi bữa ăn hoặc bữa ăn dặm cho bé.
“Vấn đề đang chuyển hướng sang gạo”, Y tá Charlotte Brody – Người điều hành Healthy Babies Bright Futures phát biểu.
Bà Brody cho biết gần như tất cả các loại thực phẩm trẻ em làm bằng gạo đều cho kết quả dương tính với độc tố. Các chuyên gia nghĩ rằng sẽ tìm thấy asen trong các sản phẩm gạo. Đó là một vấn đề diễn ra trong nhiều năm. Nhưng họ đã rất ngạc nhiên khi thấy gạo thường bị nhiễm chì, cadmium và thủy ngân.
Bà Brody nói rằng: “Nếu một loại thức ăn trẻ em hoặc đồ ăn nhẹ có chứa gạo, thì thử nghiệm của chúng tôi cho thấy có vấn đề”. Ngay cả khi mua các nhãn hiệu hữu cơ hoặc đắt tiền hơn cũng không giúp ích được bạn vấn đề này.
“Tôi ước gì mình có thể nói bạn có thể mua sắm theo cách của bạn, nhưng bạn không thể”, Bà Brody nói.
Các loại thực phẩm khác có chứa asen bao gồm nước táo, hỗn hợp nước ép trái cây 100% và nước nho.
Bà Brody cho rằng, kim loại nặng trong thức ăn trẻ em để lại hậu quả lâu dài. Chúng đến từ thuốc trừ sâu được phun trong các trang trại qua nhiều thế hệ. Mặc dù hầu hết các sản phẩm có chứa chì và asen độc hại không còn được sử dụng, nhưng tàn dư của chúng vẫn tiếp tục ẩn chứa ở một số khu vực đất nông nghiệp ở khắp nơi trên thế giới.
Trong một tuyên bố tổ chức liên quan cũng chỉ ra vấn đề rằng nhiều chuyên gia nông nghiệp nghiên cứu về an toàn thực phẩm cho biết không thể đạt được thức ăn có hàm lượng kim loại bằng “0” – ngay cả trong thực phẩm tự chế biến từ các thành phần hữu cơ.
Những công ty có thực phẩm trẻ em nằm trong số được thử nghiệm mà báo cáo gọi tên cho biết, họ thường xuyên kiểm tra thực phẩm của mình và cam kết cắt giảm mức độ kim loại nặng ở mức thấp nhất có thể.
“Sức khỏe và sự an toàn của những đứa trẻ mà ăn thức ăn của chúng tôi luôn là ưu tiên số 1 – và sẽ luôn luôn như vậy”, một tuyên bố được đưa ra.
Bà Brody nói rằng sự thay đổi lành mạnh nhất mà cha mẹ có thể thực hiện là tránh xa gạo nhiều nhất có thể. Tìm đồ ăn nhẹ và thực phẩm có chứa các loại ngũ cốc khác, chẳng hạn như bột yến mạch. Thay vì bánh quy mọc răng, hãy sử dụng các loại trái cây đông lạnh như chuối hoặc dâu tây để làm dịu nướu răng cho trẻ.
Khi làm cơm tại nhà, hãy chọn gạo basmati trắng (loại gạo Ấn Độ dài, mảnh, thơm) cho trẻ. Gạo trắng chứa ít asen hơn gạo lức vì asen tập trung trong vỏ trấu. Đúng là gạo lứt có nhiều dinh dưỡng hơn gạo trắng, nhưng kim loại là một vấn đề, vì vậy chúng ta cần phải có được chất dinh dưỡng từ một số thực phẩm khác.
Một nghiên cứu trên Báo cáo người tiêu dùng cho thấy gạo từ California, Ấn Độ và Pakistan có xu hướng chứa hàm lượng kim loại nặng thấp nhất. Thử nghiệm của FDA xác nhận có thể giảm thêm mức asen trong gạo bằng cách nấu thêm với nhiều nước, nấu thành mì ống. FDA khuyến nghị sử dụng 6 – 10 cốc nước cho mỗi 1 chén gạo.
Những thay đổi khác mà cha mẹ có thể thực hiện để giảm kim loại nặng trong chế độ ăn cho bé, bao gồm cho chúng uống nước trắng thay vì nước trái cây và cho trẻ ăn nhiều loại trái cây và rau quả thay vì phụ thuộc quá nhiều vào cà rốt và khoai lang. Vì rau củ, cà rốt và khoai lang có xu hướng hấp thụ nhiều kim loại nặng từ đất hơn các loại sản phẩm khác.
Theo WebMD