Đại Kỷ Nguyên

Khí amoniac NH3 có thể ‘đoạt mạng người nhanh như chớp’

Vụ xì khí ga tại trạm sang chiết ga tại Bình Chánh, TP.HCM hôm qua khiến nhiều người thất kinh. ‘Ngay sau đó có đôi nam nữ công nhân từ bên trong công ty chạy ra kêu cứu, nói ‘không thở được, nóng quá’. Tôi lấy vòi nước xịt thẳng vào người họ. Máu từ miệng họ chảy ra ngoài theo nước’, nhân chứng vụ rò rỉ khí amoniac ngày hôm 10/10 cho hay.

Sự việc xảy ra vào khoảng 9h15 ngày 10/10, tại trạm chiết gas amoniac thuộc công ty TNHH Vĩnh Lộc (số 217B/7 ấp 2, xã An Phú Tây, H.Bình Chánh) khiến 4 người phải nhập viện, hàng chục gia súc, gia cầm của người dân tại khu vực bị chết vì ngạt khí.

Theo báo Thanh Niên, một người phụ nữ tên Tám sống đối diện trạm chiết gas kể lại, vào thời điểm trên, chị nghe thấy tiếng động mạnh trong khu nhà xưởng và ngửi thấy mùi khí cay lan tỏa nồng nặc. Ngay sau đó, 2 người công nhân hoảng loạn chạy ra từ nhà xưởng kêu cứu và gục ngã ngay trước cửa phòng chị, trong đó có một người nôn ra máu. Một phụ nữ lớn tuổi đi ngang qua khu vực cũng bị ngất xỉu. Thấy vậy, người dân vội vàng đưa 3 nạn nhân đi cấp cứu.

Heo gà nằm chết la liệt ở nhà anh Tài (Ảnh: VNE)

Nhà sát trạm sang chiết của công ty Vĩnh Lộc, gia đình anh Nguyễn Tấn Tài chịu thiệt hại nặng nhất. Lúc xảy ra vụ rò rỉ khí vợ chồng anh đi công việc, khi về nhà anh phát hoảng vì 4 chú chó, 5 con heo và đàn gà chục con lăn ra chết trong vườn.

“Cả căn nhà đều có mùi hôi nồng nặc, cay cay ập vào mũi. Nhìn mấy con chó chết thảm, vợ tôi ôm chúng khóc hết nước mắt. Ngoài đám vật nuôi, cây cối trong vườn cũng héo úa, rũ rượi”, anh Tài kể.

VnExpress đưa tin, anh Thành (25 tuổi) – sống gần hiện trường cho biết, vào khoảng hơn 9h nghe thấy tiếng nổ lớn. Nhiều người trong nhà hét lên “nổ khí gas” nên anh và mọi người chạy ra ngoài.

“Tôi thấy hàng chục người gần Công ty Vĩnh Lộc bịt miệng bỏ chạy tán loạn, mùi hoá chất hôi thối nồng nặc xộc thẳng vô mũi. Lúc này tôi mới biết rò rỉ khí từ trạm sang chiết chứ không phải nổ khí gas. Nhiều người không thở được, ngồi gục xuống đường, nước mắt nước mũi ròng ròng….

Ngay sau đó có đôi nam nữ công nhân từ bên trong công ty chạy ra kêu cứu, nói ‘không thở được, nóng quá’. Tôi lấy vòi nước xịt thẳng vào người họ. Máu từ miệng họ chảy ra ngoài theo nước”, anh Thành kể lại sự việc.

Chú chó được cứu sống nhờ dội nước lạnh (Ảnh: VNE)

Do tính chất nguy hiểm của vụ việc, Cảnh sát PCCC huyện Bình Chánh điều một xe xử lý hoá chất cùng 4 xe nước đến hiện trường. Họ phối hợp cùng chính quyền địa phương đưa 200 dân di tản.

Hơn 1.000 học sinh trường tiểu học An Phú Tây 2 – cách hiện trường 500 m cũng được sơ tán khẩn. Ngoài những em được xe cảnh sát chở đi, số còn lại được thầy cô hướng dẫn tìm lối thoát.

Sau khi đo đạc nồng độ Amoniac trong môi trường tại khu vực, Sở Y tế TP HCM thấy nồng độ tại cơ sở sang chiết vẫn còn cao nên khuyến cáo người dân mở cửa cho thông thoáng.

Ba trong bốn trường hợp được đưa đi cấp cứu đã ổn định nhưng vẫn được bệnh viện lưu lại theo dõi, người còn lại vẫn thở oxy.

Theo người dân quanh vùng, năm 2008 trạm sang chiết khí gas này đã từng nổ một lần.

Vậy khí amoniac độc hại như thế nào?

Theo PGS Trần Hồng Côn, khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, ammoniac (NH3) là một trong những loại khí độc rất nguy hiểm. Ở nhiệt độ phòng, amoniac là khí không màu, có mùi hăng khai và nhẹ hơn không khí, dễ dàng hòa tan trong nước.

Khí amoniac thường bị nén dưới dạng lỏng khi ra tiếp xúc với không khí sẽ chuyển thành hơi. Ở dạng hơi nồng độ của nó sẽ rất cao. Vì vậy, những tai nạn về amoniac rất nguy hiểm bởi tốc độ lan rộng của hơi nhanh và ngưỡng gây độc từ tỉnh táo tới hôn mê rất hẹp. Một người vừa nhận thấy có biểu hiện cay mắt đã có thể chuyển sang trạng thái hôn mê khi tiếp xúc ở nồng độ cao”, PGS Côn cho biết.

Như vậy, mức độ nguy hiểm của khí amoniac đối với cơ thể phụ thuộc vào đường tiếp xúc cũng như liều lượng và thời gian. Ở nồng độ cao, khí này có thể ngay lập tức gây phỏng da, mắt, mũi, họng, đường hô hấp, thậm chí dẫn đến mù, tổn thương phổi và tử vong. Hít phải amoniac nồng độ thấp hơn sẽ gây ho, kích ứng mũi, họng, nuốt vào cơ thể gây bỏng miệng, họng và dạ dày.

Khi xâm nhập vào người, NH3 tác dụng với nước trong cơ thể tạo thành amoni hydroxit. Hóa chất này có tính ăn mòn và làm tổn thương tế bào. Các mô tổn thương lại bị thoát dịch sẽ làm biến đổi amoniac thành amoni hydroxit tiếp tục gây phỏng da, mắt, đường hô hấp, tiêu hóa. Chất này còn phá hủy các nhung mao và niêm mạc đường hô hấp là những cơ quan bảo vệ cơ thể chống lại sự nhiễm trùng. Các tổn thương ở đường hô hấp có thể dẫn tới bệnh phổi mạn tính.

Chưa có bằng chứng cho thấy amoniac gây ung thư, cũng không có bằng chứng cho thấy việc tiếp xúc với nồng độ amoniac tìm thấy trong môi trường gây ra dị tật bẩm sinh hoặc các hiệu ứng phát triển khác.

Biểu hiện khi ngộ độc amoniac như thế nào?

Ngộ độc xảy ra nếu hít, nuốt hoặc chạm vào các sản phẩm có chứa một lượng rất lớn các amoniac.

– Hô hấp: Ho, đau ngực (nặng), đau thắt ngực, khó thở, thở nhanh, thở khò khè.

– Mắt, miệng, họng: Chảy nước mắt và đốt mắt, mù mắt, đau họng nặng, đau miệng, môi sứt.

– Tim mạch: Nhanh, mạch yếu, sốc.

– Thần kinh: Lẫn lộn, đi lại khó khăn, chóng mặt, thiếu sự phối hợp, bồn chồn, ngẩn ngơ.

– Da: Môi xanh lợt màu, bỏng nặng nếu tiếp xúc lâu.

– Dạ dày và đường tiêu hóa: Đau dạ dày nghiệm trọng, nôn.

Ảnh hưởng khi tiếp xúc với ammoniac trong một vài phút

Nồng độ (ppm)

Các triệu chứng

Hậu quả

Ít hơn 5.000 Đau nhói ở mắt, miệng, đau khi nuốt, khàn giọng, ho.

Sưng đỏ niêm mạc mắt, môi, miệng,  phù nề họng.

 Phục hồi mà không có biến chứng ở phổi.
5.000 – 10.000 Các triệu chứng trên trầm trọng hơn.Đau thắt ngực, khó nuốt, ho có đờm lẫn máu, tăng nhịp tim và hô hấp, sưng mí mắt, rát màng nhầy. Tử vong do tắc nghẽn đường hô hấp.
Lớn hơn 10.000 Tương tự như các triệu chứng trên.Sốc, bồn chồn, căng thẳng, tím tái, khó thở. Tử vong.

Cần cấp cứu nạn nhân như thế nào?

Lưu ý: Không cho nạn nhân uống natri cacbonat hoặc các loại nước giải khát có ga. Nếu nạn nhân nôn thì phải để đầu thấp hơn chân để tránh vật nôn lọt vào phổi. Sau đó đưa nạn đến trạm y tế hoặc bệnh viện để cứu chữa. Đặc biệt cần quan sát những nạn nhân có triệu chứng nghiêm trọng như ho nặng, kéo dài, phỏng họng… cần đưa đến bệnh viện cấp cứu ngay.

Hoàng Kỳ 

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép

Exit mobile version