Đối với người Việt, việc đốt nhang mang ý nghĩa lớn về mặt tâm linh, nhưng hiện nay người sản xuất nhang vì theo đuổi lợi nhuận đã tẩm các chất hoá học và hương thơm tổng hợp vào cây nhnag dẫn đến khi đốt sẽ sinh ra nhiều chất độc hại.
Ngoài ra việc lạm dụng hương đốt trong nhà của chúng ta cũng góp phần gây nên những tác hại không nhỏ về đường hô hấp, hen suyễn, các vấn đề thần kinh…
Các chuyên gia y khoa, khi đốt nhang bạn cũng cần hết sức chú ý vì những tác hại của khói nhang đối với sức khỏe. Nếu sử dụng quá mức, ngoài gây ra một số bệnh đường hô hấp, chúng còn tác động tiêu cực tới sức khỏe.
Theo Thanh Niên, Th.S-BS Dương Minh Ngọc, Khoa Nội phổi, bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, khói từ chất đốt nói chung (trong đó có khói nhang) có chứa các khí và chất dạng hạt gây độc hại cho cơ thể người, nhất là tác động trên hệ hô hấp.
Trung bình, đốt nhang tạo ra số chất dạng hạt là 45mg cho mỗi gram chất đốt, nhiều hơn so với thuốc lá là 10 mg cho mỗi gram chất đốt.
Bên cạnh đó, các chất khí khác cũng được sinh ra từ việc đốt nhang như CO, CO2, NO2, SO2… và các chất hữu cơ dễ bay hơi khác: benzene, toluene, xylenes, aldehydes, hydrocarbon thơm đa vòng gây nguy hiểm cho người hít.
Dưới đây là một trong số những tác động tiêu cực của khói nhang tới sức khỏe:
Nhiễm độc tế bào
Đốt hương sẽ tạo ra một lượng lớn CO và các chất hóa học có hại khác. Theo Kenneth Offit, Trưởng ban Di truyền học tại Bệnh viện Denver Health, Mỹ, những chất này có ảnh hưởng xấu tới tế bào, làm thay đổi gen di truyền, tạo ra đột biến. Các đột biến này là tiền đề cho ung thư phát triển nhanh chóng.
Gây hại cho đường hô hấp
Trong khi nhiều người cảm thấy ưa thích mùi vị trầm ấm của khói nhang (khói hương), không ít người lại gặp phải các triệu chứng như chóng mặt, sổ mũi, nhức đầu khi hít phải loại khói này.
Solomon Evans, chuyên gia hô hấp kiêm nhà nghiên cứu y sinh tại Bệnh viện Edouar-Herriot (Pháp) cho biết, khói nhang chứa nhiều phân tử có khả năng kích thích hệ thống hô hấp mạnh mẽ.
Loại khói này có thể đi sâu vào phổi và gây ra những cơn ho dữ dội thậm chí rối loạn hô hấp.
Gia tăng nguy cơ mắc ung thư phổi
Payal Bhandari, dược sĩ kiêm tư vấn viên y khoa tại Tổ chức Uqora cho biết, những khí sản sinh từ việc đốt hương không chỉ ảnh hưởng xấu tới vấn đề sức khỏe mà còn tác động tiêu cực tới phổi.
Một nghiên cứu đến từ các nhà khoa học Trung Quốc đã chỉ ra, hít hương đốt thường xuyên ở một không gian hẹp có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi đáng kể.
Gia tăng hen suyễn
Erin Sundermann, nhà khoa học kiêm trợ lý giáo sư, đại học Y California San Diego School cho biết, đốt hương làm không khí bị ô nhiễm và sản sinh ra nhiều hóa chất có hại. Chính điều này là nguyên nhân dẫn tới hen suyễn.
Vì chứa nhiều nhân tố kích thích phổi, hương sẽ làm triệu chứng hen suyễn thêm trầm trọng nếu tiếp xúc thường xuyên.
Gây các bệnh về da
Wilfred Marion, Phó giáo sư y khoa kiêm Trưởng ban da liễu tại Trung tâm Sức khỏe Memorial Sloan-Kettering, Mỹ đã phân tích, khi hương bị đốt cháy, các chất độc và chất gây dị ứng sẽ tiếp xúc với da, làm phá hủy sebum.
Đây là một loại bã nhờn được cơ thể tiết ra có tác dụng giữ ẩm và duy trì độ mịn màng cho da. Một khi bị phá hủy, da bạn sẽ bị khô ráp, dễ dẫn đến dị ứng, thậm chí là nhiễm trùng da. Ngoài ra, khói nhang cũng làm giảm nồng độ globulin miễn dịch E (IgE) – một loại kháng thể chống dị ứng tự nhiên của cơ thể.
Ảnh hưởng tới trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Thường xuyên tiếp xúc với khói nhang đem đến nhiều tác hại, đặc biệt với trẻ nhỏ. Giống như khói thuốc, hương có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ sơ sinh. Vì vậy, bạn nên hạn chế tiếp xúc với loại khí này, đặc biệt là khi mang thai.
Janet Choi, bác sĩ chuyên khoa sản tại trung tâm y khoa Colorado, Mỹ, trẻ em có thể bị bệnh bạch cầu, đột biến gen nếu mẹ của chúng thường xuyên hít phải khói nhang trong quá trình mang thai.
Các vấn đề thần kinh
Bất kỳ loại chất đốt nào cũng đều sản sinh CO và hương không phải ngoại lệ. Các nghiên cứu đã chỉ ra, việc đốt hương trong nhà làm tăng đáng kể nồng độ CO.
Các chuyên gia đã chỉ ra, việc tiếp xúc lâu dài với chất này có thể gây tổn hại tới hệ thần kinh trung ương. Mất trí nhớ và khả năng học tập kém là những gì bạn có mắc phải khi hít nhiều khói hương.
Làm nhức đầu
Một tác hại của khói nhang mà rất nhiều người gặp phải là bị nhức đầu. Ngay khi tiếp xúc với nồng độ CO thấp, bạn cũng có thể gặp phải tình trạng đau đầu, buồn nôn, chóng mặt.
Nếu đóng kín cửa, lượng khí này sẽ mãi luẩn quẩn trong phòng và khiến bạn gặp nhiều vấn đề sức khỏe.
Ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch
Những người thường xuyên sử dụng hương tại nhà có tỉ lệ mắc bệnh tim lên đến 12%. Các số liệu thống kê cũng cho thấy, những người này sở hữu nguy cơ đột quỵ và bệnh mạch vành cao hơn 20% so với những người khác.
Chính vì những tác hại mà khói nhang gây ra, theo BS Minh Ngọc, chúng ta không nên đốt quá nhiều và nên mở cửa thông thoáng để làm giảm nồng độ khói bụi trong nhà.
Riêng đối với những bệnh nhân có bệnh lý về đường hô hấp như viêm mũi dị ứng, hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hay từng bị khó chịu khi hít phải khói nhang, nên tránh tiếp xúc càng nhiều càng tốt.
Cách chọn mua hương tự nhiên
Người mua nên chọn hương có màu vàng sậm tự nhiên, bởi đây là màu của bột thảo mộc. Không chọn loại hương có màu vàng óng vì đó thường là hương nhuộm hóa chất tạo màu.
Ngoài ra, để phân biệt bằng mắt thường, ta có thể tách một ít nhỏ phần bột để nhìn vào màu của tăm hương phía trong. Tăm hương truyền thống có màu nâu đen và sự sần sùi thô mộc, còn nếu có màu vàng suộm và độ láng mịn thì chắc chắn là tăm hương tẩm hoá chất.
Bên cạnh đó, hương thảo mộc truyền thống làm từ các loại gỗ, rễ cây, lá cây ít khói, nhìn xa khoảng 2m gần như không thấy khói. Với một nén hương dài khoảng 40cm thời gian cháy khoảng 1h45 phút – 2 giờ. Còn hương tẩm hóa chất hoặc mùn cưa chỉ cháy khoảng 30 – 45 phút. Hương truyền thống làm từ nhựa cây sẽ thấy khói bốc lên từ lửa đỏ trên nén hương đi theo cột thẳng, không bay loạn xạ, mù mịt khắp căn phòng. Khói màu trắng đục thường là do tẩm hóa chất, hoặc dầu hỏa.
Hương thảo mộc truyền thống khi thắp lên vị hương rất dịu dàng, thơm sâu lắng, thời gian cháy lâu. Hương hóa chất thời gian cháy nhanh, hương thơm sực nức, căng thẳng, mệt mỏi và khói thường cay mắt.
Lưu ý:
- Khi thắp nhang, bạn phải luôn mở cửa thoáng để khói không bị tụ lại một chỗ.
- Những người có tiền sử bệnh về đường hô hấp càng phải tránh hít, ngửi nhiều khói nhang.
- Không nên thiết kế nơi đốt nhang gần chỗ có người ngủ, nghỉ.
- Trong những dịp đặc biệt, chỉ nên thắp 1-3 cây nhang/ngày.
- Không nên cắm chân hương vào đồ ăn để cúng. Vì chân hương được tẩm hóa chất sẽ dẫn truyền vào thức ăn, dễ gây ngộ độc
Phương Nam