Đại Kỷ Nguyên

Kiểm tra đột xuất, phát hiện chất kịch độc aflatoxin có trong ớt bột của nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh

Vừa mới đây Bộ NN-PTNT đã công bố thông tin chính thức quanh vụ 100% mẫu ớt bột được thu thập nhiễm chất Aflatoxin có thể gây ung thư. Theo đó, kết quả kiểm tra cho thấy, có tới 95 mẫu/262 mẫu, chiếm 36,25% số mẫu phát hiện có dư lượng chất Aflatoxin vượt ngưỡng cho phép.

Theo báo Thanh Niên, sau khi có thông tin 100% mẫu ớt bột thu thập đều nhiễm Aflatoxin có thể gây ung thư của Viện Pasteur TP HCM công bố, Thanh tra Bộ NN-PTNT cùng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản và Cục An ninh kinh tế Nông, lâm, ngư nghiệp (A86) tiến hành xác minh.

Đoàn đã thu thập và cho phân tích kiểm tra 262 mẫu ớt bột, ớt khô nguyên liệu của một số cơ sở sản xuất, kinh doanh (chợ và siêu thị) tại 11 địa phương trên khắp cả nước, bao gồm: Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi; Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước.

Kết quả xét nghiệm cho thấy, số mẫu vượt ngưỡng dư lượng Aflatoxin cho phép là 95 mẫu/262 mẫu, chiếm 36,25%. Trong đó, tại cơ sở sản xuất, kho bảo quản chiếm 30,7 %; tại hộ kinh doanh trong chợ chiếm 48,6 %; tại siêu thị chiếm 21,62%.

Nguyên nhân được xác định do hầu hết các cơ sở sản xuất, chế biến, bảo quản, kinh doanh ớt bột khô là quy mô hộ gia đình, điều kiện chế biến, bảo quản không đảm bảo dẫn tới có độc tố vi nấm Aflatoxin trong sản phẩm ớt bột.

Ảnh: thanhnien

Ngoài ra, nhiều nơi có độ ẩm cao, mưa nhiều, không có thiết bị sấy, chủ yếu phơi tự nhiên, bao gói sơ sài dẫn đến ớt bột thường bị nhiễm nấm mốc Aspergillus flavus, Aspergillus parasiticus, đây là nguyên nhân chính sinh ra độc tố Aflatoxin.

Đây thực ra không phải lần đầu tiên các cơ quan chức năng phát hiện và cảnh báo tình trạng ớt bột nhiễm aflatoxin. Loại độc tố này cũng thường được phát hiện trên một số nông sản khác nếu chế biến và bảo quản không đúng cách, đặc biệt là trên lạc (đậu phộng), đậu nành, ngô và gạo.

Theo các chuyên gia, độc tố Aflatoxin rất bền với nhiệt. Ngay cả khi nấu chín ớt bột, đem lạc, ngô bị mốc rang ở nhiệt độ rất cao, các bào tử nấm mốc bị tiêu diệt, nhưng độc tố của chúng vẫn không bị phá hủy hoàn toàn. Các nghiên cứu cho thấy rang lạc ở 150 độ C trong 30 phút, Aflatoxin B1 giảm trung bình 80% và Aflatoxin B2 giảm 60%. Như vậy, lạc mốc dù được chế biến ở nhiệt độ cao, ăn vào vẫn có thể gây nguy hiểm.

Aflatoxin được biết đến là một trong những chất gây ung thư gan mạnh nhất tác động qua đường miệng – nếu hấp thu một tổng lượng 2,5mg Aflatoxin trong thời gian 89 ngày có thể dẫn đến ung thư gan hơn 1 năm sau.

Độc tố này có thể cộng hợp cùng với các yếu tố  nguy cơ khác khiến cho chúng trở nên nguy hiểm hơn. Ví dụ, theo PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur, thì so với người không nhiễm, người đồng nhiễm viêm gan siêu vi B và aflatoxin có nguy cơ ung thư tế bào gan cao gấp 30 lần.

Minh Thành t/h

Exit mobile version