Trong nhãn quan của Đông y, đâu đâu cũng có thuốc, cây cỏ đất đá đều có thể dùng trị bệnh nếu rơi vào tay “cao nhân”. Không những vậy, ngay trên một cây, mỗi từng bộ phận đều là các vị thuốc có công năng khác nhau. Hãy xem trường hợp của chuối tiêu.

Theo Đông y, chuối tiêu có vị ngọt, tính hàn, có tác dụng nhuận tràng, nhuận phế, thanh nhiệt, giải độc. Điều trị trong các trường hợp người bị táo bón, mụn nhọt, bị xuất huyết do trĩ, tăng huyết áp, bệnh mạch vành và giúp an thai…

Nghiên cứu của y học hiện đại cho thấy, chuối tiêu giàu chất dinh dưỡng, chứa nhiều protein, lipid, đường, cellulose, kali, canxi, sắt, phốt pho, các vitamin A, B, C, E… Chuối tiêu ít natri, không có cholesterol, nhiệt lượng thấp hơn các loài hoa quả nói chung, ăn thường xuyên cũng không gây béo phì.

Một nhà dinh dưỡng học người Đức còn phát hiện, chuối tiêu có tác dụng điều trị nhất định đối với các bệnh về tâm thần như dễ kích động, trầm uất… Vì vậy, ăn chuối tiêu giúp tâm lý vui vẻ, điều tiết trạng thái tinh thần.

Mỗi ngày ăn 1 – 2 quả chuối tiêu đều đặn, có thể giảm bớt các triệu chứng tai biến mạch máu não (trúng phong), cao huyết áp… do chuối có hàm lượng kali cao.

Ăn chuối tiêu giúp tâm lý vui vẻ, điều tiết trạng thái tinh thần. (Ảnh: Wizaz.pl)

Theo Đông y, chuối tiêu có vị ngọt, tính hàn; vào vị, đại tràng, có công năng tư âm, nhuận tràng, nhuận phế, thanh nhiệt, giải độc. Dùng để chữa các chứng bệnh táo bón, sốt, mụn nhọt, bị xuất huyết do trĩ, tăng huyết áp, bệnh mạch vành, viêm gan vàng da, sưng tấy… Ngoài ra, quả chuối tiêu xanh, dầu chuối, hoa chuối, lá chuối, củ chuối đều có thể dùng làm thuốc.

Vỏ chuối: Có tác dụng trị nấm, vi khuẩn; đem sắc vỏ chuối lấy nước rửa có thể trị hắc lào, viêm ngứa da.

Hoa chuối: Đem đốt lấy tro toàn tính, tán bột, hòa nước muối có thể trị được bệnh đau dạ dày.

Lá chuối: Giã, trộn nước gừng đắp vào chỗ sưng do nhiễm trùng, có công hiệu tiêu viêm, giảm đau.

Dầu chuối: Có tác dụng chữa phong nhiệt, phiền khát, bôi chữa vết bỏng da. Việc chải đầu bằng dầu chuối giúp chữa chứng tóc khô vàng, làm đen tóc.

Củ chuối: Chứa chất phenol, nước củ chuối có tác dụng nhanh chóng hạ sốt đối với người mắc bệnh “viêm não B” bị sốt cao, chữa mụn nhọt.

Hoa chuối trị đau dạ dày. (Ảnh: philstar.com)

Dưới đây là một số bài thuốc dân gian chữa bệnh từ chuối tiêu

Chữa tiểu ra máu: Củ chuối tươi 120g, cỏ nhọ nồi 30g. Sắc lấy nước, uống trong ngày.

Chữa trĩ ra máu: Chuối 2 quả, để cả vỏ, nấu chín, ăn trong ngày, dùng nhiều lần.

Chữa phế nhiệt, đàm suyễn: Củ chuối tươi 60g, rau sam 30g. Giã nát ép lấy nước, đun âm ấm để uống.

Chữa mụn nhọt ở sống lưng, viêm cơ: Củ chuối hay rễ chuối, giã nát đắp chỗ đau.

Chữa trúng độc do ăn uống: Củ chuối tiêu 200g – 500g, thái miếng, sắc đặc lấy 1 bát. Cho uống để gây nôn.

Phòng và chữa viêm loét dạ dày: Chuối tiêu xanh thái lát, phơi hay sấy ở nhiệt độ dưới 500C, tán bột. Ngày uống 20 -30g.

Chữa táo bón, trĩ nội, ngoại xuất huyết: Chuối chín 2 – 3 quả, để cả vỏ luộc chín, có thể ăn cả vỏ.

Chữa viêm phế quản, ho khan, đờm ít dính: Chuối chín 2 – 3 quả, 2 thìa mật ong, 400 ml nước sôi. Lấy 1 chiếc thìa và trộn chuối nhuyễn ra, sau đó cho chuối vào bình và thêm nước sôi. Đợi 30 phút cho nước trong bình nguội, sau đó thêm mật ong vào hỗn hợp. Mỗi lần uống 1000ml, uống 4 lần/ngày.

Chuối chín và mật ong có tác dụng chữa ho hiệu quả. (Ảnh: beleza.vn)

Phòng và chữa bệnh cao huyết áp: Ngày ăn 3 lần, mỗi lần 1 – 2 quả, ăn trong 2 tháng.

Chữa ngứa da: Sắc vỏ chuối lấy nước rửa.

Chữa bỏng da: Dùng dầu chuối bôi, ngày 1 – 3 lần.

Chữa nứt nẻ da chân tay: Chuối tiêu 1 quả, chuối nhừ càng tốt, sấy nóng. Mỗi buổi tối rửa tay chân bằng nước ấm, xoa chuối vào chỗ đau, dùng liên tục sẽ khỏi.

Lưu ý khi dùng chuối

  • Chuối tiêu tính hàn nên người bị bệnh tỳ vị hư hàn, tiêu chảy không nên ăn nhiều.
  • Phụ nữ trong kỳ kinh nguyệt không nên ăn nhiều vì dễ gây ra đau bụng kinh.
  • Không ăn chuối chưa chín tới vì dễ gây táo bón.
  • Không ăn chuối tiêu trường kỳ khi bụng đói.
  • Người mắc bệnh tiểu đường và tim mạch nên hạn chế ăn chuối tiêu.

Lan Oanh