Tại bang Puducherry Ấn Độ, 3 anh em trai vẫn giữ truyền thống gia đình để tiếp tục điều trị cho bệnh nhân bằng cách sử dụng phương pháp nắn xương truyền thống còn gọi là “putter kattu” mà không cần đến chụp X-quang, thuốc giảm đau hay bó bột.
Ba anh em Murugappam R., Ayappan và Kannen là những người chữa bệnh đời thứ 3. Họ làm việc trong phòng khám nhỏ chỉ có một gian ở làng Abishegapakkam, thuộc bang Puducherry, bờ biển phía đông nam của Ấn Độ. Tuy nhiên, họ vẫn luôn rất đông bệnh nhân.
Mặc dù sống tại một ngôi làng nhỏ, hẻo lánh với khoảng 400 hộ gia đình nhưng phòng khám của họ không hề vắng bệnh nhân.
Vào một ngày trong tuần của tháng Giêng, người ta xếp hàng dọc theo các bức tường, cả đứng lẫn ngồi, trong khi hơn 100 người nữa đứng đợi bên ngoài, ở khu nhà chờ chỉ có mái che.
Phương pháp thăm khám
Điều đầu tiên các thầy lang làm là cảm nhận khu vực có xương bị gãy, trật khớp hay bong gân.
“Chạm vào xương, ông ấy có thể nói vấn đề gì đã xảy ra”
Hariharan M., con trai của thầy lang chữa lành xương bằng phương pháp cổ truyền Murugappam R.
Động tác của họ nhanh, thậm chí mạnh, và khiến bệnh nhân khóc vì đau do những bộ phận trên cơ thể họ bị vặn và thúc để đánh giá sự chấn thương. Tay của các thầy lang lướt nhanh và khéo léo, cho thấy các kỹ năng và sự lành nghề đã tích lũy được sau nhiều năm kinh nghiệm.
Chuyên môn kỹ thuật của họ là một phần của việc thăm khám, còn lại là thứ mà họ đắp lên trên chỗ vết thương. Nó được làm từ một loại thảo dược phổ biến có tên gọi là “Tinnevelly senna” trong tiếng Anh, hoặc định danh thực vật là Cassia lanceolata.
Theo một nghiên cứu có tiêu đề “Puttur kattu (băng bó) – một phương pháp nắn xương ở miền nam Ấn độ” đăng trên Tạp chí y học Ayurveda và Tổng hợp, khả năng chữa lành vết thương của Tinnevelly senna đã được khám phá ra vào năm 1881 bởi một người đàn ông tên K.Kesava Raj.
Theo nghiên cứu này, Raj đã phát hiện cây thảo dược khi anh ta bọc một con thỏ bị thương trong lá của cây này và thấy con thỏ phục hồi nhanh hơn mong đợi.
Những thầy thuốc thực hành puttur kattu nghiền thảo dược ra thành bột mịn và trộn chúng với những nguyên liệu khác, rồi đắp lên chỗ đau. Sau đó, họ quấn cơ thể bằng gạc, và trong một số trường hợp có thể dùng thanh tre để cố định xương.
Ngoài ra, với một số bệnh nhân, họ chỉ sử dụng một băng đeo đơn giản làm từ chính miếng gạc dùng để quấn quanh bộ phận thân thể bị đau.
Truyền thống gia đình
Những người anh em này ít nhất cũng là thế hệ thầy lang thứ 3 trong gia đình họ, mặc dù họ không biết ông nội mình đã học được phương pháp này từ ai và ở đâu.
Cũng như những phương pháp chữa bệnh cổ truyền khác tại Ấn Độ, chủ yếu nó được hành nghề để phục vụ cộng đồng hơn là để kiếm tiền.
Murugappam R, người anh cả trong 3 anh em cho biết: “Tôi đã học nó để phục vụ mọi người”. Gia đình anh chỉ lấy phí từ 75 – 150 ru-pi (khoảng 1,2 – 2,4 đô-la Mỹ) cho mỗi lần điều trị của mình, một phần nhỏ so với những gì có thể phải trả trong bệnh viện hiện đại. Anh Hariharan nói: “Như thế là đủ với chúng tôi”.
Để tiện so sánh, tại trung tâm dưỡng lão Valli Vilas gần Puducherry, việc điều trị cho hai mắt cá chân bị thương có thể mất tới 35.000 ru-pi (564 đô-la Mỹ).
Nhưng không chỉ có người nghèo và thất học mới tìm tới những thầy lang như thế này. Nghiên cứu đã nói ở trên về puttur katty đã được thực hiện ở một phòng khám ở phía tây nam bang Andhra Pradesh trong thời gian 3 năm, cho thấy có gần 51% trong số 146 bệnh nhân được phỏng vấn là đã từng được học đại học.
Nghiên cứu đã kết luận “Trình độ giáo dục không phải là rào cản để đến với phương pháp cổ truyền này”.
Phần tiếp theo của nghiên cứu với 52 bệnh nhân của phòng khám cho thấy, 37 người trong số họ (tương đương với 71%) đã hài lòng với việc điều trị, tuy nhiên cần phải nghiên cứu thêm nữa để có thể đánh giá tốt hơn về hiệu quả của việc chữa trị này.
Ở một quốc gia như Ấn Độ, nơi hệ thống y tế công cộng còn nghèo nàn và liệu pháp truyền thống lại hiệu quả và rẻ, những thầy lang như thế này sẽ vẫn còn phổ biến đối với mọi tầng lớp xã hội.