Chu Đan Khê nhớ lại vợ con mình, chú, bác, anh em đều chết về tay những ông thầy lang dốt nát nên cảm khái nói rằng: “Nếu tôi học được tinh thông môn y thuật, trị bệnh cứu người, tuy không làm quan, cũng giống làm quan vậy”. Nói rồi, ông đem toàn bộ sách vở đốt hết, từ bỏ ý niệm khoa cử, dốc lòng dốc sức cho sự nghiệp y học.

Chu Đan Khê (1281~1358) tên là Chấn Hanh, tự Ngạn Tu, người Xích Ngạn, Nghĩa Ô nay là thành phố Nghĩa Ô tỉnh Chiết Giang. Ông thông minh hiếu học từ nhỏ, đọc qua một lần có thể lập tức ghi nhớ, mỗi ngày ghi chép cả ngàn chữ. Năm 36 tuổi ông cùng với đệ tử 4 đời của Chu Hy là Hứa Khiêm nghiên cứu lý học. Về sau Hứa Khiêm mắc bệnh nặng, nằm liệt giường, khuyên ông đổi hướng học y để cứu đời. Ông nhớ lại vợ con mình, chú, bác, anh em đều chết về tay những ông thầy lang dốt nát nên cảm khái nói rằng: “Nếu tôi học được tinh thông môn y thuật, trị bệnh cứu người, tuy không làm quan, cũng giống làm quan vậy”. Nói rồi, ông đem toàn bộ sách vở đốt hết, từ bỏ ý niệm khoa cử, dốc lòng dốc sức cho sự nghiệp y học.

Chu Đan Khê thông minh hiếu học từ nhỏ, đọc qua một lần có thể lập tức ghi nhớ (Ảnh: sohu.com)

Để lưu lại cho đời sau, ông cần mẫn biên soạn không ngơi nghỉ. Ông biên soạn trên 20 loại sách, trong đó Cách Trí Dư Luận, Cục Phương Phát Huy, Đan Khê Tâm Pháp là các sách tiêu biểu. Những câu chuyện thú vị trong những năm hành nghề của ông dưới đây làm người đời sau luôn nhớ tới và gọi là thần y.

1. Câu chuyện khi tìm thầy học nghề

Một lần nọ để học tập và nâng cao tay nghề, Chu Đan Khê ẩn danh tới Tô Châu học nghề của một thầy thuốc nổi tiếng tên Cát Khả Cửu. Sau ba tháng, Cát Khả Cửu phát hiện khả năng chẩn mạch và bốc thuốc của ông đôi khi còn hơn mình nên vô cùng coi trọng.

Qua một thời gian, thầy ông trở nên buồn bã, ít nói cho gọi ông tới và nói muốn đi thăm bạn giao phó mọi việc chữa bệnh cho ông, lại dặn con gái ở nhà phải hết mực nghe lời sư huynh. Ngày nọ vô tình quan sát con gái của thầy dạy và phát hiện cô có bệnh liền gọi cô tới xem mạch và xem lưỡi. Sau khi chẩn mạch, ông nói bệnh sư muội ở trên cánh tay trái, ngày mai hoặc ngày kia sẽ bị sưng, ngứa và lở loét, nếu không kịp thời chữa trị có thể sẽ bị tàn phế suốt đời, rồi kê đơn thuốc uống và cao dán cho cô. Ba ngày sau tay trái sư muội quả nhiên sưng đỏ, năm ngày sau thâm tím vô cùng đau đớn lại bị chảy mủ và máu ba ngày ba đêm. Chu Đan Khê điều trị cho cô nửa tháng khi bệnh tình dần hồi phục thì thầy dạy của ông quay về, nhìn thấy con gái thì vô cùng ngạc nhiên vội vàng hỏi ông: “Con gái tôi bị đau tim, là căn bệnh không chữa trị được. Cậu dùng thuốc gì mà chữa khỏi cho nó vậy?”

Để lưu lại cho đời sau, Chu Đan Khê cần mẫn biên soạn không ngơi nghỉ.(Ảnh: pinterest.co.kr)

Chu Đan Khê trả lời: “Tôi cũng chưa điều trị bệnh đau tim bao giờ. Tôi nghĩ nếu nói thẳng với sư muội cô ấy sẽ sợ hãi, nên nói bị đau cánh tay trái để cô ấy chú ý tới đó. Lại vừa dùng thuốc uống loại trừ độc tố bên trong, thoa ngoài da để dẫn độc ra ngoài. Bệnh của sư muội cuối cùng đã khỏi”

Cát Khả Cửu nói: “Ta cũng phát hiện con gái mình bị bệnh, nhưng không biết cách nào điều trị nên mới mượn cớ đi thăm bạn để đi tìm cây thuốc, cảm ơn cậu đã trị khỏi bệnh cho con gái ta”. Từ đó ông truyền thụ tất cả bí quyết trong ngành cho Chu Đan Khê.

2. Câu chuyện nhặt đậu chỉnh ngôi thai

Chuyện rằng có một phụ nữ mang thai gần tới tháng sinh, một ngày nọ khi đang thu dọn bát đĩa, kiễng chân định với chiếc giỏ treo trên tường thì bị đau bụng dữ dội. Cơn đau kéo dài liên tục cả ngày lẫn đêm, uống rất nhiều thuốc an thai không đỡ. Khi tới thăm khám cho bệnh nhân và thấy ở góc nhà có một sọt đậu đỏ, bèn rải ra khắp nền nhà, rồi bảo sản phụ uống một bát thuốc và đi nhặt đậu.

Ảnh minh họa (Ảnh: sohu.com)

Người phụ nữ vừa ngẩn người khó hiểu hồi lâu rồi vừa nén cơn đau và làm theo lời thầy thuốc. Sau khi nhặt xong thì cơn đau bụng cũng giảm bớt. Thần y lại dặn dò người nhà áp dụng theo cách ông vừa làm và đưa thêm ba thang thuốc sắc uống. Sau ba ngày, cơn đau của sản phụ dần biến mất và không lâu sau sinh con một cách thuận lợi. Có người tò mò bèn tới hỏi Chu Đan Khê về y lý ông nói: “Cơn đau bụng của chị ấy là vì ngôi thai bị ngược. Ngôi thai ngược không thể chỉ dùng thuốc điều trị mà cần hoạt động của tự thân để chỉnh lại ngôi thai sau đó dùng thuốc an thai mới có hiệu quả. Tôi bảo chị ấy nhặt đậu như vậy người có lúc khom lưng lúc đứng thẳng sẽ làm ngôi thai dần dần đúng vị trí”

3. Câu chuyện trị “bệnh quan tài”

Thi Vương Tôn là một công tử ăn chơi phong lưu sống trong thành huyện Kim Hoa. Cậy mình giàu nên tìm cách bắt cóc Phương Giảo Tiên một cô gái thôn nữ nết na hiền lành ép hôn. Vì cô gái khăng khăng dù chết không bái đường nên bị anh ta nhốt trong phòng. Sáng hôm sau đột nhiên Thi Vương Tôn ngứa ngáy khắp toàn thân, mặt mũi càng ngày càng sưng to không biết là bệnh gì.

Ảnh minh họa

Chu Đan Khê được mời tới thăm khám, sau một hồi thăm khám và quan sát phòng tân hôn ông đã phán đoán ra nguyên nhân bệnh. Biết bệnh nhân tâm địa độc ác nên nói với mẹ anh ta: Con trai bà mắc một căn bệnh gọi là “bệnh quan tài”. Bệnh này không cần uống thuốc, chỉ cần làm hai việc sau: thứ nhất, hãy trả cô gái anh ta định kết hôn về nhà mẹ kể cả đồ trang sức phấn son; thứ hai chặt mười sáu cây thông đóng thành một cỗ quan tài cho anh ta vào ăn ngủ trong đó. Ba ngày sau đảm bảo bệnh sẽ khỏi”. Người nhà Thi Vương Tôn làm theo lời ông quả nhiên bệnh của vị công tử ăn chơi nọ khỏi hẳn.

Sau này, một người học trò xin ông giải thích, ông ôn tồn trả lời: “Người hiểm ác bị bệnh về lý trước tiên cần trị thói hung ác sau mới trị gốc bệnh. Đây vẫn là chứng bệnh mẩn ngứa dị ứng sơn phổ biến, chỉ cần dùng nước vỏ thông tắm toàn thân là khỏi. Ta bảo ngủ trong quan tài được làm bằng gỗ thông ba ngày hiệu quả trị bệnh cũng như nhau”

4. Câu chuyện nước lạnh dội đầu

Một nông dân nọ ở khu Kim Hoa bị đau phế đã chạy chữa khắp nơi không hiệu quả. Học trò của Chu Đan Khê là Quản Nguyên Đức mời ông tới thăm khám. Hai thầy trò thảo luận một hồi rồi đưa ra cách trị bệnh. Trước tiên ông bảo bệnh nhân cởi áo, dùng kim dài châm chính xác vào vị trí đau, quan sát thấy bệnh nhân vẫn đang bình thản như không bèn dùng một chậu nước lạnh dội từ trên đầu xuống từ phía sau. Lại lập tức đâm thẳng một cây kim vào vùng phế của bệnh nhân rồi lập tức rút ra, không lâu sau máu và mủ đẩy ra.

Ảnh minh họa (Ảnh: sciencearts.com)

Sau khi khỏi bệnh, người nông dân hỏi Chu Đan Khê nguyên cớ tại sao lại dội nước vào đầu mình. Ông giải thích: “Vị trí đau của phế ở bên cạnh tạng tâm, chỉ cần hơi không lưu ý châm nhầm kim vào đó anh sẽ mất mạng. Nên khi trị bệnh tôi đã dùng nước lạnh đột ngột dội vào để anh giật mình, tạng tâm sẽ đột nhiên co lại, tâm sẽ hướng lên trên. Tôi nhân cơ hội đó châm một kim vào sẽ không thể làm tổn thương tới tạng tâm. Dội nước chính là điều cốt yếu giúp thủ thuật có thể thành công”

Trong trị bệnh, Chu Đan Khê chủ trương tránh vượng hỏa, tiết chế ăn uống, sắc dục để bảo dưỡng âm tinh. Ông đề xướng nguyên tắc tư âm, giáng hỏa (bổ âm hạ hỏa). Vì ông giỏi dùng phép này,’ cho nên đời sau gọi ông là thầy thuốc ‘tư âm phái’. Ông mất năm năm 1358, hưởng thọ 77 tuổi.

Theo zhengjian.org
Kiên Định