Đại Kỷ Nguyên

Kỳ y dị thảo: Câu chuyện về nguồn gốc của cây nhân sâm

Nhân sâm là thảo dược quý hiếm, đứng đầu trong 4 vị thuốc thượng hạng (sâm, nhung, quế, phụ) của Đông y. Tương truyền Sơn Đông mới thực sự là quê hương bản quán của loại thảo dược này và xung quanh nó còn có một câu chuyện đầy thú vị.

Tại sao lại gọi là nhân sâm?

Chữ Nhân tức là người, chữ Sâm trong chữ tham, là tham gia, là chen vào. Con người nào có tài cao đức trọng được chen vào ngang hàng với trời đất, gọi là tam tài (3 giới Thiên – Địa – Nhân). Sâm này có công bồi bổ mà cứu vớt người ta trong cơn bệnh nguy nan, rất là đắc lực. Thực là thứ Sâm rất quý, nên mượn nghĩa chữ Nhân mà đặt tên là Nhân Sâm. Lại có sách chép: Củ Nhân sâm có đầu có mình và tay chân tựa như hình người, nên gọi là Nhân sâm.

Chuyện về nguồn gốc cây nhân sâm

Xa xưa tại tỉnh Sơn Đông có ngọn núi tên Vân Mộng và trên đó cũng có ngôi chùa cùng tên. Trong chùa có hai hòa thượng một thầy một trò sinh sống. Dù là người xuất gia, nhưng lão hòa thượng không hề nhất tâm tụng kinh niệm Phật, cũng không làm việc mà dồn hết cho tiểu hòa thượng. Không những vậy còn hành hạ ngược đãi cậu bé đến nỗi càng ngày càng gầy yếu xanh xao.

Ngày nọ, khi lão hòa thượng xuống núi và tiểu đồ đệ đang bận việc trong chùa, có một cậu bé mặc yếm đỏ không biết từ đâu bỗng dưng xuất hiện, cười nói vui vẻ và giúp tiểu hòa thượng làm việc và biến mất khi có người.

Theo Thần nông bản thảo kinh, nhân sâm được dùng trị chứng chân khí suy kém, cơ thể thường xuyên có cảm giác mệt mỏi, đoản hơi, đoản khí, chân tay lạnh, mạch yếu, người gầy yếu, cơ thể mới ốm dậy, kém ăn, trí nhớ suy giảm.

Cứ như vậy một thời gian lâu sau đó, lão hòa thượng phát hiện tiểu đồ đệ của mình có sự khác lạ. Cho dù có giao bao nhiêu công việc nặng nhọc, cậu đều có thể làm hết nhưng vẫn rất khỏe mạnh, sắc mặt luôn trắng hồng. Tò mò hoài nghi, ông gọi tiểu hòa thượng tới đánh đập tra hỏi quyết tìm ra nguyên nhân.

Bị dồn hỏi nhiều, không còn cách nào khác tiểu hòa thượng phải kể lại toàn bộ sự việc. Lão hòa thượng trong lòng nghĩ ngợi: “Ở nơi thâm sơn cùng cốc vắng vẻ không có người này sao có thể xuất hiện cậu bé yếm đỏ? Phải chăng đó chính là thần gậy cỏ (nhân sâm)?”

Suy nghĩ hồi lâu, lão lấy một sợi chỉ đỏ trong rương, xỏ qua đầu cây kim, đưa cho tiểu hòa thượng, rồi dặn dò kỹ lưỡng: “Đợi khi nào cậu bé đó đến đây, nhà ngươi hãy lén lén đâm cây kim này vào cái yếm của nó”.

Ngày hôm sau, lão hòa thượng lại đi xuống núi. Tiểu hòa thượng vốn dĩ muốn đem mọi chuyện kể cho cậu bé yếm đỏ nghe nhưng lại sợ chửi mắng đánh đập, đành nhân lúc cậu bé vội vã chạy về nhà, liền đâm cây kim vào cái yếm của cậu.

Hôm sau, trời vừa sáng, lão ta bắt tiểu hòa thượng nhốt lại trong chùa và mang theo cây cuốc, lần theo dấu vết sợi chỉ đỏ để lại đi vào rừng. Đi mãi, đi mãi thì phát hiện thấy bên cạnh một cây thông già, có cây kim cắm vào mầm cây non nhỏ ở dưới. Lão vô cùng mừng rỡ, liền gắng sức mà đào, cuối cùng đào được một cây “sâm đồng” , tức ‘cậu bé nhân sâm‘.

Lão hòa thượng mang “cậu bé nhân sâm” về chùa, bỏ vào nồi, thêm nước, rồi đậy nắp lại, còn lấy một tảng đá lớn đè lên. Sau đó, lão bắt tiểu hòa thượng nhóm lửa nấu chín. Thật không may ngay đúng lúc đó, người bạn thân của lão hòa thượng có việc gấp cần tìm lão xuống núi, lão gắng sức từ chối mãi mà không được. Trước khi đi, lão dặn đi dặn lại: “Ta còn chưa về, tuyệt đối không được mở nắp nồi ra”.

Sau khi lão ta đi rồi, từ trong nồi không ngừng tỏa ra mùi hương kì lạ, hiếm thấy trên đời. Tiểu hòa thượng rất lấy làm tò mò, mặc kệ lời dặn của thầy, đẩy tảng đá để sang một bên và mở nắp nồi. Thì ra trong đó đang nấu một củ nhân sâm hương thơm xông vào mũi. Cậu bóc thử một miếng bỏ vào miệng nếm, cảm thấy thơm ngọt lạ kỳ. Không nghĩ ngợi gì thêm, tiểu hòa thượng liền ăn hết củ nhân sâm và uống hết cả nước.

Cậu bé yếm đỏ chính là do củ nhân sâm biến hóa mà thành (Ảnh: read01.com)

Không lâu sau, có tiếng bước chân của lão hòa thượng vọng tới, tiểu hòa thượng biết rằng thầy mình đang tiến vào. Giật mình chẳng biết làm sao cậu liền cắm đầu bỏ chạy, trong phút chốc cảm thấy toàn thân nhẹ nhàng, rồi bay lên không trung mà đi mất. Lão hòa thượng trông thấy cảnh này, biết ngay “cậu bé nhân sâm” đã bị tiểu đồ đệ ăn mất, hối hận vô cùng.

Thì ra, cậu bé yếm đỏ chính là củ nhân sâm đó biến thành. Dưới gốc cây thông già có một đôi nhân sâm. Kể từ sau khi “cậu bé nhân sâm” bị lão hòa thượng đào mất, củ sâm còn lại dưới gốc thông ngày đêm khóc lóc vô cùng thảm thiết. Thông già nói: “Con ngoan, đừng khóc nữa. Ta sẽ đưa con đi đến vùng Quan Đông, ở đó dân cư thưa thớt, ta có thể chở che cho con mãi mãi”. Nhân sâm không khóc nữa, mà cùng thông già dọn đến chỗ rừng sâu núi thẳm chốn Quan Đông, ổn định cuộc sống trên núi Trường Bạch. Kể từ đó, nhân sâm ở Vân Mộng, Sơn Tây ngày một mất dần, còn nhân sâm trên núi Trường Bạch, vùng Quan Đông càng ngày càng nhiều thêm.

Tác dụng của nhân sâm

Theo Thần nông bản thảo kinh, nhân sâm được dùng trị chứng chân khí suy kém, cơ thể thường xuyên có cảm giác mệt mỏi, đoản hơi, đoản khí, chân tay lạnh, mạch yếu, người gầy yếu, cơ thể mới ốm dậy, kém ăn, trí nhớ suy giảm, người ở trạng thái căng thẳng thần kinh, trong người nóng, háo khát, đái tháo, tim loạn nhịp, sinh dục kém, trẻ em quá gầy yếu, chậm lớn.

Có thể chỉ dùng 1 vị sâm: nhân sâm thái mỏng, hãm với nước sôi, nhiều lần, ngày có thể dùng 4-10g. Hoặc ngâm rượu: 50g nhân sâm thái mỏng ngâm rượu 3 lần. Lần 1 ngâm với 600ml rượu 35-40 độ, ngâm 1 tháng; lần 2 ngâm 500ml trong 3 tuần; lần 3 ngâm với 400ml rượu trong 2 tuần. Sau gộp dịch chiết 3 lần. Ngày uống 20-30ml.

Theo zhengjian
Kiên Định biên dịch

Loạt bài Kỳ y dị thảo, đành rằng trích dẫn từ sử sách xưa lưu lại, nhưng có thể có nhiều tình tiết mà độc giả khó lòng liễu giải, nhất là chiểu theo y học hiện đại. Thực ra, y lý thường phức tạp hơn những gì người ta có thể nhìn thấy ở bề mặt, hoặc đọc được trong sách. Thêm vào đó, y học dân gian thậm chí là Đông y có nền tảng lý luận khác nhau nhiều so với y khoa thực chứng. Do vậy có lẽ chúng ta cũng chỉ nên xem đây như những câu chuyện để tham khảo, nhất định không được thử làm theo.

Exit mobile version