Từ xa xưa Đương quy được coi là vị thuốc chính của phụ khoa hay sản khoa, chuyên trị thiếu máu, đau bụng, kinh nguyệt không đều. Quanh nguồn gốc của thảo dược này còn có một câu chuyện khá thú vị.
Đương quy còn gọi Xuyên quy, là rễ đã phơi hay sấy khô của cây Đương quy, tên tiếng Anh là Angelica sinensis (Oliv.) Diels, thuộc họ Hoa tán (Apiaceae). Theo Đông y, thảo dược này có vị ngọt cay, tính ôn, vào kinh Tâm, Can và Tỳ, có thể bổ huyết, hoạt huyết, điều kinh chỉ thống, nhuận tràng… Đây là lựa chọn hàng đầu cho người thể trạng gầy yếu, trẻ nhỏ và phụ nữ (đặc biệt là thai phụ) để điều khí, nuôi huyết, bồi bổ cơ thể, trị chứng thiếu máu do tác động vào cả 3 kinh: Tâm, Can, Tỳ; giúp bổ ngũ tạng; khí vận hành tốt nhờ đó sinh huyết dồi dào, đả thông kinh mạch chính vì vậy mà sức khỏe được nâng lên. Từ thời Minh, có một câu chuyện khá hấp dẫn thú vị về nguồn gốc của thảo mộc này.
Câu chuyện về nguồn gốc của Đương quy
Truyện kể rằng, xa xưa bên dòng sông Bạch Long, thuộc tỉnh Cam Túc, có một làng rất trù phú. Cạnh đó là núi Đại Sơn hùng vĩ thâm nghiêm với rừng rậm bao quanh. Đây là một kho tàng dược thảo quý nhưng cũng rất nguy hiểm vì trong rừng đầy những thú dữ và rắn độc, làm quanh năm không ai dám vào rừng săn bắn hay hái thuốc.
Trong làng có chàng thanh niên cần cù chăm chỉ nho nhã tên gọi Vương Phúc chuyên kiếm sống bằng nghề hái thuốc. Mặc dù biết đây là khu rừng nguy hiểm nhưng vẫn muốn đi vào để tìm kiếm thần dược. Nhà chỉ có hai mẹ con sống nương tựa vào nhau nên chàng hỏi ý kiến mẹ trước khi quyết định lên đường. Mẹ cậu vì thương lo con gặp nguy hiểm nên nghĩ cách ngăn cản. Bà yêu cầu con trai lấy vợ rồi muốn đi đâu thì đi. Cứ nghĩ rằng làm vậy con sẽ từ bỏ ý định nhưng không phải thế. Cuối cùng tới một ngày nọ, chàng trai gọi vợ và mẹ tới rồi trình bày ý nguyện của mình và dặn người vợ sau 3 năm không thấy anh ta về thì hãy kết hôn với người khác. Nói xong anh ta chạy vội đi để khỏi trông thấy cảnh mẹ và vợ khóc than buồn rầu.
Sau 3 năm, vì chờ đợi thương nhớ chồng và làm lụng khổ sở vất vả, cuộc sống cô đơn buồn tủi tinh thần suy sụp, khí huyết trì trệ, ăn ngủ không được, nên dần dần sinh bệnh. Mẹ chàng hiền hậu vì thương con dâu, lại nghĩ con trai có lẽ đã chết nên bảo con dâu lấy chồng để có nơi nương tựa. Mặc dù còn rất yêu Vương Phúc nhưng chờ mãi không thấy anh quay về, lại thấy bản thân hay đau ốm sợ thành gánh nặng cho mẹ chồng, nàng đành vâng lời lấy một người đứng tuổi góa vợ trong làng.
Bất ngờ thay, nàng tái giá chưa được bao lâu, thì Vương Phúc đột ngột trở về. Nhìn thấy nhà cửa trống vắng, mẹ già ngồi ngẩn ngơ, cô vợ trẻ đẹp cũng không thấy bóng dáng thì buồn rầu không nguôi. Sau khi nghe mẹ kể lại mọi chuyện bao nhiêu chí khí anh hùng tiêu tan hết, anh vô cùng ân hận.
Vương Phúc nhờ bạn nhắn tin mong gặp lại vợ một lần. Khi gặp mặt, chàng nói: ‘Ta vốn định bán loại thảo dược mới kiếm được này để mua quần áo và trang sức cho nàng, nhưng chẳng ngờ nàng đã tái giá. Nay ta tặng lại nó cho nàng tùy ý sử dụng’ Hai người ôm nhau khóc ròng day dứt mãi không thể rời đi. Người vợ gần như phát điên, hối hận và tự trách mình. Chịu không nổi sự day dứt, nàng bỏ ăn ngủ và bệnh cũ lại tái phát. Vì u uất buồn nản, nên càng ngày càng nặng không thầy thuốc nào có thể chữa khỏi. Trong cơn uất ức tuyệt vọng, nàng nhớ tới túi dược thảo chồng tặng. Vì muốn kết thúc cuộc đời mình bằng cách trúng độc nên nàng ăn sống những dược thảo đó. Chẳng ngờ sau khi ăn, không những không được như ý mà ngược lại kinh huyết còn khai thông và bệnh tình dần hồi phục. Để tưởng nhớ người đã tìm ra tên vị thuốc, người đời sau lấy hai từ Đương quy trong câu thơ Đường ‘Chính đương quy thì hựu bất quy” để đặt tên với ý nghĩa là quy về, nên quay về với chồng. Vị thuốc này chủ yếu dùng để điều trị các vấn đề liên quan đến sức khỏe phụ nữ.
Tác dụng của Đương quy
Theo y học cổ truyền, các phần khác nhau của củ đương quy có tác dụng khác nhau. Phần trên cùng (Quy đầu) chỉ huyết, phần thân giữa (Quy thân) bổ huyết và phần rễ (Quy vĩ) thiên về hoạt huyết, ngăn ngừa tình trạng ứ huyết. Trong nhiều thế kỷ, thầy thuốc y học cổ truyền đã sử dụng nhiều bài thuốc có vị Đương quy để điều trị các bệnh về tuần hoàn, hô hấp và sinh sản. Ở phương Tây, từ những năm 1800 đến nay, các chuyên gia thảo dược dùng để điều trị các vấn đề sinh sản của phụ nữ, bao gồm: Rối loạn kinh nguyệt, đau bụng kinh, hội chứng tiền mãn kinh, sản hậu.
Đương quy không chỉ dùng để chữa các bệnh sản phụ, mà còn dùng để chữa các bệnh khác. Một số nghiên cứu đã chứng minh thảo dược này khi kết hợp với Hoàng kỳ có tác dụng tăng cường chức năng thận, tăng cường hệ miễn dịch. Đương quy có có chứa psoralen, được sử dụng kết hợp với liệu pháp UV để điều trị bệnh vẩy nến, phương pháp này giúp cải thiện bệnh vẩy nến trên 40 – 66% bệnh nhân. Tinh dầu của nó có tác dụng kích thích tiêu hóa, tiêu đờm, lợi tiểu, lợi trung tiện. Người châu Âu sử dụng để điều trị cảm lạnh, khó tiêu, bệnh phế quản, làm dịu thần kinh và kích thích sự thèm ăn.
Món ăn bài thuốc từ Đương quy
1. Trong các món ăn bổ, Đương quy thường hay được chưng cách thủy với gà, để tẩm bổ sau khi sinh đẻ hay bất cứ lúc nào thấy người yếu mệt. Đây là món ăn được ưa thích nhất là “Ích não, dưỡng khí” rất nổi tiếng ở Hàn Quốc. Món ăn bổ càng làm cầu kỳ càng tỏ ra trọng khách.
Cách làm: Mổ bụng cá, moi hết ruột gan, nhồi Đương quy đã xắt lát vào bụng cá, nấu cho đến khi mềm, cho gia vị rất nhẹ như muối, tiêu, xì dầu, tùy ý, nhưng không nên cho hương liệu khác đậm quá, sẽ mất mùi thơm của thảo dược và vị ngọt tự nhiên của cá.
2. Cháo Đương quy và Hồng hoa
Tác dụng điều hòa kinh nguyệt, trị chứng hư lãnh.
Nguyên liệu: Đương quy 8 g, Hồng hoa 3 g, gạo một bát. Nước dùng gà 12 bát nhỏ, rau thơm, hành, gừng, muối, dầu vừng, mỗi thứ một ít.
Cách làm:
- Đương quy thái lát, bỏ vào nồi chung với Hồng hoa và hai bát nước, nấu nhỏ lửa cho đến khi còn lại một nửa.
- Lấy nước dùng gà với gạo nấu thành cháo, cháo chín rồi để lửa nhỏ, nấu nhừ đến 80%, cho nước Đương quy và Hồng hoa đã nấu sẵn vào, quấy đều tay tránh để sát nồi và bén cháy. Sau khi cháo thật nhừ nhuyễn, cho rau thơm, hành gừng, dầu vừng vào, nêm muối vừa ăn.
Theo Zhengjian
Kiên Định biên dịch