Các danh y xưa không chỉ có tài dùng cây cỏ trị bệnh, trị nội mà thực ra kỹ thuật ngoại khoa cũng rất cao thâm, được kế thừa và phát triển cho đến tận ngày nay. Trong sử sách vẫn còn ghi lại nhiều câu chuyện chữa bệnh của những thầy thuốc ngoại khoa kiệt xuất, danh y Trần Công Trực là một ví dụ.
Trần Thực Công (1555 – 1636), tự là Dục Nhân, hiệu Nhã Hư là thầy thuốc ngoại khoa thời nhà Minh. Ông quê ở Đông Hải Giang Tô nay thuộc thành phố Nam Thông tỉnh Giang Tô. Cũng giống như nhiều danh y khác, từ nhỏ Trần Thực Công rất gầy yếu thường hay ốm đau nên quyết chí theo học nghề y.
Để nâng vị thế ngành ngoại khoa và giúp các thầy thuốc thành thạo kỹ năng, Trần Thực Công vào những năm cuối đời đã căn cứ tổng hợp từ kinh nghiệm lâu năm của mình và các danh y nổi tiếng như Hoa Đà, Biển Thước…, ông đã biên soạn bộ sách “Ngoại khoa chính tông“. Bộ sách gồm 4 cuốn 157 bài phân tích đầy đủ, thấu đáo về các phương pháp điều trị cũng như các bệnh án có liên quan về các loại bệnh mụn nhọt, bướu cổ, viêm ruột thừa, lang ben, bỏng, mụn ghẻ, ung bướu… Đây là một bộ sách nổi tiếng có nhiều cống hiến qúy báu cho y học ngoại khoa Trung Quốc và thế giới, là tài liệu nghiên cứu không thể thiếu của ngành ngoại khoa hiện đại.
Phương pháp khám chữa bệnh kết hợp nội khoa và ngoại khoa
Một nhà văn đời nhà Minh tên Lý Phan Long đã từng nói: Điều trị bệnh ngoại khoa khó hơn điều trị bệnh nội khoa. Vì bệnh nội khoa không nhất thiết phải chữa bên ngoài, nhưng bệnh ngoại khoa ngược lại phải điều trị cả ngoài và trong.
Trần Thực Công cũng đồng ý với nhận thức của Lý Phan Long, ông nhấn mạnh thầy thuốc ngoại khoa không những phải nắm vững kỹ thuật ngoại khoa mà còn phải biết những kiến thức nội khoa. Khi điều trị thầy thuốc phải dựa vào tình hình cụ thể, có người cần điều trị ngoại khoa trước rồi mới điều trị nội khoa sau; có người lại cần điều trị nội khoa trước ngoại khoa sau; có người thì nội ngoại cần kết hợp, như thế mới đạt hiệu quả.
Chuyện kể rằng có một người bị bệnh hoa liễu, trên thân đã có những vết sưng nung mủ, đau đớn khó chịu tìm tới nhờ Trần Thực Công khám chữa bệnh. Sau khi khám xong ông cho rằng cần phải phẫu thuật trước để loại bỏ khí độc. Nhưng bệnh nhân lại sợ phẫu thuật cho rằng cứ để những chỗ bị sưng nung mủ kia sẽ tự tiêu đi nên không nghe lời Trần Thực Công mà đi uống thuốc giải độc. Kết quả là chỗ sưng mưng mủ không những không tiêu đi mà còn làm tổn thương nguyên khí cơ thể, các chỗ sưng máu mủ chảy ra, gân cốt đau nhức, cả đến việc đi lại cũng rất khó khăn.
Uống thuốc giải độc không thuyên giảm bệnh nhân lại tới nhờ ông chữa bệnh lần thứ hai. Sau khi kiểm tra ông thấy tình hình bệnh tình đã thay đổi không như trước nữa cần phải trị nội khoa bổ sung nguyên khí rồi sau mới trị ngoại khoa.
Ai ngờ bệnh nhân lại không tin vào thầy thuốc nên vẫn tự mình tiếp tục uống thuốc giải độc. Sau khi uống thuốc sức khỏe bệnh nhân suy giảm nhanh chóng; ngay cả đến việc ăn uống cũng không muốn, cơ thể đau đớn đến nỗi không ngủ được, đành phải lần thứ ba đi mời ông tới điều trị.
Khi thăm khám cho bệnh nhân lần thứ ba ông khẩn thiết nói với bệnh nhân: “Căn cứ vào tình hình sức khỏe của ông hiện nay cần phải bồi bổ nguyên khí trước để cho thân thể khỏe mạnh lên, sau đó mới có thể điều trị các chỗ sưng mủ. Nếu tiếp tục uống thuốc giải độc, vết thương nung mủ của ông không thể lành được và còn có khả năng làm cho sức khỏe ông suy sụp thêm”.
Bệnh nhân đã hai lần không nghe lời ông và đã nếm trải sự khổ sở đến tột cùng, rất lấy làm ân hận bèn gật đầu lia lịa nói: “Trần đại phu nói rất chí lý, lần này tôi nhất định nghe theo lời chỉ dẫn của ngài”. Ông cho bệnh nhân uống thuốc bồi bổ nguyên khí và thuốc an thần để ngủ ngon sau đó lại cho uống thuốc tiêu sưng giải độc. Sau nửa năm điều trị bệnh nhân đã hoàn toàn hồi phục. Câu chuyện trên đây có thể thấy phương pháp áp dụng cả nội khoa và ngoại khoa chữa bệnh của ông là hoàn toàn đúng đắn.
Câu chuyện: Đứt cuống họng rồi có thể cứu sống được nữa không?
Sở dĩ Trần Thực Công được mọi người gọi là “nhà ngoại khoa” là vì ông có bàn tay kỳ diệu đã từng cứu sống bao nhiêu người thập tử nhất sinh. Chuyện rằng một lần có gia đình nọ bị toán cướp tấn công mấy người trong nhà đều bị bọn cướp cắt đứt cuống họng rất dã man… Sau khi hay tin ông vội chạy đến hiện trường.
Một nha sai đến trước mặt ông và hỏi: “Trần đại phu, cuống họng mấy người này đều bị cắt đứt hết cả rồi tính mạng của họ còn có thể cứu được nữa không?” Ông quay sang trả lời: “Để cho tôi xem trước đã”. Rồi đặt tay vào mũi nạn nhân cảm thấy vẫn còn hơi thở, lại sờ trán và toàn thân nạn nhân thấy còn hơi nóng nên quyết định lập tức cấp cứu. Ông quay người lại nói với nha sai: “Vẫn còn hy vọng. Tôi có thể cứu được họ”.
Trước tiên ông khâu lại vết thương và rắc thuốc lên đó, lại dùng bốn, năm lớp giấy vải băng vết thương lại để giữ không cho thuốc rơi ra. Tiếp theo ông nhẹ nhàng đỡ đầu nạn nhân lên và kê một chiếc gối cao. Sau khi dược xử lý như vậy, trong miệng và mũi nạn nhân có hơi thở rõ rệt, ông lại từ từ cho nạn nhân uống thuốc và ăn cháo loãng.
Những người đứng xung quanh theo dõi ông cấp cứu cho bệnh nhân thảy đều vô cùng khâm phục. Một người hàng xóm của nạn nhân nói: “May mà Trần đại phu có đôi bàn tay vàng có thể cải tử hoàn sinh, nếu không cả nhà A Khôn đã bị tuyệt tự tuyệt tôn rồi”. Sau khi cấp cứu thành công, ông lại chăm sóc theo dõi bệnh tình của bệnh nhân hàng ngày. Khi thay thuốc ông dùng nước hành đặc rửa vết thương, sau đó dùng đào ngọc cao bôi lên chỗ vết thương để giảm đau và làm cho vết thương mau kéo da non; sau đó lại cho nạn nhân uống bát trân thang. Chỉ không đầy ba tháng sau những nạn nhân bị cắt cổ này đều lần lượt hồi phục khỏe mạnh. Để cảm tạ ơn cứu mạng họ gọi ông là cha, là người đã sinh ra họ lần thứ hai.
Trần Thực Công thường nói: làm thầy thuốc phải thực hiện “năm cấm” và “mười nên”.
“Năm cấm” là thầy thuốc không được tính toán so đo tiền công nhiều ít, không được bỏ vị trí công việc, lúc nào cũng sẵn sàng cứu chữa bệnh nhân, đối với người giàu nghèo có thái độ đối xử vô tư công bằng.
“Mười nên” bao gồm phải chịu khó đọc các của sách danh y cổ đại và lĩnh hội đầy đủ để khi khám chữa bệnh không có sai sót, đối với thuốc phải có sự lựa chọn cẩn thận không được qua loa đại khái.
Trần Thực Công đã nói như vậy và cũng đã làm như vậy. Đối với bệnh nhân giàu nghèo sang hèn đều xem như nhau. Gặp những bệnh nhân nghèo hoặc tăng đạo du thực đến khám bệnh, ông không lấy tiền, có lúc còn phát thuốc miễn phí thậm chí còn tặng quà. Ông thường ủng hộ tiền để làm đường sửa cầu, thậm chí còn xây dựng các viện dưỡng tế cho những người nghèo.
Kiên Định biên dịch và tổng hợp