Trương Tử Hòa (1151 -1231) tên Tòng Chính, tự Tử Hòa, hiệu Đái Nhân, người Khảo Thành Tuy Châu (nay là huyện Lan Khảo, tỉnh Hà Nam). Ông là y học gia nổi tiếng thời nhà Kim, một trong ‘Kim nguyên tứ đại gia’, là người sáng lập ‘Công hạ phái’ của Đông y.
Trương Tử Hòa thích đọc sách từ nhỏ, thích sáng tác thơ, tính cách hào phóng, không câu nệ tiểu tiết. Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm về y thuật, Trương Tử Hòa không những kế thừa truyền thống và tinh hoa của gia đình và học y từ môn hạ của Lưu Tòng Nghĩa, học y thuật và tự hình thành hệ tư tưởng lý luận y học độc đáo vang danh thiên hạ. Ông từng được Kim Tuyên Tông mời vào thái y viện nhậm chức, nhưng chỉ thời gian ngắn cáo quan về quê hành nghề trị bệnh cứu người.
‘Nho môn sự thân’ là một trước tác truyền thế của Trương Tử Hòa, trong đó ghi lại những kinh nghiệm trong thăm khám lâm sàng hằng ngày của ông. Bộ sách gồm 15 quyển, có ẩn chứa tinh hoa trong y thuật của ông, cũng lưu lại rất nhiều phương pháp trị liệu độc đáo hiệu quả mà ông ứng dụng trong thực tiễn.
Trong tác phẩm của mình ông cũng đính chính lại cách thường thích dùng sản phẩm ôn bổ thời bấy giờ, và sáng lập lý luận học thuyết ‘Công tà luận; chủ trương trừ tà để yên chính, và đề xuất vận dụng ba phương pháp ‘Hãn, hạ, thổ’ (Đây là ba phương pháp trị bệnh của Đông y: phát hãn: cho ra mồ hôi, Hạ: là tả hạ, Thổ là làm bệnh nhân nôn ra) từ lý luận tới thực tiễn đều có những luận thuật rất chi tiết. Ông dùng lý luận ‘Khí huyết ủng trệ’ quy nạp nhiều loại bệnh vào phạm trù trị bệnh của liệu pháp ‘Tuyên thông khí huyết’. Ông cũng là người đầu tiên trong lịch sử y học cổ truyền hệ thống lại, phát huy và làm phong phú thêm cách sử dụng ‘Tình chí liệu pháp’ (Nay là Liệu pháp tâm lý) trong cách trị liệu trong Hoàng đế nội kinh. Dưới đây là một vài câu chuyện điển hình về thuật trị bệnh tình chí nổi tiếng của ông.
Câu chuyện thứ nhất:
Ngày nọ, khi đi ngang qua một thôn trang, ông gặp một bệnh nhân nữ, mắc chứng bệnh kỳ lạ cười nói cả ngày lẫn đêm đã nửa năm không khỏi. Nghe danh tiếng của Trương Tử Hòa nên người nhà bệnh nhân nhờ ông khám chữa. Sau khi thăm khám, ông dùng 2 lượng muối đã kết thành khối, nung nóng đỏ trên lửa rồi để lạnh nghiền thành bột, sau đó lấy một bát nước cho bột muối vào đun sôi 3 đến 5 phút, đợi đến khi nước ấm thì đưa cho bệnh nhân uống. Sau khi bệnh nhân uống hết, dùng một cây trâm cho vào cổ người bệnh, một lát sau bệnh nhân liên tục nhổ ra tới 5 lít đờm. Ông lại kê Hoàng liên giải độc thang cho bệnh nhân uống vài ngày sau bệnh nhân không cười nữa. Ông trích dẫn trong ‘Hoàng đế nội kinh’ về nguyên nhân bệnh là do ‘Thần hữu dư tắc tiếu bất hưu’,tức là thần hữu dư ắt cười không dứt. Nhiều thần (thần khí, thần thái) thì cười cả ngày, ít thần thì buồn bã cả ngày. Thần ở đây chính là tâm hỏa, trong ngũ hành chỉ có phát hỏa mới có biểu hiện như vậy. Bệnh này Tây y thường đưa vào bệnh viện tâm thần và theo các phương pháp điều trị ở đây. Trương Tử Hòa trong một vài ngày có thể giải quyết được thật đáng để người đời thán phục. Và một điều đặc biệt hơn, phương pháp trị liệu của ông là từ một câu trích trong Hoàng đế nội kinh mà tự ngộ ra được.
Câu chuyện thứ hai
Lại một lần khác, lão hòa thượng Đan Hà mắc chứng bệnh đau đầu kỳ lạ, thường trốn trong phòng tối không dám ra ngoài ánh sáng. Căn bệnh của ông ta thuộc về nhiệt thống, ông ta thường xuyên dùng vải bọc đá quấn quanh đầu, mỗi ngày đều phải bổ sung thêm đá mấy lần mà vẫn nóng không chịu được. Các thầy thuốc tới nơi đều tới thăm khám nhưng không tìm ra bệnh, người nhà hay tin nên đến nhờ Trương Tử Hòa. Sau khi thăm bệnh, ông nói là do ‘tam dương súc nhiệt’ tam dương ở đây là Thái Dương, Thiếu Dương, tức ba đường kinh lạc này bị tích nhiệt mà sinh bệnh. Sau đó nói người nhà bệnh nhân đốt nhiều than cho phòng ấm lên tới mức bệnh nhân toát ra rất nhiều mồ hôi, lại kết hợp đồng thời ba liệu pháp trị bệnh vừa làm bệnh nhân toát mồ hôi, tả hạ, và có thể nôn ra. Ông sử dụng liệu pháp này liên tục trong bảy ngày, cuối cùng đã trị khỏi bệnh cho lão tăng. Sau khi khỏi bệnh, vị hòa thượng thường nói với mọi người: Trương Tử Hòa quả là có bàn tay thần, nếu không có hiểu biết chính xác và nắm chắc tuyệt đối khi đồng thời sử dụng hãn, hạ, thổ thì không ai dám sử dụng như vậy để trị bệnh.
Theo Zhengjian
Kiên Định biên dịch
Loạt bài Kỳ y dị thảo, đành rằng trích dẫn từ sử sách xưa lưu lại, nhưng có thể có nhiều tình tiết mà độc giả khó lòng liễu giải, nhất là chiểu theo y học hiện đại. Thực ra, y lý thường phức tạp hơn những gì người ta có thể nhìn thấy ở bề mặt, hoặc đọc được trong sách. Thêm vào đó, y học dân gian thậm chí là Đông y có nền tảng lý luận khác nhau nhiều so với y khoa thực chứng. Do vậy có lẽ chúng ta cũng chỉ nên xem đây như những câu chuyện để tham khảo, nhất định không được thử làm theo.