Cứu bằng lá ngải là cách dùng sức nóng tác động lên huyệt vị. Việc này sẽ giúp điều hòa âm dương khí huyết, thông kinh lạc, chữa bệnh, chống lão hóa và kéo dài tuổi thọ. Người đầu tiên áp dụng phương pháp này trị bệnh là ai?
Lịch sử Trung Quốc có nhiều bậc kỳ nữ, họ được ca ngợi là tứ đại mỹ nữ, tứ đại tài nữ, và còn có cả tứ đại nữ thần y. Họ lần lượt là Nghĩa Hủ thời Tây Hán, Bào Cô thời Tấn, Trương Tiểu Nương Tử thời Tống và Đàm Doãn Hiền thời Minh. Những nữ tử này, vừa có y thuật cao thâm, lại có y đức cao thượng, được hậu thế ca tụng và kính ngưỡng và thán phục. Câu chuyện về nữ danh y đầu tiên chế ra mồi ngải trị bệnh dưới đây là một ví dụ.
Bào Cô tên gọi Bào Tiềm Quang (Công nguyên 309 – 363), là nữ danh y nổi tiếng thời nhà Tấn.Y thuật cao thâm mà bà có được không thể không đề cập tới chồng và và cha bà. Theo ghi chép trong Tấn Thư, Bào Tịnh cha bà khi 5 tuổi đột nhiên tuyên bố với mọi người: “Kiếp trước tôi là con trai của gia đình Khúc Dương Lý, 9 tuổi bị rơi xuống giếng mà chết”. Gia tộc họ Bào khi đó kinh sợ tới ngây người và đi tìm hiểu sự tình và phát hiện quả đúng gia đình họ Khúc từng có người con như vậy.
Từ đó ông nhất tâm hướng đạo, tìm đọc rất nhiều kinh thư, đi theo một vị cao nhân học đạo. Ông từng mở quán dạy học trò tại Đan Dương tỉnh Giang Tổ và là sư phụ của danh y kiêm đạo nhân nổi tiếng Cát Hồng. Bào Tịnh vốn rất coi trọng người học trò vừa tinh thông về luyện đan thuật và y thuật này nên gả Bào Cô cho ông.
Mặc dù không kiểm chứng được y thuật cao thâm của bà là học được từ ai, tuy nhiên cổ nhân xưa có câu ‘Y đạo đồng nguyên’ tạm dịch Đạo giáo và Trung y có nguồn gốc tương thông với nhau, nên việc Bào Cô có thể tu thành đắc đạo và có y thuật cao thâm là điều rất dễ hiểu.
Sau này, khi cha bà được phong làm Thái thú quận Nam Hải và phải chuyển nhà, bà cùng chồng ẩn cư tu luyện trên núi La Phù, trở thành đôi bạn cùng tu tiên đắc đạo. Cát Hồng chuyên tâm vào tu đạo còn bà lại tập trung nghiên cứu về y thuật. Bà thường hay lên rừng, xuống biển tìm kiếm và nghiên cứu các vị thuốc, tự sáng tạo ra mồi ngải để cứu huyệt trị bệnh.
Mạnh tử từng nói: “Thất niên chi bệnh, cầu tam niên chi ngải” nghĩa là mắc bệnh nặng lâu ngày không khỏi hãy đi tìm lá ngải khô để trị liệu. Cây Ngải là vị thuốc lành tính, có thể trị liệu cục u cũng chính là những cục thịt thừa kỳ dị trên da. Vì biết được công dụng, Bào Cô không ngại khó khăn vất vả đi khắp nơi tìm kiếm, cuối cùng phát hiện Hồng cước ngải dưới chân núi Việt Tú. Bà dùng lá ngải phơi khô trong bóng râm rồi đem giã nát để loại bỏ cuống và gân lá làm ngải nhung. Lại nhúm một ít ngải nhung ép thành hình chóp nón, to bằng từ hạt đỗ đến hơn hạt ngô làm thành mồi ngải. Khi trị bệnh, đặt mồi ngải lên vị trí cần cứu và dùng lửa hơ trên đó cháy hơn một nửa sẽ làm cục thịt rụng ra và giúp da mịn màng mềm mại hơn. Khi vân du ở khu vực Nam Hải, nữ danh y đã dùng cứu ngải để trị khỏi bệnh cho nhiều người.
Một ngày nọ, khi bà đang hái trên đường đi tìm cây thuốc thì nhìn thấy một người con gái đang ngồi khóc nức nở rất thương tâm bên bờ hồ. Tiến tới phía trước hỏi thăm, thì phát hiện trên mặt cô gái mọc rất nhiều cục thịt nhỏ màu nâu đen trên mặt. Cô gái cúi gằm mặt, xấu hổ nấc lên mà kể, bởi dung mạo xấu xí như vậy nên hàng xóm láng giềng đều chê cười, nói cô giống quỷ nên không ai dám hỏi cưới, người nhà cũng vì thế mà lời ra tiếng vào nên hay tới đây để ngồi khóc than một mình.
Nhìn bộ dạng đáng thương tội nghiệp của cô gái, Bào Cô thương xót bèn lấy mồi ngải tự chế trong tay nải trị bệnh cho cô. Chỉ trong chốc lát, những cục thịt thừa kia đều rụng hết và da mặt cô gái trở nên trắng trẻo mịn màng. Cứ như vậy, bà vừa tu hành vừa vân du khắp nơi trị bệnh cứu người, danh tiếng nhanh chóng lan rộng khắp vùng.
Để bày tỏ tấm lòng và tưởng nhớ tới bà, người dân đã lập đền thờ và đặt tên mồi ngải mà bà chế ra là “Bào Cô ngải”. Mãi cho tới thời nhà Thanh vẫn có người đi khắp nơi tìm kiếm nó. Mặc dù bà không lưu lại cho hậu thế bất cứ cuốn sách nào, nhưng chồng bà Cát Hồng có một bộ sách tên gọi ‘Trửu hậu bị cấp phương’, trong đó có ghi chép hơn một trăm phương pháp châm cứu, trong đó thuật cứu để trị bệnh chiếm hơn 90 bài, công hiệu và phương pháp sử dụng được giảng giải rất cặn kẽ. Có người cho rằng, những bài thuốc liên quan tới thuật cứu hơn một nửa đều là kinh nghiệm hành nghề y của Bào Cô.
Đến ngày nay, cứu ngải thuật vẫn là một phương pháp dưỡng sinh của Đông y truyền thống, lưu truyền rộng rãi ngoài xã hội. Điều này cần cảm ơn những cống hiến to lớn của nữ danh y trong lịch sử y học Trung Hoa và thế giới.
Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Kiên Định biên dịch
Loạt bài Kỳ y dị thảo, đành rằng trích dẫn từ sử sách xưa lưu lại, nhưng có thể có nhiều tình tiết mà độc giả khó lòng liễu giải, nhất là chiểu theo y học hiện đại. Thực ra, y lý thường phức tạp hơn những gì người ta có thể nhìn thấy ở bề mặt, hoặc đọc được trong sách. Thêm vào đó, y học dân gian thậm chí là Đông y có nền tảng lý luận khác nhau nhiều so với y khoa thực chứng. Do vậy có lẽ chúng ta cũng chỉ nên xem đây như những câu chuyện để tham khảo, nhất định không được thử làm theo.