Cả đời tu dưỡng đạo đức, coi mạng người là trên hết nên danh y Tôn Tư Mạc đã cả đời nghiên cứu tìm tòi các phương pháp trị liệu. Người đời nay vẫn lưu truyền những câu chuyện chữa bệnh ly kỳ của ông như thông niệu bằng ống hành, hay như cách tìm ra huyệt A THỊ – một huyệt vị quan trọng trong Đông Y.
Mọi người đều biết đến đến “Châm cứu”, vốn là phương pháp chữa bệnh y học cổ truyền trong đó thầy thuốc sử dụng các công cụ khác nhau (kim châm, ngải đốt…) tác động đến các huyệt đạo cố định và có tên gọi được mô tả trong sách để thông kinh hoạt lạc, điều hòa khí huyết. Có một huyệt vị rất đặc biệt, tên gọi “Huyệt A Thị” hay Áp Thống Điểm, Bất Định Huyệt, Thiên Ứng Huyệt. Nó không có vị trí cố định mà tùy theo điểm ấn xuống thấy đau và vị trí chỗ đau mà di chuyển. Và có một câu chuyện rất lý thú khi Tôn Tư Mạc phát hiện huyệt vị này.
Chuyện rằng ngày nọ có một người bị đau chân tới nhờ Tôn Tư Mạc chữa bệnh. Bởi chân bệnh nhân bị đau, đi lại không thuận lợi, mà hằng ngày đều phải châm cứu, uống thuốc nên ông sắp xếp cho bệnh nhân lưu lại nhà mình. Việc điều trị kéo dài tới hơn nửa tháng không hiệu quả nên bệnh nhân thất vọng và xin cáo biệt về nhà.
Thực ra bệnh nhân sốt ruột một thì ông còn lo lắng và sốt ruột gấp mười lần. Ông thực sự muốn tìm ra cách chữa khỏi bệnh cho bệnh nhân nên nói với anh ta: “Xin anh đừng sốt ruột quá như thế, chúng ta cùng thử nghiệm thêm nửa tháng nữa nhé. Nếu quả thực vẫn không hiệu quả tôi sẽ để anh về nhà, anh đồng ý chứ?”
Đêm hôm đó, Tôn Tư Mạc trằn trọc mãi không chợp mắt được. Ông nhớ lại tình hình chữa chạy nửa tháng qua của mình và tự hỏi: “Tại sao đã châm cứu đúng vào các huyệt như trong sách hướng dẫn mà bệnh không có tiến triển?”. Suy nghĩ hồi lâu ông nheo mắt tự hỏi: “Hay trên cơ thể còn có những huyệt vị chưa phát hiện?” Nghĩ đến đó, ông bật ngồi dậy, tự tìm và thử châm một số huyệt trên cơ thể.
Sáng hôm sau, ông bảo bệnh nhân nằm trên giường và duỗi thẳng chân ra. Sau đó cẩn trọng từng phân từng khấc ấn thử các huyệt vị và luôn miệng hỏi bệnh nhân: “Có phải chỗ này đau không?”. Nhưng lần nào bệnh nhân cũng nói: “Không phải, không phải, không đau…”
Không nản chí ông vẫn tiếp tục ấn thử, khi ấn đến một vị trí, đột nhiên bệnh nhân kêu to: “A, là, là, là, chỗ đấy đau…”. Thấy vậy Tôn Tư Mạc bèn ấn chặt và coi đây như một huyệt rồi dùng kim châm vào đó. Một lát sau, bệnh nhân nói với ông: “Tôn đại phu, chân con hết đau rồi”.
Tôn Tư Mạc ghi lại huyệt vị vừa khám phá và tới sáng ngày thứ ba ông thử châm cứu vào huyệt vị đó nhưng lại không hiệu quả. Ông bèn áp dụng phương pháp lần trước ấn thử tìm cho được điểm đau và châm cứu vào đấy. Cứ thế, châm tiếp mấy ngày nữa, chân đau của bệnh nhân được chữa khỏi hoàn toàn. Sau đó ông tổng kết lại một phương pháp châm cứu mới mà trong các sách y chưa từng ghi chép lại, đó là đau chỗ nào châm vào chỗ nấy. Cách làm của ông từ đó đã mở rộng các huyệt vị trên cơ thể và có thể trợ giúp các bác sĩ khi châm cứu trị bệnh.
Thời đó trong các sách cổ di lưu lại chưa đề cập đến huyệt vị này, nên ông muốn đặt cho nó một cái tên để mọi người biết và gọi. Thế nhưng huyệt vị này không ở một chỗ cố định trên cơ thể, cũng không biết có mấy cái, gọi tên gì cho phù hợp đây? Bỗng ông nhớ lại đầu tiên tìm ra huyệt vị này, bệnh nhân kêu: “a, là, là, là, chỗ đấy đau…” nên đặt tên là: “A Thị huyệt”. Thế là chỉ với một giải pháp rất đơn giản mà thông minh, Tư Mạc đã lại một lần nữa đóng góp cho y học thời bấy giờ một cách điều trị hiệu quả mà rẻ tiền cho các bệnh nhân.
Ông cũng là người tôn sùng dưỡng sinh, thường tự mình thể nghiệm, chính nhờ thông hiểu thuật dưỡng sinh mà hơn trăm tuổi vẫn tai nghe mắt thấy tinh tường. Ông đem tư tưởng dưỡng sinh của nho gia, Đạo gia, Phật gia kết hợp với lý thuyết dưỡng sinh của Trung y, đưa ra rất nhiều phương pháp dưỡng sinh thiết thực mà dễ làm và vẫn còn giá trị tới tận ngày nay. Ví dụ như tâm tính cần phải bảo trì sự cân bằng, không nên cứ một mực theo đuổi danh lợi, ăn uống cần phải điều độ, khí huyết cần phải chú ý lưu thông, không nên lười biếng lười vận động, sinh hoạt thường ngày cần phải ổn định, không nên trái với quy luật tự nhiên…
Tôn Tư Mạc lấy Đức dưỡng tính, lấy Đức dưỡng thân, Đức hạnh và y thuật đều cao siêu. Ông đã trở thành một danh y vĩ đại được giới y học và trăm họ tôn sùng.
Kiên Định t/h